Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Cột mốc sống miền biên viễn Pêtapoóc

(TNO) - Giữa rừng già, nơi cực tây tỉnh Quảng Nam có những con người lặng lẽ bám đất, bám làng, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Họ là những cư dân làng Pêtapoóc.

Địa danh có cái tên khó đọc, khó viết này được “tạm tính” trực thuộc thôn 48, xã Đăk Pring, H.Nam Giang. Sự khó khăn, biệt lập với thế giới bên ngoài cùng những thông tin về một ngôi làng “bị bỏ quên” giữa bạt ngàn Trường Sơn đã thôi thúc tôi cắt rừng giữa mùa mưa. Khi đặt chân đến giữa “ngã ba” đường biên Quảng Nam - Kon Tum và nước bạn Lào, gặp một con người, nghe một giọng nói có cảm giác vừa gần gũi lại rất lạ lẫm. Càng thiêng liêng hơn khi cảm nhận được quyết tâm giữ “khúc ruột” quê hương của 9 hộ dân thuộc 4 dân tộc: Giẻ Triêng, Mông, Ve và H'Re. Nói như một cán bộ biên phòng, thì chính họ là những cột mốc sống vững chãi bên mốc đá hoa cương 734, 735 được cắm trên biên giới Việt - Lào.

Gánh xe máy vượt sông

Mất 5 giờ đồng hồ chạy xe máy từ tỉnh lỵ Quảng Nam đến Đồn biên phòng 661 (xã Đăk Pring). Từ đây phải thêm 3 giờ đồng hồ vượt gần 20 km đường rừng nữa mới đến được Pêtapoóc. Thế nên khi nghe tôi có ý định đi ngay trong buổi chiều, các chiến sĩ Đồn 661 liền can ngăn. Bởi “một mình một ngựa” thì không thể vào ngôi làng này vì sông Rinh nằm giữa đường quá rộng và sâu. Thiếu tá Bùi Duy Hòa, Chính trị viên Đồn biên phòng 661, cho biết: “Pêtapoóc cách cột mốc 734 khoảng 1 giờ đi bộ, cách tỉnh Sê Kông (Lào) khoảng 7 km nên nhiều khi trên đường tuần tra, qua nước bạn Lào còn gần hơn trở lại đồn. Ngôi làng là điểm duy nhất có người ở trên dải biên giới có chiều dài gần 100 km này”.

< Trắc trở đường vào Pêtapoóc.

Hiểm trở và tách biệt là thế nên phải chờ đến sáng, tôi cùng 2 cán bộ vận động quần chúng “thiện chiến” mới khởi hành vào ngôi làng này.

Sáng tinh sương, dọc đường đi, thiếu úy Bling Hoài (32 tuổi) cứ dặn tôi phải bình tĩnh khi vượt sông Rinh, còn lại cứ yên tâm vì phần khó nhất là gánh xe máy đã được anh và Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, thượng úy Hiên Vững (35 tuổi), đảm trách. Qua được con sông này, đi một đoạn khoảng 8 km, Pêtapoóc lộ ra trong một thung lũng hẹp với 9 nóc nhà bằng gỗ. Ngôi làng đẹp như một cô gái trinh nguyên ngủ quên giữa rừng, với con sông uốn quanh. Con người ở đây dường như không màng đến những bon chen thường nhật. Hằng ngày, đàn ông trong làng vào rừng bẫy được con thú, bắt được con cá dưới suối thì có bữa ngon. Dulichgo

< Một góc làng Pêtapoóc với những căn nhà lợp bằng ống tre lồ ô.

Lương thực là gạo trồng một vụ, rau, ngô trồng trên rẫy. Khi tôi vào, một cậu bé tóc cháy nắng, tay bốc cơm, miệng trệu trạo nhai mấy con dơi mà cha cậu vừa bắt được tối qua. Ngôi làng hoang dã, người làng hồn nhiên, già trẻ sống quần tụ bên nhau nên khi nào cũng tràn đầy tiếng cười. Họ cứ như một dòng tộc, một bộ lạc nào đó còn sót lại đến bây giờ.

Bám đất biên cương

Pêtapoóc đã có cách đây hàng chục năm, nhưng khoảng thời gian 1978 - 1979, những cư dân nơi đây lục tục kéo qua H.Ngọc Hồi (Kon Tum) để định cư. Ở mảnh đất mới làm ăn không thuận lợi, lại xảy ra dịch bệnh thường xuyên nên đến năm 1999 nhiều người phải bỏ đi nơi khác.

Số ít vì quá nhớ đất cũ đã quay lại Pêtapoóc cắm dùi mưu sinh. Bà Y Kiêng (47 tuổi, một người dân tộc Giẻ Triêng) nói: “Về ở Kon Tum được 7 - 8 năm thì cả nhà mẹ phải quay lại vì nhớ cái đất cha ông quá. 2 năm sau, chồng mẹ bị tai nạn chết, mẹ ở lại trong làng nuôi 4 đứa con. Có lúc cái chân ưa qua Kon Tum mà cái đầu cứ nhớ đất cũ nên không đi được. Giờ thì ở lại bám làng thôi, làm được cái gì ăn cái đó”.

Chồng bà Y Kiêng là trưởng thôn khi Pêtapoóc vẫn còn được công nhận là một đơn vị hành chính của xã Đăk Pring. Sau ngày chồng mất, Y Kiêng tiếp quản công việc của chồng để hướng dẫn lũ làng làm ăn, giúp các thủ tục hành chính để con em họ được đi học…

Nhưng từ tháng 7.2012, Pêtapoóc bỗng dưng bị mất “danh hiệu” thôn. Mọi chức danh cụm dân cư đều bị “cắt”. Thiếu úy Bling Hoài chia sẻ, nhiều lần vào làng thăm bà con, chứng kiến cảnh sống thiếu thốn từng hạt muối, từng tí dầu ăn, anh không khỏi chạnh lòng. “Cứ mỗi lần vào làng, tôi lại ở với người dân vài ngày để giúp được gì cho họ thì giúp, có khi thì cắt tóc cho trẻ em, khi thì sửa lại căn nhà. Người làng Pêtapoóc như là người thân của tôi”, Hoài nói.

Cách đây 2 năm, ở Pêtapoóc người ta vẫn cư trú trong những căn nhà có mái bằng ống nứa, lợp như ngói âm dương, lương thực thường xuyên là lá sắn hoặc thú rừng và tất cả đều không: không liên lạc, không điện, không đường, trạm, trường...

Cách sinh tồn như thế mới quá vãng từ tháng 3.2013, khi Đồn biên phòng 661 dồn sức, bám bản dựng 7 căn nhà gỗ cho dân. Dù còn biệt lập nhưng bây giờ Pêtapoóc đã khoác lên “bộ cánh” mới đẹp đẽ hơn. Một điểm thú vị là ở cả 2 xã Đăk Pring và Đăk Pre thì duy chỉ Pêtapoóc là trồng được lúa nước. Và tất nhiên, kỹ thuật canh tác là do những cán bộ biên phòng “mang” vào phổ biến cho họ.

“Nhưng đó chỉ là giai đoạn một, giai đoạn tiếp theo phải làm sao ổn định kinh tế đời sống giúp bà con, để họ yên tâm định cư”, thiếu tá Hòa nói. Để làm được những việc như xây trường, trạm y tế, xóa mù chữ… trước hết, Pêtapoóc phải là một đơn vị “danh chính ngôn thuận” trên bản đồ của xã Đăk Pring. Cũng có ý kiến nên đưa 37 người Pêtapoóc sáp nhập vào thôn 48 như những “anh em” Đăk Prao từng vào thôn 49 hay Coong Giang vào thôn 50 từ hàng chục năm trước. Nhưng, cũng như ý nguyện của dân làng Pêtapoóc, chính quyền địa phương kiên quyết không để vùng biên trắng dân nên Pêtapoóc vẫn ngày đêm trấn nơi biên ải.

< Ngâm mình trong nước suối lắp đặt tuabin điện.

Tình yêu nảy nở

Trên miền biên viễn này không chỉ có tình cảm quân dân ấm áp mà còn có những câu chuyện tình yêu kỳ diệu. Đó là cổ tích nên vợ nên chồng giữa chàng trai người Mông với cô gái người Giẻ Triêng. Anh Mông Phúc (21 tuổi, quê Kỳ Sơn, Nghệ An) trong một lần vào đào vàng gần làng đã tình cờ gặp Y Dược (21 tuổi). Một mùa rẫy tìm hiểu, họ đem lòng yêu thương nhau rồi thề nguyện kết tóc. Đoàn làm vàng toàn anh em trong gia đình rút về quê nhưng Mông Phúc quyết ở lại để làm chồng Y Dược. Anh đem tất cả số tiền dành dụm để hỏi Dược về làm vợ, làm cái nhà cắm lại Pêtapoóc, dù biết ngày khổ sẽ còn rất dài. Phúc kể: “Thấy anh em dẫn nhau về, mình rớm nước mắt vì không biết bao giờ mới gặp lại. Nhưng lỡ yêu con gái, yêu cái đất này rồi...”.

< Tết Giáp Ngọ 2014 này 9 hộ dân Pêtapóoc đã có điện và ti vi.

Kết quả của mối tình bất ngờ giữa núi rừng ấy là một cậu con trai kháu khỉnh ra đời. Một “cột mốc” nữa lại được cắm xuống vùng biên giới Việt - Lào. Phúc tiếp lời: “Nó được 5 tháng tuổi rồi, tên là Mông Văn Phiếm. Lớn lên nó sẽ giống mình, cũng đi theo các anh đồn (bộ đội biên phòng - PV) lên tuần tra cột mốc, bảo vệ biên giới, bảo vệ vợ con nó như mình bây giờ”.

Trước khi ra về, mẹ Y Kiêng nhắn gửi: “Pêtapoóc hãy còn khó lắm. Nhưng khi nào nước sông Rinh còn chảy thì mẹ và người làng còn ở lại giữ mảnh đất cha ông. Con cháu sinh ra ở đây rồi cũng nối bước cùng các anh đồn tuần tra cột mốc”.

Chiều, thiếu úy Bling Hoài giục tôi trở về vì sợ mưa rừng, sông Rinh lại chia cắt. Sương đã giăng trắng nhưng những phụ nữ Pêtapoóc vẫn chăm chỉ hái gặt. Trên ruộng lúa miền biên viễn, lá cờ Tổ quốc tung bay giữa đất trời, thấy lòng thêm vững tin...

Theo Hoàng Sơn (Báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét