(Zing) - Trong tháng 11 đã có hai vụ tai nạn thương tâm xảy ra với phượt thủ khiến một lần nữa cộng đồng mạng lại dấy lên câu chuyện đi phượt thế nào để an toàn.
< Những khúc cua nguy hiểm nếu đi tốc độ nhanh ở Hà Giang.
Ngày 1/11 một phượt thủ ở TPHCM đã tử nạn khi đi cung đường Thái Nguyên - Bắc Kạn. Ngày 16/11, nữ phượt thủ 9X cũng thiệt mạng trên đường từ Hà Giang về Hà Nội.
Từng đi phượt nhiều tỉnh, thành ở ba miền Bắc, Trung, Nam bằng xe máy và mới trở về từ cung đường Hà Giang cách đây 10 ngày, anh Nguyễn Hoàng cho biết: “Đừng coi phượt là cuộc dạo chơi mà hãy coi đây là chuyến đi trải nghiệm thực sự, có nhiều rủi ro cần phải lường trước. Bạn hãy tìm hiểu kỹ về nơi đến, về nhóm bạn đồng hành, những nguy hiểm có thể xảy ra và biện pháp đối phó”.
Theo anh Hoàng, cung đường Hà Giang có nhiều đoạn nguy hiểm, những khúc cua tay áo khó nhằn, nếu xế đi tốc độ nhanh sẽ khó kiểm soát và nguy hiểm.
Như khúc cua chữ M ở Lũng Cú, những đoạn đường 9 múi ở Bắc Mê hay đường hình chữ U ở Mã Pí Lèng, nếu xế đi ngạo mạn, dễ tai nạn xảy ra. Đặc biệt khi thời tiết xấu, mù sương, hay đi vào buổi tối xế khó kiểm soát càng nguy hiểm.
Dưới đây là những lưu ý cộng đồng mạng chia sẻ để có chuyến phượt an toàn:
1. Tốc độ chậm
Đi tốc độ chậm là yêu cầu quan trọng nhất khi đi trên đường đèo có nhiều khúc cua gấp. Tốc độ trung bình khoảng 40km/h. Ở những khúc cua giảm tốc độ, không cua gấp hay phóng nhanh vượt ẩu. Không đi quá sát vào vách núi vì đường dễ trơn trượt hoặc nhiều sỏi đá từ trên rơi xuống.
Nếu xe trôi dốc quá nhanh cần bóp cả hai phanh đồng thời về số để xe giảm tốc độ.
2. Vượt xe trọng tải lớn
Cố gắng không đi sát xe có trọng tải lớn vì những xe này tạo ra lực hút lớn, nếu tay lái không vững, bạn có thể bị hút vào gầm. Đã có nhiều tai nạn xảy ra do phượt thủ cố gắng muốn vượt xe tải. Kinh nghiệm khi vượt xe trọng tải lớn là phải xi nhan xin vượt và bấm còi liên tục, khi được xe ra tín hiệu đồng ý thì hãy vượt lên.
3. Tránh đi buổi tối
Khi đi buổi tối cố gắng nháy pha một cách hợp lý để các xe ngược chiều không chiếu thẳng pha vào mắt, nếu xe đi ngược chiều không hạ pha, nên chủ động giảm tốc và đi sát vào lề, không nên ăn thua bằng cách chiếu pha ngược lại. Bạn có thể sử dụng thêm kính mắt màu vàng để sử dụng cho đi tối, sẽ hạn chế được khá tốt nếu có bị rọi thẳng đèn pha vào mắt. Đi đường núi buổi tối cực kỳ nguy hiểm, bạn sẽ dễ mất kiểm soát và không làm chủ được đường đi.
Tốt nhất khi trời tối quá hãy tìm đến nhà dân để xin ngủ nhờ hoặc liên hệ với đồn biên phòng. Nếu đi trong thời tiết sương mù, hãy bật đèn pha để xe ngược chiều chú ý.
4. Tư trang vật dụng cần thiết
Một bộ đồ nghề sửa xe cơ bản: Bộ tròng tháo lốp, bộ móc lốp và dụng cụ vá, bơm tay hoặc bơm chân, một vài dụng cụ cơ bản như: Tua vít, kìm, mỏ lết… Một đôi săm dự phòng (1 trước và 1 sau), 1 bugi phù hợp với xe. Mang chai đựng xăng dự phòng nếu đi cung đường dài và ở nơi vắng vẻ.
Mũ bảo hiểm loại tốt, không sử dụng mũ bảo hiểm thời trang. Chuẩn bị găng tay, quần áo mưa, đèn pin, thuốc men, bông băng, dụng cụ cá nhân, quần áo ấm nếu đi trong sương mù, lạnh. Chuẩn bị giấy phản quáng dán ở mũ, đuôi xe để đi ban đêm dễ quan sát.
(Theo Tùng Sơn/Zing)
Du lịch, GO!
Kinh nghiệm cưỡi 'ngựa sắt' vượt đèo dốc.
Kỹ thuật sinh tử lái xe xuống đèo, dốc
Điều cần biết khi lái xe qua đèo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét