(BPY) - Làng Đồng (hay còn gọi là thôn Phú Đồng) thuộc xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), nằm trên đỉnh núi Kon Kơn cheo leo, heo hút. Đến được nơi này phải đi bằng đường rừng, dốc đá quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh. Mùa mưa lên đây mới thấy “sức mạnh” của mưa nguồn, nước suối nguồn...
Mưa rừng trên đỉnh Kon Kơn
Từ TP Tuy Hòa đến trung tâm xã Phú Mỡ rồi qua làng Đồng gần 120 cây số, còn nếu đi đường rừng từ xã Xuân Lãnh lên thì rút ngắn còn khoảng 100 cây số. Anh bạn dẫn đường đưa tôi đi đường ngắn hơn. Thế nhưng, đi từ Xuân Lãnh gặp nhiều dốc đứng. Chẳng hạn đến cuối thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh) gặp dốc Tò Mó, sau đó ghì số 1 xe mới vượt lên được dốc Kon Kơn rồi đến làng Đồng.
Lưng chừng dốc Kon Kơn, chúng tôi gặp ông La Mô Bênh, năm nay 78 tuổi, cùng vợ ngồi hóng mát dưới bóng cây cổ thụ. Ông cho hay, gần cả năm nay vợ chồng ông chưa xuống chợ Xuân Lãnh nên hôm nay quyết đi. “Lộ trình đi chợ” là xuống nhà người quen ở làng Trại Gỗ (thôn Xí Thoại) ngủ ké qua đêm, sáng sớm ra chợ Xuân Lãnh. Nhìn dốc Kon Kơn cao dựng đứng, ông Bênh nói chậm rãi: “Dốc này cao nhất đường lên làng Đồng nhưng hồi trai tôi cao to như “tướng núi”, sức bền một ngày tôi lên xuống dốc này 2 lần, chủ yếu là đi vận chuyển gạo muối tiếp tế cho cách mạng, và đi ròng rã cả tháng không biết mệt. Bây giờ tuổi già nên đi một đoạn thì mỏi chân, phải nghỉ lấy sức”.
Con đường này, mùa nắng mặt đường được đổ đất cấp phối phẳng lỳ. Tuy nhiên, bước qua tháng 10, chỉ cần một cơn mưa, nước nguồn đổ xuống đất trôi sạch, suốt chặn đường chỉ còn lại lớp đá dăm lởm chởm trải dài. Không những thế, mưa nguồn còn “bứng” tảng đá to trên sườn núi trôi xuống chắn ngang, xe qua lại gặp lúc phải khiêng mới vượt qua hòn đá tảng.
Mưa nguồn nặng hạt, vì vậy chỉ trong vòng tiếng đồng hồ là nước từ đỉnh Kon Kơn chảy xuống tạo thành dòng suối thác, dội vào vách đá ầm ào. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nước suối ở đây “hỗn” (lớn nhanh) lắm, nhưng cũng là “nước khách” (lớn nhanh nhưng rút nhanh), tạnh mưa, 3 tiếng đồng hồ sau là nước “rọt” (cạn). Theo kinh nghiệm của nhiều người, mùa mưa đi lên xuống theo đường rừng nhiều suối phải “canh” thời tiết. Tại làng Đồng, mây đen sà xuống là trời sắp đổ mưa. Dulichgo
< Lưới điện Quốc gia đã về với bà con thôn Phú Đồng.
Thầy Trịnh Ngọc Lân, giáo viên phân trường tiểu học làng Đồng kể: Có một lần vào chiều cuối tuần, khi tôi ra khỏi cổng trường thì trời đổ mưa. Trên đường đi, mưa rừng rào rào trên lá cây, tôi vội đi nhanh hơn. Thế nhưng, xuống đến suối Cái gần trại Gỗ, nước suối chảy mạnh đến nỗi cuốn ngã hàng cây bên suối. Qua không được về cũng không xong, chờ một lúc, tôi đành phải hì hục quay lại trường. “Quê tôi ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), mùa mưa mang gạo, thức ăn ở lại trên này cuối tuần mới về. Thức ăn thì chủ yếu là lương khô”, thầy Lân nói.
Dỡ cơm ra rẫy trồng rừng
Từ làng Đồng xuôi về trung tâm xã Phú Mỡ phải trượt xuống dốc dài gần 15 cây số đến ngã ba Bản Tin. Tại đây rẽ trái xuống thôn Phú Lợi rồi qua trung tâm xã, còn rẽ phải ngược lên thôn Phú Hải. Trên đoạn đường đi, chúng tôi bắt gặp tốp người đi trồng rừng đầu nguồn. Hiện là mùa mưa nên trên này cũng là mùa trồng rừng, tuy nhiên dốc sức ươm màu xanh cho rừng đầu nguồn là một kỳ tích.
< Xe thồ “đại tải” - bánh xe quấn xích, đôn thêm 4 nhún, 2 giỏ cần xé đan bằng sắt đèo phía sau vận chuyển cây giống trồng rừng.
Để vận chuyển cây giống, phân bón lên đỉnh núi phải dùng xe gắn máy, loại xe này độ chế thành xe thồ “đại tải”. Bánh xe quấn xích, đôn thêm 4 nhún, 2 giỏ cần xé đan bằng sắt đèo phía sau. Thế nhưng, xe không đi một mạch lên đỉnh núi được vì là mùa mưa nên khi leo dốc có đoạn đá lấp đường, người đi trồng rừng phải đừng lại dùng xà beng đẩy những hòn đá xuống suối mới đi được. Ông Đoàn Xuân Minh, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết: “Xe chuyên đi rừng, bánh xe quấn thêm lớp dây xích để bám vượt lên dốc dựng đứng, vả lại nếu không “độ” thêm phụ kiện nhún xe thì không tài nào vận chuyển cây giống lên tới đỉnh”.
Ở đây từ tháng 10 đến tháng 12, mây bao phủ trên đỉnh núi. Chị La Mô Thị Tý cùng chồng đang trồng rừng cho hay, vùng đồi núi này trước đây là rẫy lúa, bắp “ăn” mấy mùa rồi giờ trồng lại rừng. “Từ nhà ra đây gần 10 cây số nên dỡ cơm ở lại luôn trưa. Sáng nấu nồi cơm rồi nướng cá mặn, sau đó dỡ ra rẫy một nửa, còn nửa nồi để lại trên bếp cho hai con nhỏ thức dậy ăn”, chị Tý nói.
< Chị La Mô Thị Tý cùng chồng trồng rừng trên đỉnh làng Đồng.
Đi trồng rừng, chị Tý lúc nào cũng “thủ” chai dầu gió trong túi áo. Mùa mưa trên này chỗ nào cũng có bù mắt, ngồi trong nhà mà bù mắt còn cắn (đốt) huống chi ra rẫy. Loại này bay từng đàn cắn rát da, xưng đỏ, dùng dầu thoa cho đã ngứa. Đi trồng rừng chạm phải cây lát nai mỏng sắc cứa da đến bật máu, còn con vắt ngửi thấy hơi người búng rẹt rẹt đu như đỉa đói hút máu, thế nhưng không chỉ chị Tý mà nhiều người vẫn kiên trì lên núi trồng rừng.
Cách chỗ chị Tý gần 500m, vợ chồng anh La Mô Đền cũng đang dốc sức trồng rừng. Trưa, vợ chồng vào ngồi căn chòi ăn cơm, anh Đền thủ thỉ: “Trên này thức ăn khô khan chủ yếu mắm, cá mặn. Không chỉ ở đây mà qua bên trung tâm xã Phú Mỡ cũng không có chợ bán hàng nằm. Tuy nhiên, ngày nào cũng có chợ di động rao bán tận nhà với đủ loại thức ăn từ nước mắm, cá mặn đến thịt heo. Người ở miền xuôi lên đây bán chợ di động cũng ơn nghĩa lắm, những tháng mùa mưa, bà con trên này túng thiếu họ cho mua nợ, gần tết lên gom, người trong làng cũng tặng lại con gà, trái bí làm quà cuối năm gọi là ơn qua, nghĩa lại”.
< Em Sô Minh Hiết mới 7 tuổi đầu đã biết trông em lớn, ẵm em nhỏ mòn hông.
Người dân ở làng Đồng mua sắm các vật dụng trong nhà như ti vi, tủ bàn thì đi xuống chợ Xuân Lãnh. Tuy nhiên, ở đây có một điều khác lạ đó là đi họp ở xã còn xa hơn đi chợ vì phải xuống Phú Lợi lội qua sông Bà Đài mới qua UBND xã. Ông Ma Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ cho hay: Làng Đồng xa xôi, cách trở, đường đi lại khó khăn nhưng cán bộ và bà con trong làng đoàn kết chú trọng làm ăn phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2011, các ngành chức năng của huyện phối hợp tổ chức lễ đâm trâu (lễ xoay cột) cho đồng bào Chăm H’roi, Ba Na ở làng Đồng. Theo phong tục truyền thống, người trong làng chọn một cây cốc chua trên rừng về trồng giữa hố chôn cột xoay trâu. Nếu sau 3 tháng, cây cốc này vẫn sống, bắt đầu đâm chồi nảy lá có nghĩa là làm lễ xoay cột con trâu. Cầu mong Giàng phù hộ mưa thuận, gió hòa, lúa sắn đầy bồ, mọi người, mọi gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét