Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Huyền thoại núi Nam Giới (Thạch Hà)

(HT24) - Nhắc đến trầm tích văn hóa miền hạ lưu Thạch Hà, hàng trăm du khách xa gần không thể quên vẻ đẹp dãy núi Nam Giới. Dãy núi giấu trong lòng bao pho sử thi huyền thoại mà con người càng khám phá, càng ngưỡng mộ.

Từ bến cảng Cửa Sót (Hà Tĩnh), đi thuyền chưa đầy mười phút, du khách đã đặt chân lên dãy núi Nam Giới. Đây là một dãy núi dài, từ bao đời sừng sững, uy nghi, dầu nắng hay mưa vẫn ngút ngàn màu xanh bất tận. Núi Nam Giới không chỉ có cây cỏ, chim thú, núi non mà còn có những ngôi đền cổ kính. Dưới chân núi, sóng vỗ rì rào, sóng dờn dợn mơn man, càng tô thêm vẻ đẹp biển và núi, nhất là những lúc mặt trời vừa ló lên từ đằng đông trong hơi sương bảng lảng.

Theo nhận định của học giả Bùi Dương Lịch, cách đây 2 thế kỷ, “Sông Hoàng Hà đi qua các xã Hoa Mộc và Dương Luật rồi chảy ra biển”. Một nguồn tư liệu cũ khác chép lại: “Ngày xưa, núi Mộc Sơn (Hòn Mốc) tức là hữu Nam Giới. Cửa bể phía Nam núi ấy, nhưng về sau, sông bể đổi dời, dòng nước lấn lên phía Bắc”. Còn các bậc cao niên thường truyền ngôn cho con cháu mình: ngày xưa, đó là một lạch sông chảy qua các xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Hải. Hiện nay, còn có khe nước cũ chảy qua xã Thạch Bàn, đây là chứng tích của dòng sông cũ. Rõ ràng doi đất Kim Đôi ngày trước gắn với ngọn núi Long Ngâm.


Vẻ đẹp của núi Nam Giới đã khiến bao tao nhân, mặc khách tìm đến ngâm thơ, thưởng nguyệt. Những áng văn sáng rỡ như ánh trăng đêm rằm của Cử nhân Lưu Công Đạo thuở xưa, cho tới nay, người đời đọc lại vẫn thấy lung linh: “Bên hữu cửa bể là núi đất Kim Đôi, một dãy cát vàng từ núi Côn Bằng chảy ngang qua cửa bể. Trên khúc sông ấy có đồn binh, chợ, thuyền bè san sát, bến thuyền bốc khói, tỏa mờ mặt sông. Chiều hôm, mặt trời sắp xuống khỏi núi đằng Tây, mặt sông đèn lửa nổi lên lập lòe. Chập tối, thuyền đánh cá dong buồm về bến, nhìn qua cảnh ấy, kẻ có tâm hồn thường ứng họa, trong lòng cảm thấy thư thái, phiêu bồng”.

< Cửa Sót và dãy núi Nam Giới thuộc huyện Lộc Hà.

Nhà vua Lê Thánh Tông ham thích du sơn, du thủy và có tâm hồn thi sĩ thường ứng tác đề thơ nhiều danh thắng. Tại vùng biển núi Nam Giới, hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông vẫn còn được lưu truyền: Dulichgo

Sáng qua tỉnh mộng giang hồ,
Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời.

Người xưa đã ví núi Nam Giới như một bức bình phong, trong bức bình phong tưởng chừng như trầm tịch, cô liêu lại chẳng bao giờ ngưng lặng âm thanh. Từ thuở hồng hoang, khi bình minh lên đã nghe ríu rít chim gọi đàn, trong chiều tà đã nghe tiếng vượn hú gọi con. Chim và thú được núi Nam Giới nuôi dưỡng và núi cũng đẹp hơn, lãng mạn hơn, khi được góp thêm làn nhạc của muôn loài. Dường như đã sinh ra núi lớn thường có nhiều hang động. Núi Nam Giới cũng vậy. Trời đất đã ban cho dãy núi dài nhiều hang đá kỳ vĩ. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tiếng suối chảy róc rách hòa nhịp với tiếng sóng ngoài khơi vỗ bờ, khiến bao cảnh vật bị thôi miên trong một thế giới tiên cảnh.

Không phải bây giờ mà hàng trăm năm trước, Nam Giới đã được khách thập phương tìm đến, ngoài thú vui tao nhã còn là hoài niệm, tưởng vọng, thành kính nét đẹp văn hóa tâm linh.

Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi còn gọi là đền Vũ Mục hay là Linh Cổ (Trống thiêng) và khu đất mà đền tọa lạc này cũng được gọi là núi Linh Cổ. Không biết ngọn núi cao bao nhiêu, nhưng các nhà khảo cứu từ xa xưa khẳng định rằng: “Ngọn núi cao nhất phía Đông bắc, hình như trán rồng. Liền ở dưới có một dải sông, núi hình như vòi rồng. Hai bên tả hữu có hai tảng đá hình như mắt rồng. Dưới núi có ao lộ thiên rộng vài mẫu và rất sâu hình như miệng rồng. Xung quanh ao toàn là cỏ rậm và bùn lầy không thể vào được. Hai bên có hai nhánh núi ôm quặp lại, hình như hai chiếc râu rồng. Nước ao chảy quanh co, quanh núi ra bể. Ngoài biển lại nổi lên một ngọn, chắn ngang, sóng kêu ầm ầm như sấm động”.

Phần Bắc của dãy núi Nam Giới là hòn Lố và ngọn Long Ngâm, cách nhau một eo nước sâu, lúc thủy triều dâng thì ngập nước, gọi là Eo Lói.

Một hành khách từ Nam bộ khi đến Khu di tích đền thờ Lê Khôi đã thốt lên: “Tôi thực sự ngưỡng vọng khi đền Đại vương được trùng tu trang nghiêm, cổ kính để làm sống niềm tự hào trang sử dân tộc. Tôi thấy rất sảng khoái khi tận mắt xem các bãi đá tự nhiên dưới chân núi”.

Quả đúng như vậy, bước xuống Eo Lói, du khách sẽ ngỡ ngàng với những hòn đá kỳ diệu, mà cổ nhân đã đặt tên: đá Trồng, đá Hến, đá Nhọn, đá Giường. Cạnh hòn Lố là hòn Môi, nhìn xa chẳng khác gì một ngôi nhà nổi trên mặt nước. Ngoài hòn đá Tượng chồng cao, phía trên có suối chảy róc rách là một quần thể đá Am, đá Lố, đá Ngựa… Tất cả như muốn gửi tặng du khách một nụ cười tươi tắn.

< Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi.

Phía Tây ngọn Long Ngâm là đền Chiêu Trưng, phía Đông đỉnh núi có hai nền đất bằng phẳng, hình chữ nhật. Theo truyền thuyết, đời Hùng Vương, chàng Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung, sau những lần đi vãn cảnh đã mê đắm chốn này, bèn chọn làm nơi tu tiên, đắc đạo và đặt tên cho ngọn núi là Quỳnh Viên. Thực ra, gọi Quỳnh Viên hay Quỳnh Sơn thì cũng là tên cũ của núi Nam Giới. Núi Nam Giới càng dài bao nhiêu càng vẽ nên những bờ cát mơ mộng bấy nhiêu, không ít những bãi cát trong nay mai sẽ là điểm dừng chân dài ngày cho du khách. Gần cuối mỏm núi, giáp đất Dương Luật (xã Thạch Hải) hiện vẫn còn một miếu thờ nhỏ gọi là đền thờ Đức Thánh Mẫu. Những ngày lễ tết, dân chúng vẫn thường đến ngôi đền thiêng này dâng lễ vật và cầu phúc, cầu tài, cầu lộc.

Tiếp giáp với ngọn Long Ngâm là ngọn Nam Sơn, trên cũng có một ngôi đền Thánh Mẫu. Dân bản xứ ở đây thường quen gọi là đền Nam Sơn. Dulichgo

Ngôi đền tuy nhỏ, nhưng cảnh quan thật diệu vợi. Ngọn Hỏa Hiệu thấp, nhỏ nhưng ít ai biết rằng đây là cứ địa “đốt lửa trại” của tướng sĩ khi quân giặc đến. Tại núi này còn có một ngôi miếu khác, người ta dành riêng để thờ thần Cá Voi. Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, họ ngàn đời tôn quý cá voi, với những ngôn từ xưng hô rất trịnh trọng là “Ông” hay “Ngài”. Không ít ngư dân khi gặp hoạn nạn, đắm thuyền đã được cá voi cứu vớt. Từ ngọn Nam Sơn, thế núi thấp dần. Tận cùng cánh núi này là vùng đất Thạch Bàn, Thạch Hải. Dưới chân núi có những địa danh nghe rất ngộ như: Áng Gát, Áng Vôi, gành Trôốc Men, đá Rùa…, với nhiều ngọn “tiểu khê” được gọi là: khe Su, khe Máng, Hau Hau. Trong các dòng “tiểu khê” quen thuộc ấy, dân ở đây vẫn rất quý khe Hau Hau, bởi nước trong vắt, được lọc từ trong khe đá. Dòng nước khe này ít khi cạn, xanh như mắt ngọc, uống mát và ngọt. Một lần, có ông vua đi qua, dân đưa cung tiến bầu nước này, được vua tấm tắc khen.

< Ngoài cùng là núi Long Ngâm – nơi rồng vươn ra biển.

Trầm tích về dãy núi Nam Giới gắn với những di tích lịch sử văn hóa không chỉ là niềm tự hào cho người dân vùng hạ lưu huyện Thạch Hà mà còn là điểm sáng du lịch của Hà Tĩnh từ bao đời nay. Núi còn là “điểm tựa” cho cư dân những vùng bãi ngang như Thạch Bàn, Thạch Đỉnh trong việc cung cấp nguồn nước sạch về tận mỗi gia đình, qua hệ thống đường ống được lắp đặt theo chương trình nước sạch quốc gia. Tiếc thay, nhiều năm qua, nạn khai thác đá bừa bãi tại quần thể núi Nam Giới đang làm cho cảnh quan nơi đây bị xâm hại nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho con người, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Theo Phan Thế Cải (Hà Tĩnh 24h)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét