Bên cạnh những du khách có mặt trên bãi biển lúc sáng sớm là những nhóm người làm nghề đánh cá gần bờ. Có khoảng hai chục người tham gia công việc này với tấm lưới dài chừng 200-300 m, thời gian trên dưới tiếng rưỡi đồng hồ - Đây chính là nghề đánh lưới rùng.
Kéo rùng, một hình thức kéo lưới cá với sự tham gia của nhiều ngư dân. Lưới rùng là loại ngư cụ khai thác thủy sản theo phương pháp lọc nước lấy cá, ngư trường khai thác chính của lưới rùng chủ yếu ở vùng ven bờ biển, đầm…
Lưới có cấu tạo dạng tường lưới, chiều cao tường lưới phải lớn hơn độ sâu nước, sao cho viền chì luôn sát đáy và viền phao luôn nổi trên mặt nước. Lưới được thả từ bờ để bao vây một vùng nước rồi kéo lưới lên bờ hoặc lên thuyền để thu cá.
< Kéo lưới rùng trên bãi biển.
Lưới rùng có cấu tạo tương đối đơn giản, gồm ba bộ phận chính: Cánh lưới, thân lưới và túi lưới cùng các bộ phận phụ như hệ thống dây kéo, que ngáng, cọc ngắn, lưới chắn…
Ngoài ra còn có hệ thống dây viền để định hình nền lưới và phục vụ cho quá trình khai thác. Que ngáng để định hình đầu cánh lưới. Phao, chì để tạo lực nổi, lực chìm. Lưới có thể thả theo cách đối xứng hoặc không đối xứng, có túi hoặc không túi lưới (thả lưới từ 1 bên hoặc từ chính giữa ra 2 bên). Dulichgo
< Chuẩn bị thả lưới bằng ghe theo cách không đối xứng.
Thả lưới là khâu quan trọng trong quá trình khai thác, mang tính chất quyết định đến kết quả của mỗi mẻ lưới. Quá trình thả lưới phải đảm bảo các yêu cầu là thả lưới nhanh để bao vây đàn cá. Khởi đầu là chiếc thúng thả lưới từ trong bờ vòng ra ngoài xa, vùng tiềm năng có cá. Khi lưới đã bao bọc một vùng biển rộng thì đầu kia của lưới được kéo vào bờ. Hai tốp ngư dân lúc này ở cách nhau chừng 200m, mỗi bên nắm sợi dây to, nghiêng người trụ chân giữ chặt 2 đầu trên bờ. Họ kéo dần dần, phần dây thu lên thì người đứng cuối cùng đi xuống mé nước kéo dây và cứ thế luân phiên cho đến khi phần túi lưới (là nơi gom cá) nhô lên mặt nước.
< Thu lưới.
Ngoài xa là chiếc thuyền thúng do một thanh niên điều khiển bơi dần vào bờ. Chiếc thuyền này giữ phần giữa của tay lưới rùng và cứ thế khoảng cách của chiếc thuyền thúng với bờ và 2 tốp ngư phủ trong bờ càng gần cho đến khi mẻ lưới được cất lên hoàn toàn.
Lưới rùng cũng có thể thực hiện gọn nhẹ, chỉ cần 2 người, dàn lưới dài chừng 50-60 m, chỉ cần một người mang lưới ra cách bờ 30m vây cá, cách này không cần dùng thuyền thả lưới.
< Trúng đậm một mẻ lưới rùng lớn.
Trên bờ, hàng chục người đứng xem, họ háo hức trông đợi từ mẻ lưới đang được nhiều người ì ạch kéo lên. Từng đợt sóng xô chiếc thuyền thúng được giữ thăng bằng từ từ tiến vào bờ. Khi 2 nhóm người ở 2 đầu lưới chùm nhum lại một chỗ là lúc túi lưới được kéo lên.
Khoảng vài chục ký cá đang nhảy xoi xói trong lưới (các mẻ lưới lớn có thể đến hàng trăm ký), nhiều nhất là cá cơm. Ngoài ra có khoảng vài ký cá xương xanh (giống cá lìm kìm trong sông nhưng lớn hơn nhiều) phổ biến ở vùng ven biển, mỗi con khoảng 200g.
< Chỉ 2 ngư dân cũng có thể thả lưới rùng. Ảnh chụp ở Mũi Né, những người còn lại là du khách đang đứng xem.
Việc mua bán lập tức diễn ra tại bờ biển, người bán dùng tay hốt mớ cá bỏ vào túi ni-lông đưa cho người mua, bán tính mớ, không cân lượng gì cả. Loáng đã hết sạch sẽ cá vừa khai thác. Dulichgo
Đánh lưới rùng không dựa vào con nước mà đánh suốt tháng quanh năm, đợi lúc nước ròng là thả lưới chừng 90 - 120 phút là có thể thu lưới. Muốn thực hiện mẻ lưới lớn thì phải có 20 người tham gia dù các mẻ lưới nhỏ có thể chỉ cần 2 người. Mỗi ngày một người có thể kiếm được vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Kéo lên là bán liền, khỏi tốn chi phí chuyên chở.
< Các hoa hậu nước ngoài cũng từng kéo lưới rùng tại VN.
Nghề lưới rùng có ở khắp miền Trung Nam bộ từ vùng ven biển Bình Thuận, nhất là những bãi biển Phan Rí, Gành Son, Cổ Thạch, Liên Hương, Lagi, Phước Hải… và kéo dài đến tận Vũng Tàu.
Kéo rùng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày, nhưng kéo rùng trong buổi sáng, khi ánh bình minh vừa ló dạng là một trong những hình đẹp và đầy cảm xúc với du khách, nhất là khi họ cũng có thể tham gia.
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét