Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Chùa Bửu Minh - Gia Lai

(BGL) - Cách trung tâm TP. Pleiku hơn 15km về phía Bắc, chùa Bửu Minh (còn được gọi là chùa Biển Hồ Trà - thuộc hệ phái Bắc tông) tọa lạc tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), là một trong những ngôi chùa ra đời sớm ở Gia Lai.

Đầu thế kỷ XX, tại khu vực Biển Hồ: cư dân từ đồng bằng lên lập ngôi làng mang tên “Xóm Cỏ May”. Từ nhu cầu tín ngưỡng của nhiều người, một nơi thờ tự có tên “Sơn Hải Miếu” - tiền thân của chùa Bửu Minh được thành lập. Đến năm 1936, chùa được xây dựng lần đầu với tên gọi là “Chùa Phật Học”, sau đó ngôi chùa tiếp tục được trùng tu và chính thức mang tên là Bửu Minh từ năm 1961 đến nay.

Mặt tiền của chùa hướng Tây, nhìn về Biển Hồ nước, phía sau là Tiên Sơn. Đây chính là vị trí địa lý và phong thủy hài hòa cho sự ra đời của ngôi chùa. Trong gần một thế kỷ, chùa Bửu Minh trải qua 5 lần thay đổi thầy trụ trì, từ năm 1989 đến nay là Thượng tọa Thích Giác Tâm (Thầy Giác Tâm).

Để đáp ứng nhu cầu về chùa lễ phật và tu học ngày càng đông của bà con phật tử xa gần, thầy trụ trì đã dành hết tâm huyết để thực hiện việc đại trùng tu và xây dựng mới ngôi chùa với quy mô kiến trúc kiên cố. Trước khi bắt tay vào xây dựng, thầy đã có hơn 10 năm dày công nghiên cứu tìm hiểu nhiều loại hình kiến trúc chùa ở các vùng miền trong nước nhất là chùa cổ còn tồn tại ở miền Bắc và miền Trung nước ta, cũng như một số kiến trúc chùa tiêu biểu của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc để rút ra ý tưởng cho công trình này.

Thầy còn tự tay dùng gỗ phác thảo mô hình ngôi chùa sắp xây dựng, sau đó thầy cùng với kiến trúc sư thực hiện bản vẽ thiết kế, đến cuối năm 2003 thì hoàn tất công việc chuẩn bị và bắt đầu khởi công xây dựng. Thầy Giác Tâm còn cất công đi tìm mời thợ giỏi từ Thừa Thiên-Huế và Bình Định về làm.

Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc gỗ, với mô típ chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung nước ta cùng kiểu dáng chùa Nhật Bản và Đài Loan. Nét riêng của chùa Bửu Minh là chỉ có một đòn dông duy nhất, với một mái trước và một mái sau dốc đến 45 độ, tạo dáng cao vút và thanh thoát như mái nhà rông Tây Nguyên.

Riêng mái sau được thiết kế mang tính đột phá hơn bởi có phần tháp ngay chính giữa tâm mái, tạo một không gian chung bên trong tháp và chánh điện. Với chiều cao từ nền chánh điện đến đỉnh tháp hơn 47 mét, giới am hiểu kiến trúc cho rằng: Nếu xem đỉnh tháp vừa là đỉnh mái chùa, thì chùa Bửu Minh nằm trong tốp những ngôi chùa có đỉnh mái cao ở Việt Nam.

Thân của tháp được thiết kế theo hình vuông đều nhau ở 3 tầng chính với đường kính hơn 3 mét, ngọn tháp cũng có các chi tiết chạm khắc sắc sảo. Các góc mái của 3 tầng tháp có gắn kết những con rồng uyển chuyển. Khi đứng xa chừng vài km nhìn về hướng chùa, hòa quyện trong không gian với đồi chè xanh ngắt và con đường có những hàng thông gần trăm tuổi, chùa Bửu Minh hiện ra vững chãi với dáng đứng uy nghi và hoành tráng, mang phong cách vừa cổ kính và hiện đại, trông hơi giống chùa Nhật Bản.

Nhờ kết cấu hệ thống trụ, dầm, vì kèo… chắc chắn, làm điểm tựa cho mái và các phần chi tiết cách điệu của công trình. Phần cong tại các góc mái vươn dài ra hơn 3 mét, được gắn kết hình cá rồng theo mô típ của chùa Một Cột và đầu rồng theo mô típ chùa Tây Phương ở Hà Nội.

Chánh điện rộng 520 m2 nền vách được phối bởi màu sắc phù hợp, tạo cảm giác ấm cúng và sự trang nghiêm khi vào lễ Phật. Trung tâm của chánh điện là tượng Phật Thích Ca ngồi (bằng đá trắng cao 3 mét). Vách sau lưng tượng được thiết kế một con rồng uốn mình vươn lên, miệng ngậm chiếc “bảo cái” (như lộng che) trên đầu Phật.

Trong chánh điện còn một số tượng khác như Phật A Di Đà và Quán Thế Âm, cùng các vị bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng... Riêng tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, do các nghệ nhân làng Sơn Đồng-Hà Tây (cũ) làm từ gỗ mít rất sắc sảo, ngoài nhũ vàng. Đây là pho tượng được tái tạo theo mẫu ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).

Đứng bên ngoài nhìn vào chùa, hai bên tam cấp dẫn vào chánh điện là cặp  rồng (trong thế rồng chầu) dài hơn 8 mét và cao 2,5 mét. Góc sân trái có đặt tượng Quán Thế Âm lộ thiên cao hơn 3 mét đứng trên đài sen, nhưng điểm độc đáo là phía sau tượng có đúc một chiếc lục bình cao gần 8 mét với 5 hoa sen. Bên phải sân chùa có tượng Thích Ca lộ thiên cao hơn 3 mét trong thế ngồi thiền, cùng pho tượng Thích Ca ở thế nằm (dài 11 mét) với gương mặt thanh thản tự tại. Đây là 2 công trình nghệ thuật do chính tay Thầy Giác Tâm và một số thợ cùng làm trong nhiều năm.

Thầy cho rằng: “Đúc tạc tượng sao cho đẹp đã là một nghệ thuật vô cùng khó, nhưng làm sao cho tượng phải có hồn mới là khó hơn nhiều”. Không gian sân chùa còn được cách điệu bởi những ngôi tháp nhỏ đặt nối tiếp nhau (biểu tượng của tháp chùa Đông Nam Á), cùng với chiếc cầu (dài hơn 4 mét) dẫn vào nơi đặt tượng Phật nằm, là nhịp cầu ý nghĩa kết nối giữa đời sống nhân loại với tính nhân bản về từ bi và trí tuệ của đạo Phật, giữa cõi trần thế với sự hướng thiện để đạt được an lạc và hạnh phúc… Sân chùa còn có các trụ đèn lớn nhỏ, đúc theo kiểu dáng Hàn Quốc.

Riêng cổng tam quan đang tiếp tục hoàn thiện theo mô hình “Hiển Lâm Cát” của Đại nội Huế, có 5 mái (tượng trưng cho ngũ phước) với 3 lối vào tượng trưng cho “tam bảo” (phật, pháp, tăng). Ngoài ra, tại chùa vẫn còn 4 cây sứ gần 100 năm tuổi và di tích ngôi “Sơn Hải Miếu” vẫn vẹn nguyên những pho tượng cổ từ buổi sơ khai của ngôi chùa.

Với những dấu ấn mang phong cách riêng, kiến trúc chùa Bửu Minh chính là sự tái tạo và phát triển có chọn lọc những giá trị văn hóa vật thể, góp phần điểm tô và khắc họa phong phú vào quần thể kiến trúc tôn giáo tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Theo Thanh Nhật (Báo Gia Lai)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét