Thiên Bửu là ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do Tổ Tế Hiển - Bửu Dương, đời thứ 36 dòng Lâm Tế, khai sơn vào khoảng những năm trước 1763, là một trong những ngôi cổ tự tại thị xã Ninh Hòa.
Căn cứ vào một số hiện vật cổ còn lưu giữ được tại địa phương như bài vị của Tổ khai sơn và các Tổ kế thừa hiện thờ tại chùa Thiên Bửu; ngôi tháp cổ Bửu Dương; đại hồng chung còn lưu tại chùa Thanh Lương, làng Nhĩ Sự, xã Ninh Thân đúc vào thời Lê Cảnh Hưng có khắc tên Tổ Bửu Dương chứng minh đúc chuông.
上寶下楊和尚證明.大越國廣南處平康府新定縣中總平安社平安村.住持僧積仁大積仁大師.清涼寺奉佛今本道及十方善男信女眾等.景興二十四年四月吉日鑄鴻鐘…
Dịch theo tiếng Hán nôm rằng:
"Thượng Bửu hạ Dương, Hòa thượng chứng minh, Ðại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Ðịnh huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tích Nhơn Đại sư, Thanh Lương tự phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”
Có nghĩa là: “Tại thôn Bình An, xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, Hòa thượng húy thượng Bửu hạ Dương Chứng minh đúc Đại Hồng Chung, vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), tháng tư ngày lành (Phật Đản) chuông do Ðại sư Tích Nhơn trụ trì chùa Thanh Lương cùng thiện nam tín nữ, thập phương bổn đạo cúng dường tạo lập…“; bức Giới Đao Độ Điệp của Tổ Huệ Thân còn lưu tại chùa Thiên Bửu (hạ), đối chiếu với sử liệu, có thể xác định khái quát về lịch sử thành lập chùa.
Năm 1653, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thu phục vùng đất của Chiêm Thành từ Đèo Cả đến sông Phan Rang, đặt dinh Thái Khang tức Khánh Hòa ngày nay, gồm 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh, cử cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và đưa dân vào khai hoang lập làng theo chính sách di dân. Chính sách này đã có từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi thu phục đất Phú Yên năm 1611 và được thực hiện liên tục, bền bỉ qua 8 đời Chúa, đến năm 1759 thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thì hoàn tất cuộc Nam Tiến, mở đất, di dân và đặt nền cai trị lên cả một dải đất mới bao la, trù phú chạy dài từ đèo Cù Mông tới mũi Cà Mau. Dulichgo
Dưới thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Phật giáo rất hưng thịnh, chùa chiền được xây cất.khắp nơi. Ngay các Chúa cũng rất sùng đạo (như Chúa Tiên, Chúa Sãi, đặc biệt Chúa Nguyễn Phúc Chu đã quy y, thọ Bồ Tát giới tại gia với thiền sư Thạch Liêm, có pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân).
Trong bối cảnh đó, cùng với dòng người di dân vào Nam khai phá, Thiền sư Tế Hiển - Bửu Dương rời Thuận Hóa lên đường vào đất Thái Khang (Ninh Hòa), lập một ngôi chùa bên bờ hữu ngạn sông Lốt đặt tên là Thiên Bửu Tự, dân gian quen gọi là chùa Thiên Bửu (thượng). Sau đó, Ngài lập tiếp bên bờ hữu ngạn sông Dinh (hiện nay là thôn Bình Thành, xã Ninh Bình) một ngôi chùa thứ hai cùng tên, dân gian quen gọi là chùa Thiên Bửu (hạ). Hai ngôi chùa như hai anh em, có cùng tên và cùng một Tổ khai sơn, có niên đại cách nay trên dưới 300 năm.
Theo hồ sơ khảo sát của Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa và qua những tài liệu lịch sử đã thu thập được cho thấy, ngôi chùa hiện nay có diện tích còn khoảng 4.000 m2, do Tổ Tế Hiển-Bửu Dương là người phát tâm xây dựng chùa vào khoảng những năm trước 1763. Thuở ban đầu mái chùa lợp bằng cỏ tranh và vào năm 1763, ngài chứng minh đúc đại hồng chung, tại chùa Thanh Lương (thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, Ninh Hòa).
Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ "Môn" gồm Chánh điện, Đông lang, Tây lang. Chánh điện có 3 gian, bài trí tôn nghiêm. Gian giữa ngôi chánh điện đặt pho tượng Phật Thích Ca ngồi cao lớn sơn son thếp vàng, cùng nhiều tượng Phật khác như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc... Gian bên trái thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát, gian bên phải thờ Ông, tức Quan Công. Nhà Tây thờ vị sơ Tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma, cùng bài vị của Tổ khai sơn và các vị trụ trì.
Là ngôi chùa cổ trên 300 tuổi, ngôi danh lam thắng tích, nơi đây đã lưu lại những câu đối ghi lại quá trình hình thành và phát triển ngôi chùa:
Trước cổng tam quan, cửa chính giữa bảng hiệu “Thiên Bửu tự” (天 寶 寺) hai bên có câu đối:
Thiên nhân cung kính Thế tôn, phước huệ viên dung khai giác lộ
Bửu địa trang nghiêm Phật độ, nhân duyên thành tựu khải từ môn
Nghĩa là:
Trời người cung kính Thế tôn phước huệ, tròn đầy mở đường giác
Đất quí trang nghiêm cõi Phật, duyên lành thành tựu khải cửa từ
Tháp Bửu Dương là nơi an nghỉ của tổ sư khai sơn Hoà thượng Tế Hiển - Bửu Dương, cấu trúc hình chữ kim bát giác đứng trên bệ đế tám cạnh. Tháp cao 5,5m, trên đỉnh có mô hình hoa sen đỡ bầu rượu, tất cả có 7 tầng vị chi 56 mặt và 56 góc, 56 góc của tháp gắn 56 đầu rồng. Chung quanh tháp bao bọc bờ thành cao 1m rộng 6 tấc, bốn góc thành xây đắp 4 hoa sen. Tầng trên cùng, ba mặt trước trang trí hình lưỡng long tranh châu, các mặt chung quanh còn lại đắp hình những linh vật kỳ lân phụng hoàng. Kế dưới là tầng có 40 mặt chạm trổ chữ bùa, hình mai lan cúc trúc… Tầng dưới cùng phía trước đặt tấm bia, 7 mặt còn lại khắc các bài kệ bài tán bằng thể ngũ ngôn hay bát cú.
Đặc biệt, trước sân chùa có cây me cổ thụ cao sừng sững trên 20 mét, gốc to chu vi gốc me hơn 8 mét, tán lá cây rất rộng, có trái quanh năm. Cây me có nhiều bọng rỗng trên các nhánh nên trong thời Việt Minh chống Pháp người ta thường dùng các bọng cây này làm hộp thư bí mật.
Năm 1946 dưới gốc me còn lập một lò rèn để đúc kiếm Lê Trung Đình. Qua cổng tam quan, bên lối gạch vào chùa là hai cây sứ được trồng từ thời Tổ Phước Tường về trụ trì cách nay cũng đã gần 100 năm.
Trước và trong năm 1930, chùa là nơi thanh niên trong vùng tụ tập để luyện võ nghệ, sinh hoạt văn hóa và tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước. Qua đó, góp phần quan trọng trong cuộc biểu tình giành chính quyền ngày 16-7-1930 của Đảng bộ và nhân dân Ninh Hòa...
Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp, Tổ Tâm Kính - Bảo Thành trụ trì chùa Thiên Bửu, vì đã có các hoạt động giúp đỡ Việt Minh nên ngài đã bị giặc Pháp bắt và ném xuống giếng ngay tại chùa…
Chùa Thiên Bửu đã được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Du lịch, GO! tổng hợp từ Đạo Phật Ngày Nay, Wikipedia, Phật Tử VN và nhiều nguồn khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét