(QBO) - Trên Quốc lộ 1, từ Bắc vào Nam, qua khỏi cầu sông Gianh, phía bên phải có dãy núi Lệ Đệ không cao lắm nhưng "chập chùng hình tựa hổ ngồi" (Ô Châu cận lục). Dãy Lệ Đệ (còn gọi là Đệ Thê) tuy núi không cao nhưng nhiều ngọn gài nhau lô xô chạy ra biển. Những tảng núi đá cuối cùng dừng lại bên chân sóng trong vịnh Hà Não (nay gọi là Đá Nhảy).
< Đèo Lý Hòa quanh quanh uốn khúc (ngày xưa gọi là đèo Lệ Đệ).
Xưa kia, con đường thiên lý Bắc - Nam chạy dọc bờ biển, ngày nay Quốc lộ 1 thênh thang vượt đèo rồi đổ xuống cầu Lý Hòa bắc qua sông Thuận Cô (nay gọi là sông Lý Hòa). Lý Hòa - non xanh biển biếc bao gồm hai xã Thanh Trạch và Hải Trạch được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Danh thắng quốc gia theo Quyết định số 3959VH/QĐ ngày 2-12-1992.
Dãy núi Núi Lệ Đệ ở khu danh thắng là một di tích lịch sử gắn với nhiều truyền thuyết. Chuyện kể rằng, xưa kia khi đánh chiếm được Nam Chiếu, được vua Đường cử làm Tiết độ sứ quận Giao Châu (nước Việt xưa) Cao Biền đã cưỡi diều bay đến nhiều nơi để yểm bùa những vùng đất có sinh khí.
Vừa yểm bùa, Cao Biền vừa thu vét vàng bạc, sản vật quý ở các địa phương gửi về thượng quốc. Vì vậy, diều Cao Biền đi đến đâu nhân dân trong vùng căm ghét thường đuổi đánh.
Lần đó, bay từ Bắc vào Nam, Cao Biền đã thu được nhiều vàng bạc châu báu. Qua dãy Hoành Sơn, địa đầu vùng đất Nhật Nam, vàng bạc, châu báu thu vén đã nặng, Cao Biền muốn hạ cánh cất giấu số vàng bạc đã cướp được nhưng núi non hiểm trở lại bị dân các làng bắn tên nỏ tới tấp làm cho y không thể nào đáp xuống được. Vượt qua dòng Linh Giang, ở phía hạ nguồn, Cao Biền thấy trước mắt là một vùng núi điệp trùng, tuy không cao và hiểm trở nhưng nhiều suối khe rừng rậm có thể cất giấu được số vàng bạc châu báu. Dulichgo
< Phố biển Lý Hòa.
Đó là vùng núi Lệ Đệ với những dãy núi giăng dày thành dãy lan ra tận biển. Cánh diều Cao Biền hạ xuống cất giấu số của cải cướp được vào trong dãy núi hiểm trở.
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, Cao Biền đựng vàng bạc, châu báu trong những cái hũ bằng sứ, rồi phù phép đẩy sâu vào lòng núi lấy đá lấp kín lại.
Lại có truyền thuyết kể rằng, xưa kia, nơi đây rừng núi rậm rạp, cây cối nhiều tầng nhiều lớp. Trong rừng có nhiều muông thú, nhiều khe suối uốn lượn lọc qua những cồn cát trong vắt rồi hòa vào biển cả. Trong cảnh sơn thủy hữu tình, hàng năm các nàng tiên trên trời thường xuống đây quần tụ. Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069) vua Lý Thánh Tông dẫn quân chinh chiến phương Nam đến vịnh Hà Não trời quang, mây tạnh bỗng có đám mây lành bao phủ thuyền ngự.
< Đình Lý Hòa ngày nay, nơi thờ các vị thành hoàng của làng.
Nhìn lên đỉnh Lệ Đệ, thấy có nhiều tiên nữ từ thượng giới bay về cõi trần hướng ra biển Đông, vui đùa múa hát. Biết có điềm lành, vua vội lập đàn khấn vái. Sau khi đại thắng trở về nhớ lại chuyện cũ bèn cho lập chùa Hang dưới chân núi Đệ Thê để nhớ ngày Ma Cô tiên giáng, Thuyền ngự quần tụ mây lành (Theo Dự Địa chí ước biên của Cao Xuân Dục).
Chùa Hang nằm trong động núi có tên là động cửa Cửa Chùa. Tương truyền trong chùa có một bức tượng Phật Quan Âm bằng vàng do vua Lý Thánh Tông cung tiến. Trước Cách mạng 1945 Chùa Hang được giao cho xã Bồ Khê (Thanh Trạch) chăm lo việc cúng tế. Sau này do bom đạn chiến tranh Chùa Hang trở thành phế tích và ngày nay chỉ còn lại trong truyền thuyết.
< Cầu Lý Hòa.
Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh nơi đây còn lưu truyền một câu chuyện tình bi ai của nàng công chúa Ngọc Hoa và một viên tướng chúa Nguyễn. Viên tướng được chúa Nguyễn phái đi sứ ở kinh thành Thăng Long, chẳng may bị chúa Trịnh bắt giữ, mãi không thấy trở lại. Ngọc Hoa lo lắng thấp thỏm chờ đợi người thương yêu đến mỏi mòn. Nàng khăn gói lên đường, ra tận bờ sông Gianh tìm kiếm.
Chờ đợi, ngóng trông, hy vọng Ngọc Hoa xin vào một ngôi chùa quy y cửa Phật. Mặc dù đã rũ áo phong trần, nương nhờ Phật pháp, nhưng vẫn thương nhớ người yêu, mong được tái ngộ. Ngày ngày, công chúa Ngọc Hoa lên sườn núi Đá Mài trong dãy Lệ Đệ ngóng về phương Bắc gửi theo gió nỗi lòng cô đơn, buồn tủi. Nước mắt nàng chảy thành Suối Ngọc dưới chân núi Đá Mài không bao giờ cạn như mối tình chung thủy sắt son sống mãi cùng năm tháng.
Không chỉ là truyền thuyết, vùng đất Lý Hòa còn là "dư khí của núi Lệ Đệ rủ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao mở rộng, dân cư ở ngang bãi trông về hướng Nam, duôi bãi từ bên tả ôm lấy, sông Thuận Cô từ bên hữu chảy lại làm tiền đường, một dải cồn cát Thuận Cô làm án cho nên nhân dân thịnh vượng đến hơn nghìn người" (Phủ biên tạp lục). Lịch sử hơn 300 năm khai canh lập làng của người dân Lý Hòa luôn gắn liền với nghề đánh cá biển và buôn bán.
Theo Lê Quý Đôn , dân Lý Hòa thời các chúa Nguyễn đã có "tục quen mua bán, bình thời vào Gia Định đóng thuyền nan lớn đến trăm chiếc, mỗi chiếc đến hơn nghìn quan, đem về bán lại". Không chỉ có vậy, Lý Hòa là làng văn hiến nhiều người đỗ đạt, làm quan.
Đặc biệt có gia đình ông cha, con cháu đều đỗ đại khoa. Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần (sau đổi tên là Huân) trúng cử nhân khoa Tân Sửu (1841), Ân khoa năm Nhâm Dần (1842) được sắc ban Tiến sĩ, phong hàm Thị giảng học sĩ, giữ chức Giáo tập học đường phủ Tôn Nhân là thân phụ của cử nhân Nguyễn Duy Miễn. Phó bảng Nguyễn Duy Thắng, cháu nội Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, con trai Cử nhân Nguyễn Duy Miễn trúng cử khoa Mậu Tuất (1898) giữ chức Chưởng ấn ở kinh kỳ.
< Đá nhảy ở Lý Hòa.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tích, em trai Nguyễn Duy Thắng trúng Cử nhân khoa Canh Tý (1900), khoa Tân Sửu (1901) sắc ban Tiến sĩ, giữ chức Tham tri bộ Binh. Tiến sĩ Nguyễn Duy Phiên, em trai Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Duy Tích trúng Cử nhân khoa Quý Mão (1903), khoa Đinh Mùi (1907) sắc ban Tiến sĩ giữ chức Tá lý bộ Học. Phó bảng Nguyễn Duy Thiệu em trai Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Duy Tích, Nguyễn Duy Phiên, trúng cử khoa Canh Tuất (1910) được phong hàm Thừa chỉ.
Đến với Lý Hòa hôm nay không chỉ đến với một Danh thắng Quốc gia - non xanh biển biếc mà còn đến với một vùng đất năng động, ngày một phát triển trong quá trình đổi mới vì quê hương giàu đẹp.
Theo Phan Viết Dũng (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!
Lý Hòa: đèo và Đá Nhảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét