(BKT) - Theo Tỉnh lộ 676 từ huyện Đăk Tô đi vào huyện Tu Mơ Rông, ngay ở điểm đầu là dãy núi Mang Rơi án ngữ, đứng trên đỉnh đèo thấy mây lãng đãng bay ngay dưới chân, phóng tầm mắt nhìn sang phía tây sẽ bao quát được gần như toàn bộ vùng đất Đăk Tơ Kan và Đăk Rơ Ông.
Với những làng người Xê Đăng định cư và cánh đồng nối nhau san sát cho đến tận chân dốc Văn Loan. Nhìn về hướng bắc, từ Mang Rơi vào tới dãy Ngọc Linh hùng vĩ sẽ thấy cảnh tượng chẳng khác gì những bức tranh thủy mặc, bởi mây và núi ấp ôm nhau kéo dài cả hàng chục cây số. Thấp thoáng trong mây phủ trên thung lũng Tu Mơ Rông là những ngọn núi thấp và những bản làng người Xê Đăng như những sợi chỉ mờ mờ đeo ở lưng chừng núi, quang cảnh rất ngoạn mục.
Đây là nơi sinh tụ lâu đời của đồng bào dân tộc Xê Đăng gốc nhóm Xơ Teng, nằm trên địa bàn các xã có địa danh: Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng và Măng Ri. Đây là một vùng tiểu khí hậu khá khác biệt, mặc dù không bằng vùng Măng Đen (Kon Plông) song nhiệt độ thấp hơn các vùng khác tới 3-4 độ, chỉ cần qua đèo Măng Rơi là đã thấy thời tiết khác hẳn. Có lẽ vì vậy nên vùng này được ưu đãi sở hữu khá nhiều loại thảo mộc quí mà vùng khác không có, như các loại dược liệu: Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, Ngũ vị tử, Sơn tra, Sa nhân, Quế....
Cây cỏ ở đây cũng có một màu xanh thẫm rất riêng, có 2 loại rau rừng rất phổ biến, chỗ nào cũng mọc, ngay cả hai bên đường lộ và xanh tốt quanh năm, đó là cây rau má và cây rau ngò gai (người miền Bắc gọi là mùi tàu), vào ăn cơm đột xuất với anh chị em giáo viên thì chỉ cần vài phút đã có ngay một rổ rau má luộc nóng hổi vừa hái vội bên đường.
Ở thung lũng Tu Mơ Rông này có nhiều cái lạ, cũng là bản sắc văn hóa chung của người Xê Đăng gốc, nhưng dường như có phần đậm đà hơn, phải chăng bởi vì văn hóa cư trú nằm gọn giữa 2 dãy núi - phía Nam là Mang Rơi và phía Bắc là Ngọc Linh. Cũng là lễ thức dân gian truyền thống "Sửa máng nước giọt", hay "cúng máng nước" gọi làLễ OnĐtrô KnengTea, thường được tổ chức vào tháng Ba cuối mùa khô hàng năm, bà con người Xê Đăng ở xã Đăk Hà và xã Tu Mơ Rông thường phải đi tìm bằng được con Dúi ( một loại chuột đất gọi là Cúi chóc) cắt lấy tiết để cúng Thần nước. Dulichgo
Theo phong tục, con Dúi là vật hiến tế không thể thiếu được trong nghi lễ làm máng nước, nếu không có con Dúi thì việc tiến hành lễ làm máng nước không thể thực hiện. Vì thế, người đi bắt con dúi phải có trách nhiệm đối với dân làng, ngoài ra là người có kinh nghiệm nhất trong việc săn bắn. Già làng là người thông đường máng nước, khi dòng nước đầu tiên được khai thông cho chảy vào máng, già làng cắt tiết con dúi hòa vào dòng nước với ý nghĩa : Từ đây, dân làng có nguồn nước sạch sẽ và trong mát, Thần nước phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, làm ăn đủ đầy. Theo quan niệm của người Xê Đăng cho rằng : máu con dúi (Mơhea cúi chóc) là máu Thần nước, nó mang sức mạnh và những điều may mắn đến cho dân làng. Trong khi đó, ở những vùng khác, người Xê Đăng chỉ cần hiến sinh bằng gà, heo hoặc dê là được ! con Dúi của vùng Tu Mơ Rông bây giờ đã trở thành đặc sản khoái khẩu trong những quán thịt rừng ở thành phố Kon Tum.
Cũng là rượu cần, nhưng ở Ngọc Yêu, Ngọc Lây bà con người Xê Đăng ở đây lại có một loại rượu cần "trên cả tuyệt vời", đó là rượu cần làm bằng hạt Kê (người miền Bắc thường hay dùng để nấu chè cúng trong dịp Tết Âm lịch, gọi là chè Kê) chứ không phải bằng củ mì như nơi khác. Rượu Kê làm trong những ghè nhỏ, khi hút ra có màu vàng sánh như mật ong, uống rất êm, mùi thơm hết sức đặc biệt, thực đậm đà khó quên, chỉ cần uống nửa Kang người đã lâng lâng đầy hưng phấn. Già làng ở làng Kô Xia, Ngọc Lây nói rượu cần hạt Kê uống rất bổ, khỏe người, "lên cái rẫy cao mà cứ đi băng băng" !
Trong giai đoạn năm 1998 - 2000, khi phối hợp làm công tác sưu tầm về văn hóa dân gian các dân tộc bản địa ở Đăk Tô, phần về truyện cổ dân gian Xê Đăng, ông A Viêm (đã mất) nguyên là Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cũ (gồm cả huyện Tu Mơ Rông hiện nay) là người Xê Đăng gốc, khi biên dịch thành tiếng phổ thông những câu chuyện cổ của người Xê Đăng từ lời kể của các già làng ở Tu Mơ Rông, rất thích câu chuyện “Hổ không ăn thịt người Xê Đăng”.
Đây là một truyện cổ ở vùng Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu nói về một giai thoại : Hổ mắc mưu loài Ốc khi thi chạy với Ốc ở ven suối, Hổ chạy bở hơi tai nhưng đến đâu cũng có Ốc bò phía trước (do Ốc ranh mãnh và khôn ngoan đã hẹn nhau chơi Hổ một vố nên đã hẹn nhau bò lên bờ suối, chia nhau mỗi con ở một đoạn bờ suối), Hổ bị thua tức quá vồ lấy Ốc nhai ngấu nghiến, chẳng may vỏ Ốc vỡ đâm vào kẽ răng làm Hổ rất đau và khó chịu, Hổ không sao lấy ra được, vùng chạy khắp cánh rừng và chạy vào một bản làng người Xê Đăng gặp một tốp phụ nữ đang giã gạo, Hổ gầm lên và ngoác miệng hết cỡ để nhờ người lấy hộ vỏ Ốc, những phụ nữ Xê Đăng đang giã gạo sợ hết hồn tưởng Hổ sẽ vồ để ăn thịt, một phụ nữ Xê Đăng nhanh trí lấy ngay chiếc chày giã gạo phang mạnh vào miệng Hổ để đánh đuổi, chẳng ngờ do cú đánh ấy, vỏ Ốc ở kẽ răng Hổ văng ra làm Hổ hết nhức và dễ chịu, Hổ liền cúi đầu trước những người phụ nữ Xê Đăng hàm ý cảm ơn rồi quay đầu chạy vào rừng. Từ đấy, loài Hổ không bao giờ ăn thịt người Xê Đăng. Theo ông A Viêm, đây là một câu chuyện cổ rất hay và đầy ý nghĩa nhân văn về mối quan hệ giữa người Xê Đăng với các loài vật trong rừng, mà rừng đối với người Xê Đăng là không gian sinh tồn của họ.
Ngày lễ, tết theo tập quán trên các bản làng Xê Đăng ở đâu cũng có cơm ống, nhưng ở vùng này có một loại cơm ống khá đặc biệt, ăn là nhớ mãi hương vị của nó, cơm ống của người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông có một loại không phải là loại gạo như các nơi khác mà là gạo đỏ, một loại lúa rẫy thân dài, hạt to rất dẻo và có vị béo ngậy. Loại cơm ống này ăn với cá suối nướng, thịt chuột khô, thân chuối rừng nấu ống và lá mì non nấu chín trộn với muối é...quả thực ăn không biết no.
Nói về âm nhạc dân gian truyền thống bằng tre nứa của người Xê Đăng thì vùng Đăk Sao được coi là cái nôi của đàn KlôngPut nổi tiếng. Còn ở vùng này lại có một loại nhạc cụ dân gian cũng rất đặc trưng, là nhạc cụ nhưng không phải sử dụng bằng bàn tay con người, mà bằng nước tự nhiên, đó là đàn Tơ rưng nước. Loại đàn này không để được trong nhà mà để ở ngoài ruộng, ngoài rẫy, một dàn hợp xướng tự nhiên giữa thiên nhiên hùng vĩ. Loại nhạc cụ này cũng có một nguồn gốc ra đời khá đặc sắc: Ngày xưa, xưa lắm, người Xê Đăng hay bị thiếu đói, vì cứ đến mùa trồng tỉa thì chim chóc, thú vật hay đến phá hoại mùa màng.
Cho đến một ngày, một chàng trai vô tình nghe thấy tiếng va đập từ hai ống nứa giữa con suối nhỏ tạo ra âm thanh đều đều bên rẫy lúa. Và lạ thay, chim chóc, thú vật không đến phá phách nữa. Chàng trai liền nói cho cả làng biết. Sau đó, hễ cứ đến mùa trồng tỉa thì nhà nào cũng làm hai cây nứa, dùng sức nước cho va vào nhau, tạo ra âm thanh bên rẫy nhà mình để đuổi chim thú. Dần về sau, vì âm thanh phát ra đơn giản, nghe quen tai, không qua mắt được các chú khỉ ma mãnh. Chúng lại tiếp tục kéo đến để phá hoại mùa màng, người Xê Đăng đã nghĩ ra cách dùng nhiều ống nứa to, nhỏ, ngắn, dài khác nhau để kết thành bè, thành tầng và cũng dùng lực nước để các ống nứa tự va vào nhau tạo ra nhiều âm thanh trầm bổng khác nhau. Lần này thì các chú khỉ dù ma mãnh đến đâu cũng không dám đến gần vì nó nghĩ rằng chắc là phải có con người ở đó điều khiển, do vậy chim, thú không dám lai vãng đến, mùa màng lại tốt tươi.
Từ đó trở đi, ở các rẫy xa, ruộng gần nơi nào cũng dựng lên một dàn ống nứa giống như dàn ống nứa chàng trai kia đã làm để đuổi chim muông, thú vật phá hoại mùa màng. Về sau, người ta cải tiến dần và trở thành đàn Tơ rưng nước như hiện nay. Một sự sáng tạo tuyệt vời của những con người Xê Đăng có tâm hồn khoáng đạt, tư duy phong phú và vốn văn nghệ dân gian đậm đà, sâu sắc. Trước đây, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô đã tìm hướng bảo tồn loại nhạc cụ tự nhiên này bằng cách: hàng năm mời các nghệ nhân trong các bản làng Xê Đăng ra làm loại đàn này đặt ở một thác nước ở xã Kon Đào gần khu suối nước nóng, vừa để phục vụ khách tham quan, vừa để bảo tồn. Tuy nhiên, cũng không thể bảo tồn có hiệu quả bằng cách tự nhiên như của người Xê Đăng ở ruộng rẫy của họ.
Trong văn hóa cồng chiêng, vùng này có một bộ chiêng nổi tiếng nhất của người Xê Đăng, một bộ chiêng quí không khác gì chiêng Tha của người B’râu hay chiêng Kh'Leng, Xum của người Giẻ - Triêng, đó là bộ chiêng X’Teng (còn có tên : Pơm poa hay Pùm poàng...), chỉ có 7 lá và cũng chỉ đánh duy nhất một bài chiêng lễ để cúng Thần, cúng Giàng mở đầu trong các lễ thức dân gian của người Xê Đăng. Âm thanh và giai điệu của bộ chiêng này rất hùng tráng, đĩnh đạc và khoan thai, khi tấu lên dường như làm lay động cả đất trời, chúng tôi gọi bộ chiêng này là chiêng “quí tộc”, chiêng nghi lễ bởi vì chỉ khi hành lễ mới được đánh nó và hầu như cũng chỉ có người già mới được sử dụng. Bộ chiêng này đã thay mặt cho các loại chiêng của người Xê Đăng được các chuyên gia âm nhạc của Viện Văn hóa ký âm đưa vào bộ hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa thế giới năm 2005. Cũng trong năm 2005, bộ chiêng này cùng các nghệ nhân Xê Đăng đã ra trình diễn báo cáo cho Ủy ban UNESCO tại Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay ở khu vực Tu Mơ Rông chỉ còn khoảng 3-4 bộ hoàn chỉnh, huyện Đăk Tô cũng chỉ còn 2-3 bộ mà thôi.
Người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông có nhiều lễ thức trong năm. Tháng Ba hàng năm, họ tổ chức sửa sang máng nước và làm lễ cúng máng nước (Lễ thức OnĐtrô KnengTea), cầu mong cho cả làng bước vào một năm mới thịnh vượng hơn. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng. Cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng. Trong tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy, người Xê Đăng còn có các lễ thức gắn với sản xuất như Lễthức Ka Tre Ton (ăn lúa giống thừa) ăn lúa trỉa còn thừa cho hết rồi mới đi làm cỏ lúa. Lễ thức Ka La Ba (ăn lá lúa) cúng sâu bọ để sâu bọ không làm chết cây lúa.
Đến tháng Mười hàng năm, mùa màng thu hoạch xong, người Xê Đăng tổ chức lễ ăn cơm mới (Lễ Ka pa Neo và On Đrô Tơ Triêng- ăn lúa mới, mừng lúa mới), đây là những lễ thức có qui mô lớn trong toàn cộng đồng người Xê Đăng. Sau đó họ chuẩn bị cho những tháng nghỉ ngơi (ning nơng) trong tháng mười một, tháng mười hai sau một năm lao động vất vả. Trong những tháng nghỉ ngơi, người Xê Đăng nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng. Mọi người vui say cho bõ những ngày lao động mệt nhọc. Họ ca hát, hò reo, đánh cồng đánh chiêng cầu mong mùa màng sang năm được tốt tươi, lương thực sẽ thừa thãi như trong lễ thức dân gian này.
Người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông có tục ăn trâu (Ca pô). Cả làng đâm trâu hiến sinh nhân dịp chiến thắng kẻ thù, mừng nhà rông mới hay sau nhiều lần thất thiệt: mất mùa, bại trận, dịch bệnh .v.v… cầu xin sự yên lành, may mắn, từng gia đình cũng tổ chức ăn trâu để phô trương sự giàu có, mong được mọi người trọng vọng, để thần linh phù hộ sức khỏe và phong đăng. Con cháu tổ chức đâm trâu để bố mẹ được về với tổ tiên, để trâu xuống ở với người chết (một hình thức chia của).
Tục ăn trâu thường được tổ chức vào các tháng nghỉ ngơi, những ngày đầu xuân, trước đây khá tốn kém sức người và sức của. Đối với người Xê Đăng, trâu là con vật để hiến tế, con vật “thiêng”, đồng thời là biểu tượng của sự giàu có. Ngày nay, tục lệ ăn trâu cũng đã đỡ đi nhiều, không còn đâm nhiều trâu như trước kia.
Kết thúc một năm, người Xê Đăng có Lễ On Rô Pơ Rông - uống rượu mừng năm mới, được diễn ra vào tháng Một Dương lịch. Lễ thức này có những nét gần giống như phong tục ăn Tết Nguyên đán của người Kinh.
Theo Trần Vĩnh (Báo Kontum)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét