(BTO) - “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (*), có điều gì đó bâng khuâng khi đi lại con đường Phan Thiết - Mũi Né. Đường xưa, xe ngựa cũ không còn, nhưng khó lòng quên được người phụ nữ bằng công sức và tiền bạc đã mở con đường này.
Tấm bia đá và người quá cố
“Tôi là Lục Thị Đậu nghiệp chủ, chánh quán Khánh Thiện, trú quán Phú Trinh, ở tại đường Hải Thượng Lãn Ông - Phan Thiết đứng dựng bia này để kể lại cuộc đời dĩ vãng của tôi từ lúc sơ sanh đến lúc trưởng thành...”. Lục Thị Đậu là ai? Vì sao người phụ nữ họ Lục lại tự dựng bia kể về mình? Bia được lập năm 1958, đến nay gần 60 năm. Thời gian gần phủ mờ tất cả. Một buổi sáng tôi đã không khỏi tò mò để quyết định đi tìm chân dung người đàn bà họ Lục, người mà cha chú của tôi kể: Có nhiều công tích trong việc mở đường Phan Thiết - Mũi Né.
Bất hạnh và bươn chãi
Một ngày mùa hè năm 1888, khi ấy lịch âm là ngày 26/6. Ở Khánh Thiện - một làng biển nhỏ của Mũi Né, nhiều người biết chuyện một phụ nữ nghèo, vợ của một người đàn ông họ Lục, từ Chợ Lầu (khi ấy gọi là Phan Lý Chàm) vào gánh cá mướn, vừa sinh đứa con gái. Con bé nom bụ bẫm, vừa ra khỏi lòng mẹ đã khóc thét, khóc kéo dài. Mẹ con bé muốn dỗ con nhưng chị ta không còn sức vì không cầm được đường huyết. Một thời gian ngắn sau, mẹ bé gái qua đời. Mất mẹ, không sữa, bé càng khóc. Một phụ nữ đứng tuổi là chị của mẹ bé gái quyết định bồng cháu đi xin sữa, cháo loãng. Thời gian trôi đi. Khi Đậu được 8 tuổi, người cha, lúc này đã có vợ mới muốn đưa con gái về nuôi. Thế nhưng chỉ được một vài năm, Đậu phải xin về lại bên nội vì… như ca dao cổ thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng ”.
< Bà Lục Thị Đậu chụp trước năm 1969.
Năm 1905, Lục Thị Đậu tròn 17 tuổi. Nước da cô đen giòn vì suốt ngày hứng gió biển, nhưng môi lúc nào cũng đỏ mọng, mắt lá răm nhìn ai cứ như thăm thẳm, rõ là thu hút. Đậu còn được trời cho sức khỏe. Tuy cùng gánh cá như mọi người, nhưng người ta chỉ vài ba gánh đã mệt còn Đậu rõ ràng trên chục gánh vẫn chạy phăm phăm. Những gia đình có con trai trong làng đánh tiếng, nhờ mối mai hỏi Đậu cho con họ, nhưng bà nội chỉ muốn gả Đậu cho con trai ông Hương Nhu ở làng Thiện Khánh kề bên (Hàm Tiến ngày nay). Ngày Đậu lấy con trai ông Hương Nhu, đám rước đi tới đâu, người ta đổ ra xem đến đó. Ai cũng mừng cho Đậu.
Thế nhưng, đôi vợ chồng trẻ ấy đã đứt gánh chỉ sau một năm vì chồng Đậu không may bị bệnh nặng qua đời. 2 - 3 năm sau, Lục Thị Đậu xin về lại với nội. Làng Thiện Khánh năm ấy lại có thêm đợt người từ các nơi đổ về làm biển. Nhà bên cạnh có anh Lương Trân, lúc nào thấy Đậu cũng nhìn trân trân. Hàng xóm nói với nội: “Bà ơi, con Đậu nó đứt gánh nửa đường, nay có người thương bà nên cho nó tái giá”. Nội nghe phải, đồng ý. Năm 1908, Đậu và người thanh niên nhà bên nên duyên chồng vợ. Ngày ra riêng, nội cho Đậu một quan tiền, một giạ gạo, dặn hai cháu cố gắng bươn chãi, đùm bọc, thương yêu nhau. Đó là những ngày cực kỳ khó nhọc như bà Lục Thị Đậu kể trên văn bia: “Hết sức nghèo khổ, thiếu trước hụt sau, thậm chí thiếu nợ, ngày nào chủ nợ cũng kéo đến đòi”. Dulichgo
Tạo dựng cơ nghiệp
Đôi vợ chồng trẻ làm đủ việc kiếm sống. 5 giờ sáng cô Đậu thức dậy. Hai vợ chồng cùng tráng bánh. Hết bánh quay sang chiên cá bán chợ chiều. Ông Lương Trân thương vợ làm hết mọi việc nặng nhọc. Ông chỉ có một việc không đồng ý với vợ là cô quá tiết kiệm. Bữa ăn nhà họ thường chỉ có cá. Cá kho nhiều nước để chấm rau luộc. Có lúc gần nửa tháng, số cá mua 2 xu vẫn còn nguyên trong nồi... Tuy vậy, với bên chồng cũ, hàng xóm láng giềng, cô Đậu hết sức nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ người ngặt nghèo, ốm đau.
Bà kể:“ Vợ chồng hết sức cần kiệm, được 2.000 đồng nhưng phải vay thêm 1.000 đồng… Mẹ chồng cũ cho mượn thêm 300, tổng cộng tất cả 3.300 đồng. Nhờ số tiền ấy, vợ chồng tôi tạo được lều cá đầu tiên, vốn là tài sản của bà Tư Mũi Né bán lại. Ngay lúc ấy, cha chồng cũ bán chịu cho 2 chiếc ghe cá, gặp lúc cá muối mắm có giá, chúng tôi càng cố làm ăn để thêm phát đạt. Tuy vậy, chúng tôi còn phải tự lực chưa dám mướn người ở. Thí dụ, khi đổ xác mắm phải đợi đến nửa đêm, và phải mướn một ông già với tiền công 2 cắc để ổng xúc xác (mắm), chuyền cho tôi để tôi đội ra biển đổ”. Bà đã viết như thế về những ngày đầu tạo dựng cơ nghiệp của mình.
Người dân làng Khánh Thiện thấy vợ chồng Đậu chịu khó làm ăn, làm đâu được đó nên tin tưởng bán nợ nước mắm. Đậu chở số nước mắm ấy vào Sài Gòn bán, rồi mua hàng hóa chở về. Sau khi có tiền thu từ hàng hóa, cô mới đem trả cho người bán nước mắm ban đầu. Với cách kinh doanh như vậy, dần dà cô Đậu tích lũy được một số vốn để mở rộng kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Cô Đậu trở nên giàu có nhất nhì xứ Phan Thiết và dân làng thường gọi cô là bà Hòa Chánh (từ đây trở đi, gọi như thế). Bằng tài năng kinh doanh, bà Hòa Chánh tiếp tục duy trì sự giàu có từ thập niên 30 đến thập niên 60 của thế kỷ XX.
Bậc nhất xứ Phan
Năm 1932, Phan Thiết được chính quyền thuộc địa chủ trương kiến thiết lại để phù hợp với tính chất là thủ phủ của một tỉnh quan trọng của Trung Kỳ bấy giờ. Khi ấy, chính quyền thuộc địa kêu gọi và hỗ trợ những thương gia, nhất là các thương gia địa phương, mở đường, xây phố, lập chợ... Nhiều phố xá và chợ búa ở Phan Thiết được xây giai đoạn này như: chợ Gò, Đồn, chợ Lớn...
Bà Hòa Chánh từ Mũi Né vào Phan Thiết mua hơn 20 căn nhà phố trên đường Hải Thượng Lãn Ông - đường phố chính của Phan Thiết thời ấy - để cho thuê. Cũng từ đấy, bà chính thức bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Đến cuối thập niên 50, tại Phan Thiết, bà Hòa Chánh có hơn 100 căn nhà phố nằm trên các tuyến đường chính, khu thương mại: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Hoàng (Lê Hồng Phong ngày nay), Trương Công Định, Yersin, khu chợ củi... Bà cũng vào La Gi mua 30 căn nhà phố ngay tại khu chợ mới. Tại Sài Gòn, bà có 25 căn nhà phố trên các tuyến đường phố chính như: Hùng Vương, Nguyễn Cư Trinh, Bến Chương Dương... và một xưởng cưa tại Gò Vấp. Ở làng Khánh Thiện (Mũi Né) quê hương mình, năm 1962 bà cho xây 20 căn nhà phố lầu đầu tiên. Dãy phố này có thể nói là hiện đại nhất tại Mũi Né thập niên 60 - 70. Không chỉ kinh doanh lĩnh vực đất đai, bà còn là cổ đông lớn của Hãng hàng không Air Vietnam và Công ty Dentaco chuyên kinh doanh máy cày, máy kéo lớn nhất Sài Gòn.
< Đường Mũi Né ngày xưa.
Ngoài ra, quá trình tìm hiểu tư liệu về cuộc đời bà, chúng tôi hết sức bất ngờ về hàng trăm mẫu (hecta) đất đai, ruộng vườn mà bà sở hữu. Đa số đất ấy ở: Hàm Thắng, Hàm Đức, Hồng Sơn, Ma Lâm, Hàm Liêm... Bà Hòa Chánh còn bỏ tiền ra mua đất của Chính phủ rồi khai hoang, vỡ hóa thành ruộng. Bởi vậy bà có một kho lúa rất lớn tại khu 60 Hải Thượng Lãn Ông mà người dân Phan Thiết thời đó ai cũng biết.
Mở đường, xây trường, hiến tài sản cho kháng chiến
Từ trước thập niên 30 thế kỷ XX, mọi giao thương từ Mũi Né đi các nơi khác chủ yếu bằng đường biển. Do đặc thù Mũi Né là bãi ngang nên tàu thuyền muốn vào Mũi Né chỉ thuận lợi trong 6 tháng mùa gió Nam (nồm), đến mùa gió Bắc (bấc) thì hết sức khó khăn. Đường bộ từ Phan Thiết đi Mũi Né chỉ có đường mòn để đi bộ hoặc đi ngựa. Do đường mòn lắm cát và không an toàn vì trộm cướp nên ít người mạo hiểm đi. Xuất phát từ những lý do đó, bà Hòa Chánh đề xuất chính quyền thuộc địa để bà làm con đường xe hơi từ Phan Thiết đi Mũi Né. Thời đó, thi công chủ yếu bằng sức người, lại thi công trên địa hình gió cát nên phải mất 3 năm sau mới hoàn thành xong tuyến đường gần 20km này. Năm 1922(?), việc khánh thành con đường xe hơi Phan Thiết đi Mũi Né là một sự kiện quan trọng ở Trung Kỳ. Trước hành động nghĩa hiệp này, triều đình Huế ân tặng cho bà Hòa Chánh bốn chữ “Hào Nghĩa Khả Gia”.
Có đường xe hơi rồi nhưng thời đó người dân các làng Khánh Thiện, Thạch Long, Long Sơn (Mũi Né) chỉ có một trường tiểu học công lập. Chỉ có học sinh nhà khá giả mới có điều kiện vào Phan Thiết ở trọ theo học trung học. Do vậy, học sinh học trung học ở Mũi Né rất ít. Thương người dân quê mình, năm 1942, bà Hòa Chánh xây dựng Trường trung học Hải Long rồi giao lại cho chính quyền quản lý. Nhiều thế hệ học sinh Mũi Né, giai đoạn 1942 - 1970 đều nhớ tấm bia ở sân Trường trung học Hải Long, ghi dòng chữ “Bà Lục Thị Đậu phụng cúng”. Nghĩa cử này của bà được Hoàng đế Bảo Đại ân tặng “Nhị Hạng Long Bội Tinh”. Ngoài ra, không chỉ lập trường học ở Mũi Né, bà còn xây trường tiểu học tại Phú Hài, được chính quyền sở tại cho phép khai khẩn đất đai để xây chùa ở khu vực Lầu Ông Hoàng ngày nay.
Theo tài liệu lịch sử Nam bộ kháng chiến, năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong tay là nền tài chính kiệt quệ, kho bạc trống rỗng. Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm bao vây tứ phía. Hưởng ứng lời kêu gọi “Tuần lễ vàng” trong cả nước từ 17 - 24/9/1945 của Hồ Chủ tịch, tại Bình Thuận, cùng với các bà: Dương Thị Lâu, Nguyễn Thị Thềm, bà Hòa Chánh ủng hộ vàng cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
< Nhà mộ gia đình bà Lục Thị Đậu.
Do không có con nên vợ chồng bà xin một người con nuôi và đặt tên là Lương Xuân. Vợ chồng bà đồng ý cho con nuôi duy nhất của mình tham gia kháng chiến. Ông Lương Xuân là tiểu đội trưởng cảm tử đội Phan Thiết. Năm 1948, trên đường đi công tác, ông bị mật thám bắt và xử tử tại khu vực xóm Đầm (Bình Hưng, Phan Thiết).
Cả một đời tần tảo, làm giàu cho mình và đóng góp cho xã hội nhiều điều hay, bà Hòa Chánh xứng đáng được người đời ghi nhớ. Bà mất năm 1974, thọ 86 tuổi, được an táng trong phần mộ của gia đình tại phường Phú Hài (Phan Thiết).
(*): Trích thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan. Ý nói đến “sự vật đổi sao dời”, không có gì vững bền trước thời gian.
Theo Lê Huân (Báo Bình Thuận)
Du lịch, GO!
Đây là con đường khởi đầu đến một địa danh mà khi ấy ít ai biết đến. Đến năm 1989, đoạn từ Phan Thiết về Mũi Né gần như trở thành một con đường đất đỏ bụi mờ, gian khổ, nhựa bị nứt tách loang lổ. Xe chạy sát bên lề, ì ạch, nghiêng ngả, khách ngồi đã quen thở lên thở xuống, chẳng ai nói gì, rồi đến đoạn đường cát mịn dày xe lún không qua được, hành khách phải xuống bớt, lơ xe lấy 2 thanh gỗ hoặc 2 vỉ sắt để ở hai bánh xe trước, tài xế cố nhấn ga cho xe vượt qua.
Thỉnh thoảng, xe ghé dọc đường bỏ hàng cho quán xá,10 phút một/ lần, xe đi mãi cho đến trời đổ tối thì đến Mũi Né. Hồi đó, chưa có xe ôm. Phương tiện duy nhất là xe than (xe chạy bằng một bình than to để phía đuôi xe được che chắn cho than khỏi bắn vào hành khách), gắn biển giao thông 5 km/giờ. Đó là đường từ Phan Thiết đi Mũi Né nhé, còn từ Mũi Né đi Hòn Rơm thì hoàn toàn chưa có gì; khách muốn đến Hòn Rơm là một vấn đề lớn vì phải vượt rất nhiều đồi cát giữa cái nắng cháy da.
Vậy nhưng đường đi Mũi Né hồi đó đẹp lắm, một bên là đồi cát đỏ, bụi cây xanh lô nhô, một bên là biển rộng nước xanh, sóng vỗ miên man vào bờ, đến những quãng đường không có nhà dân chỉ thấy toàn cát trắng, vài bụi cây cô quạnh màu xanh thẫm, chơ vơ. Hàng cây xương rồng mọc thành mấy lớp chạy suốt theo bờ biển, những cành cây hoang dại nhô ra đường đập vào thành xe.
Rồi sau sự kiện nhật thực năm 1995: Mũi Né như cô công chúa ngủ trong rừng tỉnh giấc, khoác chiếc áo du lịch vội vàng. Cánh xe ôm đông hơn, những con đường mới mở thẳng tắp rộng thênh thang tách đồi cát mênh mông thành con đường tráng nhựa, lề đường lót gạch. Các khu nghỉ dưỡng chạy nối tiếp nhau mang đủ phong cách Âu, Á, Mỹ La-tinh...
Mũi Né đã thay đổi cho kịp trào lưu văn minh hiện đại nhưng ký ức ngày xưa về một con đường của thuở hồng hoang vẫn còn đấy... (Dulichgo)
Nhớ Mũi Né xưa
Nhớ Hòn Rơm... xưa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét