Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

5 cây cầu huyết mạch ở ĐBSCL

(VNE) - Không chỉ mang tính lịch sử, góp phần tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà những cây cầu này còn làm nên nét đẹp rất riêng cho vùng sông nước mênh mông của tổ quốc.

1. Cầu Mỹ Thuận

Là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam nối 2 bờ sông Tiền, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách TP HCM 123km về phía tây nam.
Cầu dài 1535m theo hình rẻ quạt, 2 mặt phẳng với 4 làn xe cơ giới và 2 lề bộ hành rộng 23m. Ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận thực sự là một ngày hội lớn đối với người dân ở 2 bờ sông Tiền. Việc giao thông, đi lại của người dân tỉnh Vĩnh Long dễ dàng hơn ngày trước giúp kinh tế vùng càng ngày càng phát triển.

2. Cầu Cần Thơ

Nối liền 2 bờ sông Hậu giữa tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long, tại thời điểm hoàn thành năm 2010 cầu Cần Thơ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới.

Rộng 23m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn bộ hành, nhịp chính cầu dài hơn 1km. Nhịp dây văng giữa 2 trụ tháp dài 550m. Đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 520m, đường dẫn phía Cần Thơ dài 1,2km. Cầu Cần Thơ được xây bằng nguồn viện trợ ODA của chính phủ Nhật Bản, sau khi hợp long cầu Cần Thơ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ cho thành phố Cần Thơ nói riêng và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung do rút ngắn được thời gian đi lại giữa các tỉnh miền Tây, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển.

3. Cầu Rạch Miễu

Khởi công năm 2002, khánh thành năm 2009, nằm trên quốc lộ 60 qua sông Tiền, cầu Rạch Miễu nối liền thành phố Mỹ Tho với tỉnh Bến Tre. Đây là công trình tiêu biểu do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế và thi công. Dulichgo

Rạch Miễu là cầu dây văng lớn thứ ba ở miền Tây, bên cạnh cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. Dài 8331 bao gồm cả đường dẫn nối 2 đầu cầu, chiều cao thông thuyền 37,5m cho phép tàu có tải trọng 10.000 tấn có thể đi qua. Trong tương lai, sau khi cầu Vàm Cống và cầu Cổ Chiên hoàn thành, mạng lưới cầu dây văng nối liền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn chỉnh góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế và du lịch vùng.

4. Cầu Vĩnh Ngươn

Ở Châu Đốc, An Giang có một kênh đào rất nổi tiếng chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia từ thành phố Châu Đốc xuống đến thị xã Hà Tiên là kênh Vĩnh Tế. Đây từng là kênh đào dài nhất, lớn nhất và được thi công lâu nhất trong lịch sử khai khẩn miền đất phương Nam. Đại thần Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), một danh thần triều Nguyễn là người chỉ huy trực tiếp việc đào con kênh này trong cả ba giai đoạn lịch sử.

Cầu Vĩnh Ngươn tạo thuận lợi về giao thông đường bộ và góp phần đẩy mạnh các lĩnh vực thương mại, dịch vụ công nông nghiệp và nâng cao mức sống cho người dân ở phường Vĩnh Ngươn, góp phần đóng góp phát triển kinh tế biên giới của thành phố Châu Đốc.

5. Cầu Bình Thủy

Cầu Bình Thủy bắc qua xép Năng Gù, nối liền giao thông trên quốc lộ 91 từ phía thành phố Châu Đốc đến thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông và thành phố Sa Đéc.

Dù chỉ là một cây cầu nhỏ, không bề thế về quy mô với các cầu dây văng qua sông Tiền, sông Hậu nhưng cầu Bình Thủy có giá trị đặc biệt qua trọng nối liền huyện Chợ Mới, An Giang với huyện Châu Phú và các tỉnh phía Tây Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Khánh Bằng (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét