(Tiếp theo) - Sông Cái chảy qua địa bàn huyện Đồng Xuân được tiếp nước bởi sông Trà Bương và sông Cô. Sau đó dồn sức chảy về hạ nguồn Ngân Sơn thuộc thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rồi chia nhánh lặng lẽ đổ ra biển. Phía hạ nguồn có một nhánh sông đổ ra đầm Ô Loan.
Kỳ 3: Về hạ nguồn Ngân Sơn
Sông Cái chảy đến bến Chợ Lùng (xã Xuân Quang 3) thì được tiếp nước từ sông Trà Bương (người dân quanh vùng gọi là sông Con). Sông Trà Bương bắt nguồn từ suối Mây thuộc xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), dài hơn 5 cây số, mùa mưa được tiếp nước từ suối Mây, suối Tía, suối Trầu, suối Bà Sào và suối Ré.
Được tiếp nước khi chảy đến thị trấn La Hai dòng sông Cái rộng hơn và cũng hiền hòa hơn vì từ đây sông không còn thác ghềnh nữa. Qua thị trấn La Hai bắt gặp hai cây cầu song song, đó là cầu đường bộ La Hai nằm trên trục giao thông phía Tây Phú Yên vừa đầu tư xây dựng và cầu sắt La Hai nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam xây dựng từ thời chống Pháp. Hai cây cầu được xem là biểu tượng “sang” nhất thị trấn La Hai và cũng là hình ảnh gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.
< Cầu sắt La Hai.
Phía dưới cầu sắt La Hai khoảng 50m, sông Cái được tiếp thêm sức mạnh từ dòng nước của sông Cô, bắt nguồn từ Vân Canh (Bình Định). Lạ thay con sông này khi chảy qua địa bàn huyện Đồng Xuân cũng có 3 tên gọi, khi chảy qua địa bàn xã Xuân Lãnh người dân quanh vùng gọi là sông Trà Ô, xuôi đến xã Xuân Long gọi là sông Cô, còn khi “lọt” ra đến Khẩu (nơi giao nhau với sông Cái) thì người dân ở đây gọi là sông Con. Như vậy từ xã Xuân Quang 3 đến thị trấn La Hai có hai con sông Con (theo cách gọi của người dân quanh vùng) đều đổ nước nhập về sông Cái.
Đến đây, chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Triều Sơn (70 tuổi), ở thị trấn La Hai để tìm hiểu vì sao có tên gọi sông Cái và sông Kỳ Lộ. Cụ Sơn cho hay, ở huyện Đồng Xuân, lớp người cỡ gần 40 tuổi trở lên nói đến sông Cái ai cũng biết. Còn sông Kỳ Lộ là trên giấy tờ, lớp trẻ bây giờ mới thạo. Người dân trong vùng đi xa cũng đều “xưng” là dân sống ven sông Cái”.
Cuối tháng 11/2009, mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về chạy dọc theo chiều dài dòng sông gây ra một trận lũ lịch sử, hàng ngàn ngôi nhà chìm trong nước lũ. Trận lũ làm chết 18 người dân ở Xóm Trường (xã Xuân Quang 2), sang bằng 44 ngôi nhà. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: “Sau lũ, đời sống nhân dân gặp khó khăn. Tết năm đó người dân xóm Trường từ cái nhỏ nhất như cân nếp, gói trà, bột ngọt đến cái lớn hơn như ti vi, bàn ghế đều do các tổ chức, cá nhân khắp cả nước gửi tặng”.
< Thị trấn La Hai.
Lũ lịch sử đổ về, nước dâng cao đến nỗi có những ngôi nhà ở trên cao bao nhiêu năm qua chưa ngập lụt, năm đó nằm trong “diện” chạy lụt. Lũ rút, hai bên dòng sông, hàng ngàn héc ta soi ruộng bị bồi lấp, xói mòn. Hàng ngàn bụi tre người dân trồng ven sông ngăn sạt lở bị “bứng” gốc. Có nơi dòng sông biến đổi dòng chảy.
Mùa nước 'ói' đầm Ô Loan
Đến xã An Dân (huyện Tuy An) dòng sông rẽ một nhánh gọi là sông Vét chảy ra Bình Bá rồi đổ ra vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Dòng sông tiếp tục chảy qua cầu Ngân Sơn bắc qua sông trên quốc lộ 1. Khi qua khỏi cầu Ngân Sơn, đến cầu Lò Gốm phía trên đập Tam Giang dòng sông rẽ sang một nhánh đổ nước vào đầm Ô Loan, còn dòng chính đổ ra cửa biển Tiên Châu (xã An Ninh Đông, Tuy An).
Hằng năm đến mùa mưa lũ, nước từ trên cánh đồng đổ xuống dòng sông theo dòng chảy từ cầu Lò Gốm tràn về đầm Ô Loan làm cho nước trong đầm đục ngầu, người dân quanh vùng gọi đây là mùa nước “ói”. Ô Loan là đầm nước lợ, khi mưa to nước lũ đổ về nhiều, lịch huyết, cua sống trong đầm nước lợ bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên. Lúc này người dân sống ven đầm bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) đi đóng chấn, chong đèn dầu bắt.
< Đầm Ô Loan mùa nước ói.
Ông Võ Hải, ngư dân sống ven đầm chuyên đi bắt lịch huyết cho hay, một tấm chấn cắm 3 cây sào, 2 cây cắm ở miệng chấn và 1 cây cắm ở yếm chấn (rốn chấn). Còn đèn chấn là dùng đèn dầu đặt lên trên tấm gỗ nhỏ, lấy chai nhựa cắt bỏ phần đuôi chai đậy đèn lại cho khỏi tắt. Từ miếng gỗ uốn một vòng sắt theo chiều cao của chai vừa giữ chai đứng vừa làm quai treo, phía trên quai dùng tấm tôn mỏng lận vào vòng sắt trên cổ chai. Tấm tôn có tác dụng ngăn nước mưa, chắn gió lọt vào và có công dụng làm chá đèn chiếu ngược ánh sáng xuống đầm. Thấy ánh sáng ngọn đèn dầu, lịch huyết bơi đến lọt vào rốn chấn.
Cũng theo ông Hải, đặc điểm của lịch huyết là di chuyển vào ban đêm, còn ban ngày nằm yên một chỗ. Giữa không gian tối om, lại sống trong môi trường nước ói đang cay mắt nên lịch huyết tìm đến chỗ có ánh sáng… Lịch huyết sống trong hang, duỗi dưới lớp bùn non ăn mồi chìm, vì thế không có mùa nước ói thì không tài nào bắt được lịch huyết! Một đêm đi thăm chấn 2 lần, đầu hôm khoảng 20 giờ và mờ sáng hôm sau thăm chấn lần nữa rồi về chở lịch huyết đi bán. Một ký lịch huyết bán 200.000 đồng, mỗi đêm một người có thể bắt gần 1kg lịch huyết. Dulichgo
Ngoài sò huyết, mùa nước “ói” ngư dân quanh đầm còn thả lưới bắt cua. Cua gạch ở đầm Ô Loan nổi tiếng ngon, béo. Vừa đi bán cua về, ông Trần Thơ ở xã An Hải cho biết: Cách đây 7 năm, đến mùa nước ói là cá tôm không chịu nổi nước ngọt nên bơi từng đàn. Người dân ở 5 xã ven đầm Ô Loan đánh bắt được nhiều tôm, cá và có thu nhập cao. Hồi cá tôm còn nhiều, người dân làm ăn cả năm, cũng nhờ vậy mà từ cái nhỏ nhất như mua quyển vở, cây viết cho con đi học đến cái lớn hơn là mua cái tủ, cái bàn, thậm chí có người sắm vàng cũng nhờ nguồn lợi thủy sản từ đầm mà ra. Còn nay, do đầm Ô Loan bị ô nhiễm, tôm, cá, sò huyết cạn kiệt, nhiều người sinh sống bằng nghề đánh bắt trên đầm phải chuyển sang mưu sinh bằng các nghề khác. “May mà còn có lịch huyết, cua gạch sống dưới bùn còn sống sót, mùa nước ói tràn về, đầm có nhiều người đánh bắt bán trang trải cuộc sống gia đình”, ông Thơ nói.
Chiều, tôi thong dong trên con đường qua 5 xã (An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp) ven đầm, nhìn vào từng ngôi nhà, những người đàn ông đang ngồi uống nước trà trước hàng ba, bên góc sân đèn dầu, tấm chấn, lưới để sẵn chuẩn bị cho một đêm mưu sinh. Nhìn hồi lâu, tôi cảm nhận ở đó, cuộc sống cực nhọc mà êm đềm.
Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3
Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét