(PNO) - Khám phá làng chài Hải Minh (Bình Định) dịp cuối tuần là một trải nghiệm lý thú với những ai thích du lịch. Đến để ngắm biển, chinh phục núi cao, tìm dấu tích những di tích xưa...
Nằm trên bán đảo Phương Mai, làng chài Hải Minh (khu vực 9, phường Hải Cảng, Quy Nhơn, Bình Định) là một điểm đến thú vị cho những thích khám phá, trải nghiệm vùng đất mới.
Xuất phát từ bến đò Hàm Tử (Cảng cá Quy Nhơn), mất khoảng 20 phút bạn đặt chân đến Hải Minh, một làng chài trải dài bên mép sóng. Trên dãy núi Phương Mai sừng sững là tượng Đức Thành Trần Hưng Đạo uy nghiêm chỉ tay về hướng biển.
< Tượng đài Đức Thánh Trần trên đồi Hải Minh nhìn từ biển.
Làng chài Hải Minh được chia làm Hải Minh trong và Hải Minh ngoài. Hành trình khám phá bán đảo Hải Minh của chúng tôi bắt đầu. Nơi đầu tiên cả nhóm muốn tìm là tượng Đức thánh Trần trên đảo. Dulichgo
Men theo con đường nhỏ từ bến đò ở làng chài leo lên đồi nơi có tượng Đức Thánh Trần, cả nhóm mất khoảng 20 phút đi bộ bên con đường rợp trời hoa ngủ sắc. Những bông hoa ngũ sắc khoe hương trong nắng như mời gọi ong, bướm dập dịp.
Trên con đường lên đồi mở ra từng cảnh đẹp mênh mông, thỏa sức cho các tay máy tung tẩy, chớp lấy những khung hình đẹp nhất. Dulichgo
< Đường lên tượng đài rợp trời hoa ngũ sắc, ong bướm dập dìu.
Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng và hoàn thành năm 1973, cao hơn 40m so với mực nước biển. Toàn bộ di tích được xây dựng như một công viên để những ai thăm viếng có thể nghỉ chân.
Dưới tượng Đức Thánh Trần là 4 bức phù điêu khắc họa 4 mặt bệ. Bức phía Đông diễn tả tấm lòng người anh hùng biết bỏ qua mối hiềm khích trong dòng tộc, để tạo mối đoàn kết toàn dân tộc làm sức mạnh đánh dẹp quân thù.
< Tượng Đức Thánh Trần, 4 bên bệ tượng là các bức phù điêu.
Bức phía Tây là hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương kiên quyết khuyên vua xông pha đánh giặc, chứ không buông kiếm đầu hàng trước mối họa xâm lăng. Bức phía Nam là hình ảnh các bô lão tại hội nghị Diên Hồng, tay giơ cao hô vang hai chữ Sát Thát, đồng lòng cùng cả dân tộc quyết đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.
Bức phía Bắc mô tả một trận thủy chiến với quân Nguyên - Mông, một cuộc chiến vang dội trong lịch sử với chiến công hiển hách của Đức Thánh Trần.
Đến nay, tượng đài Đức Thánh Trần tồn tại hơn 40 năm được xếp hạng di tích lịch sử và trở thành một biểu tượng của vùng đất Hải Minh nói riêng và Bình Định nói chung.
< Quy Nhơn như một dải lụa vắt ngang trời, mờ ảo trong sương.
Đứng từ trên tượng đài nhìn xuống bao quát được toàn bộ làng chài Hải Minh, một vùng mây nước. Nhìn về bên kia là thành phố Quy Nhơn như một dải lụa vắt ngang trời. Phía dưới chân tượng là ngọn hải đăng Phước Mai làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu bè ra vào cảng. Đứng từ trên tượng đài, chúng ta sẽ thấy những con tàu lớn được hoa tiêu dẫn đường vào cảng Quy Nhơn.
< Chinh phục núi Đá Đen tìm dấu tích Trường Lũy.
Rời tượng Đức Thánh Trần, cả nhóm tiếp tục chinh phục núi Đá Đen (núi Tam Tòa) tìm dấu tích Trường Lũy xưa. Vượt những cung đường khúc khuỷu, bám vào vách đá, băng qua bụi rậm... chúng tôi đã đặt chân lên đỉnh núi, tìm được Trường Lũy.
< Trường Lũy đá trên đỉnh núi Đá Đen.
Lũy đá cao từ 0,6m đến 1m tùy đoạn được tạo nên bằng cách xếp chồng lên nhau những hòn đá núi vừa khít. Mặt lũy đá khá bằng phẳng, rộng 0,5m.
< Địa y trên Trường Lũy.
Theo người dân địa phương, Trường Lũy này có từ thời nhà Nguyễn, điểm bắt đầu của Trường Lũy có thể từ tượng Đức Thánh Trần trải dài qua toàn bộ đỉnh núi Đá Đen.
Đứng trên Trường Lũy không chỉ nhìn bao quát toàn bộ TP Quy Nhơn mà con bao quát được Đầm Thị Nại mênh mông bên dưới.
< Di tích Điện Tam Tòa.
Xuống núi, chúng tôi men theo mép núi đi vào Hải Minh trong thăm Điện Tam Tòa. Điện Tam Tòa giờ đây chỉ còn là phế tích nhưng người dân nơi đây thành tâm thờ cúng.
Cụ Nguyễn Đông (82 tuổi, Hải Minh trong) cho hay: “Không rõ Điện Tam Tòa thờ vị nào nhưng người dân nơi đây vẫn gọi là Dinh Bà. Tuy không còn nguyên vẹn nhưng dân trong làng thành tâm thờ cúng. Nhằm ngày rằm, ngày đầu tháng, mọi người ra đương khấn vái...”.
12 giờ đồng hồ ở Hải Minh, chúng tôi có những trải nghiệm thú vị. Ngắm biển, ghi hình, chinh phục núi cao... và đặc biệt là thấy được lòng mến khách của người dân làng chài...
< Bãi Rạng nhìn từ trên Trường Lũy.
Bất kỳ ngôi nhà nào trên bán đảo này cũng là nơi nghỉ chân nếu bạn muốn. Người dân đảo không rộng nhà, rộng cửa nhưng rộng tấm lòng đón bất kỳ ai.
Một Hải Minh không xa Quy Nhơn nhưng cách biển, ngăn sông mà trở thành khác lạ. Hải Minh trở thành điểm đến thú vị tuy nhiên vẫn còn ít người biến đến, một tiềm năng du lịch đang bỏ ngỏ.
Theo Thu Dịu (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!
Hải Minh xanh
Khám phá Làng biển Hải Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét