(BCT) - Gió bấc liu riu thổi là lúc chúng tôi đến Nhơn Hội, An Phú, An Giang, "trụ" tại nhà ông Mach-ly, để hòa cùng cuộc sống đồng bào Chăm nơi đây. Ông Mach-ly cho biết đang "mùa cá ra". Mùa cá ra là lúc nước trên các cánh đồng đầu nguồn sông Hậu (An Giang) rút xuống các kinh rạch, và cá từ trên đồng (cá linh non và các loại cá khác lên đồng sinh sôi nảy nở, sau vài tháng thành cá già) theo đó ra sông, tiếp tục cuộc hành trình tìm về thượng nguồn.
Nói rồi, ông đưa chúng tôi ra một vàm rạch ở Khánh An (An Phú) chứng kiến những hình ảnh thanh bình mà bất cứ du khách nào cũng thích thú trải nghiệm. Nơi này giăng lưới, chỗ kia vãi chài, nơi nọ thả đăng, kẻ chèo xuồng, người vọt vỏ lãi… Nhộn nhịp nhất là khi họ dỡ ngư cụ lên, khuôn mặt rạng rỡ nhìn những con cá quẫy mình tìm đường thoát. Cá linh, cá mè, cá bống tượng, cá hô đất, cá leo, cá lăng… Kẻ mua người bán rộn ràng như ngày hội.
Ông Mach-ly cho biết năm nay nước nhỏ (nước lũ về ít) cá không bao nhiêu, bán ký. Ngày xưa, người ta bán cá bằng giạ, bằng thúng, ăn không hết xẻ khô, làm mắm, nấu nước mắm. Ông cho biết, mùa cá ra kéo dài cả tháng, nhưng rộ nhất vào hai con nước kém là mùng 10 và 25 tháng 10 âm lịch. Hòa tấu khúc sông nước nầy kéo dài từ lúc trời chưa đâm mây ngang đến tận lúc mặt trời sụp bóng.
Ông Mach-ly đưa chúng tôi ra bến nước trước Thánh đường Nhơn Hội (Mas Jid Khoy Ri Yah), nơi có một chiếc ghe máy đang đậu. Đó là loại ghe lạ mắt, mũi cong, khắc sơn hoa văn khá sặc sỡ theo phong cách người Chăm. Bà Sari-pháp, chủ ghe cho biết ghe chở được trên 10 người, chạy vòng quanh Búng Bình Thiên khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, giá 300.000 đồng.
Đây là nghề mưu sinh của bà cùng cậu con trai nhỏ. Chồng và các con lớn của bà đang ra đầu vàm, ngã ba, ngã tư, sông rạch để săn bắt cá mưu sinh. Mùa cá ra thu hoạch gấp nhiều lần những tháng khác trong năm. Riêng bà sức yếu nên chọn nghề chạy ghe máy đưa khách du lịch tham quan búng.
Với tiếng Việt lớ lớ, Mach-ly kể: Búng Bình Thiên là một hồ nước thiên nhiên có từ mấy trăm năm, thuộc 3 xã: Nhơn Hội, Quốc Thái và Khánh Bình. Tên gọi có nghĩa "hồ nước trời", nhằm diễn tả sự mênh mông như trời đất của nó. Vào mùa khô, búng rộng trên 200ha, còn mùa nước nổi thì mặt hồ mở rộng thêm 100ha, sâu khoảng 4m. Người dân địa phương thường gọi Búng Lớn - một hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây, dấu tích còn lại của thời xa xưa, khi nơi nầy còn là hoang địa với ao đầm giăng khắp.
Theo truyền thuyết, mùa khô hạn cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh dẫn quân đến. Không có nước ngọt, ông dâng lễ vật cúng tế rồi đâm gươm xuống đất, một dòng nước trào lên, đọng thành hồ nước trong vắt. Hồ ngày một phát triển rộng lớn thành búng như ngày nay. Điểm đặc biệt của Búng Bình Thiên là bất cứ lúc nào, nước trong búng cũng trong xanh, chỉ dâng cao rồi hạ xuống. Từ năm 2012, Quốc khánh 2-9 năm nào chính quyền địa phương cũng thả cá trong búng nhằm bảo tồn, phát triển loài thủy sản. Ghe chầm chậm chạy quanh hồ, vượt qua những nhà bè nuôi cá rô phi bập bềnh sóng nước. Ghe chui qua cầu C3 trên sông Bình Di, đầu ra của búng. Trước mắt chúng tôi hiện tượng lạ kỳ: nước bên đục bên trong. Dulichgo
Rời búng, dài theo đường trải nhựa, mùi nước mắm cá linh nấu tỏa thơm quyến rũ trong đêm dần buông xuống. Cây cối hai bên đường, trong vườn với những căn nhà kiến trúc theo kiểu đồng bào Chăm ẩn hiện. Bước từng bước lên cầu thang gỗ khá cao, chúng tôi lên căn nhà sàn của ông Mach-ly. Sàn nhà láng bóng, đã bày sẵn bữa cơm tối trên tấm vải nhựa lớn. Ê hề những thức ăn đang chờ chúng tôi. Cùng ông và các thiếu nữ con ông, chúng tôi dùng bữa cơm thân mật trong câu chuyện về đồng bào Chăm Nhơn Hội mà ông Mach-ly vui vẻ kể. Đêm, chúng tôi ngủ trên nền sàn nhà khách. Con đường trước nhà im vắng. Thỉnh thoảng tiếng bò rống trong tiếng gió xào xạc lùa qua tán cây đưa chúng tôi vào giấc ngủ dịu êm.
Ẩm thực Chăm Nhơn Hội
Ông Mach-ly nhà ở Búng Bình Thiên (Nhơn Hội, An Phú, An Giang) từng thực hiện các món ăn Chăm cho Công ty Du lịch An Giang. Tại nhà, ông đã tổ chức những bữa cơm Chăm cho nhiều khách phương xa từ hơn hai năm nay.
Mùa cá ra, ông đãi khách bánh xèo. Cá linh sau mấy tháng ở trên đồng lớn mập, cứng xương nên khi làm bánh xèo phải lấy phi lê. Riêng cá linh non đầu mùa nước nổi đổ bánh xèo ăn mới ngon, vì xương mềm. Bánh xèo cá linh gói rau sống vườn nhà cắn miếng nào tê mê đầu răng miếng đó. Cá rô kho trái bứa lạ lẫm khách phương xa. Trái bứa mọc hoang, đặc sản vùng biên nầy, chua thanh, thoảng mùi đất hoang dã. Gỏi bông súng tép đồng cũng hấp dẫn. Cá lóc nướng lửa than ăn kèm rau đồng. Lẩu cá chua. Bữa ăn ngon nhưng khách Việt… buồn vì chẳng có bia, đừng nói rượu nhấm nháp vì đạo Hồi cấm tuyệt đối. Ông nói, với 5 món, ông lấy 500.000 đồng/10 khách.
Mach-ly cho biết nếu được báo trước 1 ngày, ông sẽ bày một bữa cơm thuần Chăm. Cà púa là món thể hiện văn hóa ẩm thực Chăm. Để chế biến món này, người ta cắt tiết con vật đúng quy định đạo Islam (Hồi) rồi mới xả thịt. Phần nạc cắt từng cục (thịt bò) vuông, rửa sạch, ướp gừng sả, xào săn. Trộn với hỗn hợp gia vị khô đặc biệt, để thịt thấm, cho vào chảo xào với hành, tiêu hột. Khi thịt săn bóng, khô nước thì đổ nước cốt (làm sẵn) ngập mặt. Sau đó cho dầu ăn vào chảo cùng bột màu, lá cà ri, xào thơm, gạn bỏ bột và lá, cho thịt vào. Bấy giờ đã có món cà púa màu cánh gián, thơm lừng. Dọn ra bàn bốn người ăn, một dĩa cà púa có 4 miếng thịt, ăn cùng gỏi chua và rau dưa, có khi thêm tô nước súp. Dulichgo
Cà ri – cơm nị là món chính, là cái hồn của bữa tiệc trong gia đình, họ tộc. Phải là người chuyên nghiệp mới dám nấu cơm nị. Cơm nấu bằng gạo lúa sóc (đặc sản Thất Sơn, An Giang), vo sạch, để ráo. Dừa khô nạo nhuyễn, vắt nước, thắng bồng con. Cho chút dầu ăn vào nồi, đun nóng, cho củ hành tím bằm vào, đảo đều đến khi có màu vàng ánh thì cho bơ vào, khử bột cà ri rồi cho gạo vào, xào đều tay. Sau đó cho nước dừa thắng bồng con vào cùng một ít muối, bột ngọt, trộn đều đến khi gạo gần cạn nước thì đậy nắp nồi, để lửa riu riu đến khi cơm chín, có màu vàng nghệ đẹp mắt. Cơm nị ăn với các món quay, nướng, xào… nhưng hợp nhất là ăn với cà ri – như cách người Việt thường nấu, nhưng bột mua từ Malaysia. Những hạt cơm khô mềm dẻo tơi quyện cùng những miếng da và thịt dê đẫm hương vị cà ri giòn dai nhưng không mềm. Món ngon còn nhờ những miếng dưa cải xắt nhỏ, vị mặn chua của muối ớt chanh tươi.
Theo Cát Lộc (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét