Xe gắn máy là phương tiện tuyệt vời nhất để bạn tiếp cận mọi phong cảnh, địa điểm đẹp ở các địa danh du lịch. Nó sẽ giúp bạn cơ động, thuận tiện và tiết kiệm hơn nhiều cho chuyến đi của bạn với các chuyến phượt đến những vùng đất xa xôi trong nhiều ngày.
Trong thật tế, bạn vẫn có thể thuê một chiếc xe tại các điểm đến với giá từ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày (xăng tự đổ) nhưng chắc chắn rằng bạn khó có cảm giác an tâm vì xe lạ, máy kém dễ hỏng hóc hoặc vỏ trước sau khá mòn, thiếu an toàn khi leo đèo hay chạy đường xấu. Vậy nên cách tốt nhất là mang theo chiếc xe của chính mình với giấy tờ 'chính chủ' và lên đường.
Vậy nhưng trước tiên, Dulichgo khuyên bạn hãy xác định xem 'đem theo xe' có xác đáng trong chuyến hành trình này không cái đã:
- Nếu nơi định đến cách xa nơi bạn ở trên dưới 300km, mình khuyên bạn tự cưỡi ngựa sắt suốt tuyến hành trình cả đi - về do lộ trình ngắn - không đáng cho con xế ra vào hầm xe cùng nhiều công đoạn rườm rà.
- Nếu lộ trình đi trên 600km: đây là lý do chính đáng để chiếc xế của bạn sẽ cùng đồng hành trên chuyến đi. Theo ý mình, bạn nên tính toán gởi xe gắn máy chỉ một phiên (đi hay về). Phiên còn lại, ta nên tự chạy xe đến điểm kế (đi hay về) để khám phá những điều đọc đáo trên chính lộ trình mình đi. Đôi khi những điểm khám phá thêm này còn tuyệt hơn cả chính nơi đã đến đấy! Dĩ nhiên, bạn phải tính thời gian cho chuyến hành trình vì mỗi ngày chỉ nên chạy tầm 300km thôi.
- Còn trường hợp giữa 2 mục trên thì... tùy bạn. Nên nhớ là gởi xe tốn tiền hơn là đổ xăng chạy cùng khoảng đường ấy, lại thiếu tự do khi ta là khách trên xe khách.
Quyết định rồi, bây giờ ta chọn phương cách gởi:
1/ Gửi xe máy theo xe khách
Không phải nhà xe nào cũng đồng ý nhận gửi kèm theo xe máy đâu (ví dụ nhà xe Mai Linh không bao giờ nhận, xe Phương Trang tùy tuyến...v.v). Vì vậy khi có ý định gửi xe đi cùng, bạn nên hỏi kỹ xem họ có nhận chở xe không đã nhé. Hãy hỏi luôn giá cả người và xe, phí tháo dỡ và bọc thùng (thường thì nhà xe chỉ hút xăng, đặt xe vào hầm và không tính thêm tiền).
Số lượng xe gửi kèm theo trong một chuyến chỉ khoảng 2 đến 4 xe - các chỗ còn lại dành cho hàng hóa khác. Vào dịp lễ, giá xe và người sẽ tăng lên đáng kể, riêng vé cho xe bao giờ cũng cao hơn vé cho người.
Xe tay ga bao giờ giá cũng đắt hơn xe số vì chiếm nhiều vị trí hơn (xe này thường đặt đứng trong hầm) và giá trị xe cũng cao hơn hơn. Dù đã đặt trước chỗ cho xe rồi, bạn cũng vẫn cần gọi lại vào ngày đi để xác nhận chắc chắn xe còn chỗ gửi một lần nữa với nhà xe. Nếu không, rất có thể khi bạn ra bến chỉ còn vé người mà không có vé cho xe đấy (do hàng đã lèn chật hầm rồi).
Khi có ý định mang kèm xe theo cùng, hãy nhớ mang đầy đủ giấy tờ đi kèm xe bao gồm đăng ký, bảo hiểm còn thời hạn và giấy phép lái xe. Các giấy tờ này không chỉ quan trọng khi bạn đi đường mà còn đề phòng trường hợp xe vận chuyển cần giấy tờ xác minh với cảnh sát giao thông. Nếu có thể chọn lựa, mình khuyên bạn nên đem theo xe máy tốt nhưng bề ngoài thường thôi: có dằn xóc cọ quẹt cũng không xót ruột.
Trước khi đi, nên nới lỏng ốc kiếng chiếu hậu để khi vào bến xe có thể tự tháo dễ dàng. Nên đến trước giờ khởi hành khoảng một tiếng để họ xếp xe. Nếu vào Bến Xe Miền Đông, bạn phải mua vé cho xe ở cổng bảo vệ. Hãy mua vé chở hàng 6K, không mua vé bốc vác 20k (mọi thứ này nhà xe lo).
Đừng để còn nhiều xăng trong xe vì các nhà xe sẽ tháo hết xăng nhằm bảo đảm an toàn khi đi (nhất là xe số sẽ phải đặt nằm). Vì thế, hãy tính toán để lượng xăng không còn nhiều khi ra đến bến xe. Lúc này thì tự tháo 2 kiếng chiếu hậu mà bạn đã nới ốc từ nhà. Nếu xe còn mới, bạn mang theo ít đồ cũ để bọc lót xung quanh phần xe dễ xước khi đặt nằm ngang như yếm, đèn đầu xe, phần nhựa bên hông… Mũ bảo hiểm nên mang theo và lúc này nên bỏ vào bao xốp cùng với kiếng chiếu hậu rồi đặt cạnh xe và hành lý của bạn trong hầm.
Một số nhà xe (không phải tất cả) có thể sẽ tháo bánh trước xe của bạn để giảm diện tích choán chỗ trong hầm xe. Khi đến nơi, nhà xe sẽ lắp lại cho bạn, ngay cả khi bạn xuống ven đường, không vào bến. Bạn chỉ cần nhắc họ cẩn thận vì mình phải đi xa, hãy nhìn công đoạn tháo và lắp bánh trước để tránh rớt mất bánh xe trái khế khiển đồng hồ công tơ mét - (thông thường thì họ làm rất tốt).
Sau khi nhận xe, bạn chạy đến cây xăng gần nhất để bơm xăng. Hầu như các bến xe đều có cây xăng ngay phía ngoài cổng bến. Bạn cũng có thể chạy thêm vài cây số để tìm chỗ đổ bằng lượng xăng còn lại trong bình xăng con và đáy bình xăng lớn (họ không thể hút sạch đâu). Nếu xuống ven đường quốc lộ, nhà xe thường đậu gần trạm xăng để thuận lợi cho bạn - Trạm xăng thì trên các QL nhiều vô kể.
2/ Gửi xe máy theo tàu hỏa
Không phải chuyến tàu nào cũng nhận chở xe máy theo, đa phần là tàu chở hàng hoặc tàu chậm. Nếu bạn gửi xe máy cùng với chuyến của mình thì tốt, nếu người một chuyến và xe đi một chuyến khác, bạn sẽ phải chờ đợi để lấy xe (cái này thật phiền toái).
Tại các nhà ga đều có khu vực vận chuyển bốc dỡ hàng hóa.
- Nếu gửi xe đến các điểm xa, bạn phải gửi sớm vì xe đến nơi có thể mất 3 – 4 ngày. Mang theo giấy tờ xe để làm thủ tục và rút sạch xăng. Nhân viên nhà ga sẽ viết cho bạn 2 phiếu gửi xe: Một phiếu gắn vào xe và phiếu còn lại đưa cho bạn. Khi nhận xe bạn chỉ cần xuất trình CMND và tờ phiếu này là đủ. Nếu bạn gửi xe và một người khác đi nhận thì chỉ cần thay tên người đó vào phần người nhận. Hãy kẹp mũ bảo hiểm vào xe bạn gởi để khi nhận có ngay mũ sử dụng.
- Nếu đi các điểm gần, xe có thể đi cùng tàu với người. Bạn có thể đưa xe thẳng ra ga để xếp chỗ.
Cước gửi xe gắn máy theo tàu hỏa rẻ hơn gửi theo xe khách. Tuy nhiên, nếu tính các khoảng khác như phí bốc vác, phí đóng thùng xe (thùng sắt, thùng gỗ, thùng giấy... thì không còn rẻ, thậm chí mắc hơn, thủ tục nhận - gửi cũng rườm ra hơn. Ưu điểm là xe máy gửi theo tàu sẽ yên tâm hơn vì được bọc cẩn thận và không phải tháo dỡ khi gửi, không lo trầy trụa gì.
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét