Đảo Mắt cách bờ biển Cửa Lò về phía Đông Nam khoảng 20 km. Đảo có nhiều câu chuyện lý giải về cái tên của nó, nhưng câu chuyện được nhắc đến và kể nhiều nhất chính là chuyện nàng Tố Nương mòn mỏi đứng đợi chồng.
Khi xưa có nàng Tố Nương quê ở An Lạc, Hà Tây, lấy chồng về xứ Hàm Hoan (nay thuộc Nghệ An), cả hai vợ chồng nàng tham gia vào trận khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho đến khi khởi nghĩa bị đàn áp, 2 vợ chồng nàng thất lạc nhau. Tố Nương thương nhớ chồng đã căng buồm vào xứ Hàm Hoan tìm chồng. Tuy nhiên, đường đi hiểm nguy, nàng gặp nạn trôi dạt về phía đảo có tên Quỳnh Nhai. Thân gái dặm trường, hiểm nguy khôn lường nàng bị kiệt sức và không có phương tiện để đi vào đất liền đành phải ở lại đảo và ngày đêm chỉ có thể đứng trên đảo hướng mắt về phía quê chồng mòn mỏi chờ đợi cho đến khi qua đời. Cảm động trước tấm lòng sắc son, người dân đã lấy tên đảo là đảo Mắt.
< Du khách thăm đảo Mắt.
Đảo Mắt với 70% diện tích là núi đá nhưng vẫn ẩn chứa cái nét đẹp hoang sơ riêng. Những hòn đá gối chồng lên nhau tựa như trầm tích và thang bậc lịch sử, bởi vậy mà đảo Mắt được ví như là cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang. Đảo Mắt – địa điểm du lịch hấp dẫn của Thị xã Cửa Lò. Đứng trên đỉnh cao nhất của đảo Mắt, chúng ta có thể bao quát được hết đảo, một màu xanh của núi rừng, đan xen vài ruộng bậc thang trồng rau, trồng lúa, những mỏm đá cùng làn nước biển xanh biếc - một cảnh đẹp chẳng thua kém những địa danh khác. Dulichgo
Đảo Mắt còn được bao phủ bởi một thảm thực vật khá phong phú. Ở đây có loài sung đảo được xem là biểu tượng của đảo. Sung mọc lên từ những kẽ đá. Thân cây sung không cao lớn như sung ở đất liền nhưng lại hết sức rắn rỏi và vững chắc. Quả sung cũng nhỏ hơn so với ở đất liền nhưng có hương vị mặn mòi của biển cả, vị ngọt của những thớ đất ít ỏi trên đảo đá. Cùng với loài sung, cây đa cũng mọc khá nhiều. Những cây đa cổ thụ rễ bện chặt và ôm riết lấy từng khối đá tựa như tinh thần và sức mạnh của những người lính đảo quanh năm đối mặt với sóng gió.
Vào ban đêm trên đảo Mắt gió thổi mát rượi, sóng biển rì rào, không khí trong lành, tinh khiết. Quanh đảo, vô số ánh đèn sáng rực, lung linh tỏa ra từ những chiếc tàu đánh cá của ngư dân giống như một thành phố nổi. Cảnh vật rất đỗi thanh bình... Đảo Mắt là vị trí tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sự bình yên đất liền. Trên đảo có rừng xanh với nhiều loài chim biển, dê, lợn rừng... là tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng thu hút du khách. Giữa trùng khơi, đảo Mắt còn được ví như “mắt biển.” Khi ra khơi, ngư dân sẽ yên tâm hơn khi được đảo canh giữ, bảo vệ.
Hàng không mẫu hạm không thể chìm
Đảo Mắt có tổng diện tích tự nhiên trên 2,2 km2, nằm cách đất liền 18 hải lý. Đảo có độ dốc lớn, đỉnh cao nhất của đảo là 218m so với mực nước biển. Đảo Mắt nằm ở vị trí chiến lược, được ví là Mắt đảo (hay còn gọi là Hòn Mắt) không những luôn hướng về đất liền mà còn che chắn cho cả vùng Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đảo Mắt trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt. Suốt giai đoạn 1965 -1973, Mỹ ngày đêm dội bom, bắn tên lửa xuống đảo Mắt hòng tiêu diệt lá chắn của đất liền. Có hơn 4.000 tấn bom đạn (bình quân 1mét vuông/2tấn bom, đạn) được trút xuống đảo nhỏ nhưng không thể làm lung lay ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất, anh dũng chiến đấu của các chiến sỹ đảo Mắt.
Vì thế, nhiều lần Đơn vị đảo Mắt đã được Đảng và Nhà nước trao Huân chương quân công, Huân chương chiến công và đặc biệt, ngày 11-1-1973, đảo Mắt vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đảo không có điện thắp sáng, sinh hoạt phải nhờ vào nước trời, thực phẩm chủ yếu chở từ đất liền ra. Tuy nhiên, có khi cả tháng trời mới được một chuyến tàu cập đảo. Tuy nhiên, tại đây có một bệnh xá khá quy mô được xây dựng bên sườn núi đá ngay ở trung tâm của đảo. Hiện bệnh xá của đảo đã có 1 bác sỹ và 4 y sỹ được đào tạo bài bản từ đất liền điều động ra đảo phục vụ. Ngoài việc khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các chiến sỹ trên đảo Mắt, hằng ngày các y, bác sỹ mang quân hàm xanh nơi đây còn phục vụ ngư dân trên biển, mỗi khi gặp sự cố (Dulichgo).
Theo Báo Nghệ An
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét