Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Nặng lòng động duối hoang 100 tuổi

(BPY) - Trên tuyến đường ven biển từ xã An Phú (TP Tuy Hòa) ra gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) có gần trăm cây duối hoang cổ thụ. Hàng duối 4-5 cây đứng thẳng hàng, tán lá duyên dáng, gốc của nó cầu kỳ. Có bụi duối “mồ côi” (đứng một mình) “ngả lưng” ra rẫy bắp, duối còn “chồm” ra ruộng lúa rất nên thơ…

< “Ngõ duối” nên thơ.

Hai bên đường đoạn từ xã An Mỹ qua xã An Hòa, An Hải rồi đến xã An Cư (huyện Tuy An), xóm nhà rải rác, ngắt quãng bởi vùng gò đồi, những bụi duối trên 100 năm tuổi trải dài từ trong xóm ra đến tận rẫy. Chúng tôi vào khu đất của bà Trương Thị Diễn ở vùng núi Động Thấp (xã An Mỹ) nằm cạnh đường, chiêm ngưỡng 3 cây duối cổ thụ.

< 3 cây duối cổ thụ trên 100 năm tuổi cạnh tuyến đường ven biển.

Cạnh hàng duối là đám lúa vụ mùa (ở đây không có hệ thống thủy lợi nên mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa vào mùa mưa hứng nước trời, người dân địa phương gọi là lúa vụ mùa), xanh tươi, kề bên là trại tôn cất theo kiểu nhà sàn, bên trong treo lủng lẳng xoong nồi. Và có lẽ tài sản quý giá nhất là 3 cây duối. Sau một hồi xởi lởi, bà Diễn cho hay, 3 cây duối này là “của để dành” của cha chồng tôi. Hồi tôi về làm dâu, chỗ 3 cây duối này là nơi cột bò. Còn chỗ trại tôn là nền nhà cũ.

Cụ Lê Yêm (cha chồng của bà Diễn, năm nay 84 tuổi) cho hay, hồi trước vùng đất này là động duối, đám đất nào cũng có duối. Dulichgo

< Duối hoang mọc chen lấn xuống tận bờ ruộng.

Vùng này hoang sơ, chỉ vài ngôi nhà nằm rải rác, một năm vài người khách vãng lai, chủ yếu là bà con ở xa đến thăm. Sau đó, người dân ở đây thấy buồn quá nên mới dời nhà vào trong xóm gần chợ cho đông vui. Cách đây 5 năm, Nhà nước mở tuyến đường ven biển ra khu du lịch Bãi Xếp, hòn Chùa, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa nên người đi lại nhộn nhịp. “Hàng duối này trên 100 năm tuổi. Cây duối chậm lớn lắm, gốc to cỡ bằng thùng gánh nước thì sống trải qua 2 đời người. Theo tôi, duối ở phía ngoài Động Cao, cây nào nhỏ cũng gần 100 năm tuổi”, cụ Yêm khẳng định.

Cũng theo tuyến đường ven biển, từ Động Thấp xuôi qua vùng gò đồi Động Cao (xã An Mỹ), những cây duối hoang cổ thụ mọc cạnh rẫy bắp, từ gốc đến cành nhánh là “vũ điệu” duối hiếm nơi nào có được.

< Duối chặt nhánh làm củi có “tật” nhiều u nần.

Ông Nguyễn Văn Lanh, nhà ngửa mặt ra động duối cho biết, duối ở đây chủ yếu để chặt nhánh làm củi, trước đây nấu cơm, sau khi có điện sắm nồi cơm điện thì dùng củi duối nấu cháo cho bò, heo. Ban đầu, người dân chặt nhánh thấp, duối nứt nhánh lên cao, chỗ bị chặt lại u nần. Một thời gian sau, người trong xóm tiếp tục chặt nhánh làm củi, duối lại “sung sức” nứt nhánh vươn cao, gốc của nó túa ra nhiều rễ tạo thành bụi duối. Do vậy, duối ở vùng này “mười cây như chục” đều có “tật” từ hồi nhỏ. Điều kỳ diệu là khi chặt cành, nứt ra nhiều nhánh, lá duối ra lá đều đơm lên tán tròn giống như ai đó đang cắt tỉa, tạo dáng cho duối hoang.

Ra đến động Bà Điền (xã An Hòa), duối hoang “trang trí” cho cảnh quan vùng gò đồi đẹp hơn. Vùng này đất sạn cốm nên thân duối cằn cỗi, dáng cầu kỳ, có cây nằm nghiêng, có cây uốn éo. Chỗ gốc duối, ngày mùa người ở xa đến làm đồng ở lại luôn trưa nên thường treo lủng lẳng gói cơm, bình đông nước. Trưa, người làm đồng chợp mắt ngủ “ké” dưới tán duối.

< Bụi duối là nơi để cột bò.

Còn khi ra đến động Cao Biền (xã An Hải), những hàng rào duối “thượng” lên lưng chừng quả đồi cạnh đường, duối hoang không ai chăm sóc nhưng thân cây nhiều góc cạnh, lộ bộ rễ đẹp mơ hồ. Cạnh con suối nhỏ, cây duối mồ côi, “ngả lưng” ra rẫy bắp. Nhìn lên con đường len lỏi vào rẫy có 2 cây duối đứng hai bên tạo nên “ngõ duối” nên thơ. Vùng đất khô cằn, thiên nhiên ban tặng cây duối với nét cong đan xen, mềm mại.

Vùng này, duối mọc từ gò chen lấn xuống ruộng. Cây duối đứng cạnh bờ ruộng, tán lá cây chòm ra bờ ruộng lúa, tạo ra không gian duối thật gần gũi giống như người nông dân đội nón lá thăm đồng.

< Những bụi duối cổ thụ trên vùng gò đồi cạnh đường ven biển.

Bên cạnh dáng duối cổ thụ trên đọt ra lá tơ non, nhiều bụi duối cổ thụ đang chết khô. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay phong trào trồng cỏ voi nuôi bò lai lãi cao nên người dân quanh vùng đã “giết” duối để lấy đất trồng cỏ. Chị Trần Thị Xinh, đang trồng cỏ cạnh gốc duối đã chết trên động Cao Biền nói dửng dưng: Cây duối này có từ lâu đời, ra tán rậm, chiếm đất nữa nên phá nó để có chỗ trồng cỏ cho bò”.

Quanh vùng gò đồi, có những bụi duối bị người dân chặt trụi nhánh để cây mất sức sống, có người chất củi dưới gốc hun khói nhiều ngày cho cây ngã. Nhìn cây duối trắng từ gốc tới đọt thật xót xa, cây duối hồi nhỏ “chịu khổ” đã đành, lớn lên thành cổ thụ lại tiếp tục bị “hành hạ” chỉ để lấy đất trồng cỏ.

Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét