(TNO) - Bao nhiêu lần chuyển làng, sống hoang dã nơi rừng sâu nước độc, cuối cùng tộc người Brâu về định cư ở cửa khẩu Bờ Y tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, H.Ngọc Hồi, cách TP.Kon Tum gần 100 km. Dù đi đâu, về đâu thì những phong tục độc đáo và các báu vật bí ẩn của tộc người mình luôn được họ giữ gìn.
Bóng ma ở làng Đắk Mế
Vượt gần 100 km, chúng tôi tìm đến làng người Brâu ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y. Trưởng làng Thao Lợi cười cười bảo: “Người mình không phải gốc gác ở đây đâu, mà tận bên Campuchia, bên Lào dời sang đấy”. Tôi hỏi vì sao phải vất vả đến tận đất này, Thao Lợi tư lự một hồi rồi kể bằng giọng trầm buồn, rằng tộc người Brâu vốn ở biên giới sát Campuchia, Lào và VN, từng phải dời làng đến 11 lần mới về định cư ở Đắk Mế bây giờ. Lý do các lần dời làng, một phần do đất ở quá khắc nghiệt, chiến tranh, một phần do bệnh tật ốm đau mà người Brâu cho rằng có “bóng ma” gây ra.
Theo lời kể của Thao Lợi, đến đời ông thì không có chuyện “bóng ma”, nhưng trước đó người Brâu rất sợ bóng ma ấy. Cả làng đang làm ăn, sống hòa thuận bên nhau, đột nhiên có những buổi khi rừng kéo bóng đêm về làng là bóng ma trắng ấy lại xuất hiện, đi từ cổng chính vào làng, ghé hết nhà này đến nhà nọ. Không ai nhìn rõ hình hài con ma ấy thế nào, chỉ thấy sau khi bóng ma xuất hiện thì cách vài ngày làng lại có người chết, không rõ nguyên nhân. “Người già trong làng tìm cách chữa chạy, cúng Yàng nhưng không bớt. Thế là phải tìm đất mới dời làng thôi”, Thao Lợi nói. Cứ thế, làng dời đi hết đồi này đến rừng nọ với cuộc sống du canh, du cư khắc khoải và đầy trắc trở.
Người Brâu xưa dựng làng theo kiểu “trong vuông ngoài tròn”. Nghĩa là, bên ngoài làng là vòng tròn có chông gài xung quanh để chống thú dữ; bên trong là nhà các hộ dân xoay xung quanh nhà rông. Nhà rông cũng làm theo kiểu ở giữa là nhà rông “mẹ”, hai bên nhà rông “con”; trong đó, nhà “mẹ” là nơi các chức sắc làng, già làng sinh hoạt, bàn việc làng, hai nhà “con” là để các hộ trong làng sinh hoạt, dệt áo quần. “Hiện nay, nhà rông của người Brâu ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y cũng xây dựng theo mô hình này”.
Thao Lợi kể, trong 11 lần dời làng thì có ba lần do lửa thiêu rụi cả làng. Gần đây nhất, tộc người Brâu về sống ở suối Đắk Mế (nhánh nhỏ của suối Bờ Y), cách làng Đắk Mế bây giờ khoảng một buổi đường đi xe máy. Năm 1991, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi 14/22 nóc nhà. Thế là tộc người Brâu vơi dần đi.
Giai đoạn 1991-1993, dù chưa có ai thống kê đầy đủ nhưng người Brâu khủng hoảng nhất về dân số (theo Hôn nhân và gia đình của người Brâu của Bùi Ngọc Quang, xuất bản 2004) và chính quyền đã đưa người Brâu thoát khỏi rừng, làm nhà cho ở. Đến năm 2004, tộc người Brâu tăng dân số lên 319 người và đến nay là 113 hộ/gần 400 khẩu, vẫn thuộc diện dân số ít nhất của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ VN.
Sơn nữ... 120 tuổi ?
Chuyện bóng ma, chuyện dời làng đã lạ, nhưng theo Thao Lợi, bây giờ tộc người Brâu vẫn còn nhiều tục ngày xưa sót lại còn… lạ hơn. Chiều hôm ấy, ông đưa chúng tôi đi thăm một “nàng sơn nữ có một không hai ở xứ này”. Ngỡ là sơn nữ ấy rất đẹp, nào ngờ Thao Lợi đưa vào một ngôi nhà tồi tàn. Trong nhà, một cụ bà tóc trắng bạc phơ, mặt vẽ đủ sắc chàm xanh.
Thao Lợi giải thích: “Ấy là Nàng Bu, 120 tuổi”. Hỏi cách tính tuổi Nàng Bu, Thao Lợi bảo người Brâu tính thế, còn trên giấy tờ Nàng Bu sinh năm 1901, tức năm nay đã 112 tuổi. Qua câu chuyện của Thao Lợi, hóa ra họ của người Brâu không phải “Thao” mà trước đó, đàn ông mang họ “Đao” còn phụ nữ là “Nàng”. Vì thế, khi nghe “nàng”, tôi cứ ngỡ… Nàng Bu còn trẻ lắm.
Dù tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Nàng Bu rất tỉnh táo, nói chuyện với khách qua Thao Lợi phiên dịch. Thao Lợi chỉ cho chúng tôi hai khuyên tai có lỗ tai to lớn của Nàng Bu, có thể đưa được cả một cái cốc to bằng cổ tay người lớn vào. “Là do Nàng Bu căng tai bằng ngà voi năm 18 tuổi, trước khi về nhà chồng.
Với người Brâu, có bốn tục: căng tai, vẽ mặt, cà răng và đeo còng ở chân, tay. Tất cả bốn tục này, người nghèo không được làm, nhưng Nàng Bu thì đủ cả. Chỉ những người phụ nữ nhà quyền quý, giàu sang mới căng tai, nhưng căng tai bằng ngà voi thì chỉ có người tột bực cao sang mới có”, Thao Lợi giải thích.
Anh Hoàng Lê Quyền, cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho hay ở làng Đắk Mế, căng tai như Nàng Bu hiện còn 3-4 cụ bà nữa, nhưng Nàng Bu thuộc diện đẹp nhất. “Thế ngà voi căng tai của Nàng Bu đâu rồi?”, tôi hỏi. Anh Quyền bảo hồi trước có người vào gạ bằng con trâu đực (tương đương 40 triệu đồng) nên Nàng Bu đổi. Cũng theo anh Quyền, người Brâu còn có tục cà răng từ 4 đến 16 tuổi. Thế nhưng không phải ai cũng biết cà răng, mà trong làng có hẳn một “đội quân” chuyên làm việc này. Những khi cà răng, máu chảy lênh láng, nhưng người Brâu luôn có thuốc sát trùng nên răng bị cà không bị hư hỏng, nhiễm trùng.
“Có điều, do từ năm 2004-2005 đến giờ, tục cà răng không còn nữa nên thuốc bí truyền đó đã không còn mấy người biết đến”, Quyền nói. Còn nghệ nhân Thao La thì cho rằng, thuốc đó chính là lá trầu rừng chứ không có gì lạ. Mỗi lần cà răng, xát trầu này vào, sau đó răng không bị hư mà còn đen luôn từ đó.
Bí ẩn chiêng Tha
11 lần dời làng, rồi lửa thiêu, bệnh tật chết chóc, người làng Brâu kẻ thì bỏ đi, người về xứ cũ, cái rựa mất đi, cái nhà không tìm lại, vậy mà biết bao nhiêu đời nay người Brâu đi đâu cũng giữ bên mình một báu vật: bộ chiêng Tha độc đáo, bí ẩn cổ nhất vùng Trường Sơn - Tây nguyên. Mời chúng tôi về nhà, nghệ nhân Thao La giới thiệu: chiêng Tha sản xuất tận bên Lào là linh hồn của người Brâu. Nó được pha trộn vàng, bạc, đồng đen, đồng thau, chì nên vốn đã quý rồi.
“Mình có bộ chiêng Tha trị giá 30 triệu đồng, cách đây 10 năm đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Còn chú mình cũng tặng một bộ chiêng trị giá 60 triệu đồng”, Thao La nói. Thế nhưng, hai bộ chiêng Tha kể trên chưa thấm vào đâu so với bộ chiêng Tha đắt nhất của làng Đắk Mế bây giờ là của bà Y Cooc: tương đương 30 con trâu. Ngoài ra, còn chiêng của Y Ương, A Băm cũng không kém giá trị bao nhiêu.
Ngỏ ý muốn xem bộ chiêng Tha, Thao La ngăn ngay: “Không được, muốn mang ra phải làm lễ hiến tế”, và giải thích: “Chiêng này mỗi lần đánh lên vang xa 9-10 km, gõ một tiếng sẽ vang vọng 3-4 tiếng với nhiều cung bậc thánh thót, trong trẻo nhưng chỉ dùng trong các lễ hội, đám cưới, đám tang. Đặc biệt, trong mỗi nhà chỉ có chủ gia đình mới biết chiêng Tha cất giữ ở đâu.
Trước khi đưa chiêng ra đánh, dù dùng chung cho cả làng hay gói gọn một gia đình, thì nghi lễ đầu tiên là phải cúng hiến tế mời Tha “nói”. Nếu không cúng sẽ bị bắt tội, ai đánh chiêng này sẽ nổi ung nhọt, máu mũi máu miệng chảy ra.
Như thằng Thao Ương làng này, bộ chiêng nó bắt tội chủ nhà nhiều nhất, khi nó đánh chiêng thì chảy máu mũi, sau còn nổi mụn nhọt nữa…”. Lời Thao La khó kiểm chứng thực hay hư, nhưng có một điều rất thực: người Brâu sùng kính chiêng Tha như tổ tiên vậy. Dulichgo
Theo anh Trần Lâm, cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, người Brâu hiện còn khoảng 10 bộ chiêng Tha. Theo đó, mỗi bộ có hai chiếc: chiêng trống (Jơliêng) và chiêng mái (Chuar). Khi tấu, hai chiêng này treo theo hướng úp vào nhau, cách mặt đất từ 15-20 cm. “Trước đây, bộ chiêng này không được mang ra ngoài. Sau tuyên truyền vận động nhiều nên các già làng mới cho mang chiêng Tha ra biểu diễn ở các lễ hội văn hóa dân gian của tỉnh và cả nước. Sau khi biểu diễn về, người Brâu lại giữ kỹ như trước, không ai được đụng đến nếu chưa làm lễ hiến tế”, anh Trần Lâm nói.
Theo Phạm Anh (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét