(BBĐ - “Sông Côn như một đường quyền phóng túng”- tôi chợt nhớ câu thơ ấy khi trên con đường men theo sông Côn, từ trung tâm xã Vĩnh Sơn xuống làng K4 tìm gặp người anh hùng Đinh A Troi, người ba lần bắn rơi máy bay Mỹ. Phải chăng, cái khí chất hào sảng, mạnh mẽ mà chân chất ấy của dòng Sông Côn, của núi rừng Vĩnh Thạnh đã hun đúc nên trong con người thượng nguồn những phẩm chất anh hùng đến vậy?...
Kỳ 5: Chuyện một anh hùng ba lần bắn rơi máy bay Mỹ
Đinh A Troi (bí danh Nguyễn Hồng Sang) là chiến sĩ của đơn vị B8K90, thuộc lực lượng An ninh Vũ trang Nhân dân tỉnh. Ban đầu, ông được tổ chức phân công vào lực lượng bảo vệ đồng chí Nguyễn Trung Tín (lãnh đạo Tỉnh uỷ). Sau đó, vì là người địa phương, thông thạo địa hình vùng đồi núi Vĩnh Thạnh, nên ông được tổ chức điều động về làm việc tại đội bảo vệ kho hàng Vĩnh Kim.
Cuối tháng 9 năm 1969, chiến sự tại mặt trận vùng núi Vĩnh Thạnh vô cùng ác liệt. Quân đội Mỹ liên tục dùng máy bay và trực thăng rà soát, tìm kiếm và tiêu diệt các căn cứ của ta ở đây.
Vào thời điểm đó, Đinh A Troi cùng các đồng đội được phân công bảo vệ kho hàng ở làng K93 (xã Vĩnh Kim). Nhóm của ông gồm sáu người. Trong đó, Đinh A Troi và Đinh Lâm là hai chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, bốn người có nhiệm vụ giữ kho là Đinh Hớn, Đinh Tâm, Đinh Của, Đinh Lân. Một buổi chiều, máy bay Mỹ đột kích, bắn phá kho hàng. Đinh A Troi và Đinh Lâm vừa chỉ huy dân quân, du kích di chuyển chỗ ở, vừa bảo vệ hàng hoá. Đinh A Troi phải chuyển một thùng hàng nặng khoảng 80kg ra khỏi kho.
< Anh hùng Đinh A Troi (thứ hai từ trái qua) và đồng đội tại Hội nghị Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc năm 1998.
Giữa lúc đó, một chiếc HU1A rà thấp, bắn xối xả vào nhóm của A Troi. Đinh Lâm trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Đinh A Troi giấu thùng hàng, vọt ra ngoài, dùng AK bắn một loạt ba viên, chiếc HU1A trúng đạn, bốc cháy, lảo đảo rồi rơi xuống khu vực Croi Da, làng K93.
Trận chiến ấy, Đinh A Troi đã lập công lớn, không những bảo vệ được tài sản Quốc gia (một tháng sau A Troi mới biết thùng hàng 80kg mình bảo vệ đựng toàn vàng), mà còn bắn rơi máy bay Mỹ. Ngay sau đó, ông được phong danh hiệu Dũng sĩ Bắn máy bay và được thưởng 20 hào.
Một tháng sau, trong một lần vào rừng tìm rau tàu bay để cải thiện, A Troi lại đụng độ với máy bay Mỹ. Lần này, một chiếc “tàu rọ” hạ thấp xuống, đuổi theo A Troi, định bắt sống ông. Nhưng A Troi vừa chạy một quãng đã quay ngược lại, dùng khẩu AR15 bắn tới tấp vào máy bay Mỹ. Chiếc “tàu rọ” nổ tung, rơi tại Tơ Kơi Klah, thuộc địa phận làng K91 (xã Vĩnh Kim).
Trước đó một năm, tại làng K7, xã Vĩnh Kim, Đinh A Troi và hai đồng đội là Đinh Kray và Đinh Đuôn (đều thuộc Lực lượng An ninh Vũ trang huyện Vĩnh Thạnh) cũng đụng độ với một chiếc HU1A. Tại chiến trường, sau khi nhiều lính Mỹ bị tiêu diệt, chiếc HU1A này hạ xuống trận địa, định mang xác lính Mỹ đi. Nấp tại một gò đất, ba người nhanh chóng phân công nhau, mỗi người nhắm một phần máy bay, đồng loạt nổ súng. Chiếc HU1A trúng đạn, vội bay đi, nhưng chỉ một phút sau đã rơi xuống, nổ tung trong tiếng hoan hô dậy trời của bà con trong vùng. Sau chiến tích ấy, ba người anh hùng được người dân mời một bữa cơm ngon, dù lúc ấy, người dân vẫn ăn toàn củ mì, có cháo ăn đã là quý lắm…
Đời thường của một anh hùng
Gặp Đinh A Troi lúc ông vừa tham gia xong cuộc họp Chi bộ thôn K4, xã Vĩnh Sơn, ông dẫn chúng tôi về nhà. Như bao ngôi nhà của người Bana ở Vĩnh Sơn, phía trước là một nhà ngói nhỏ, nhưng mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn nhà sàn phía sau.
< Ngày ngày, người “dũng sĩ diệt máy bay” ấy vẫn tất bật với công việc của nhà nông.
Đinh A Troi có 6 con, ba cô con gái đều đã có gia đình riêng, anh con trai đầu là y sĩ, một người con đang học lớp 11 Trường Dân tộc Nội trú Tỉnh, đứa con út đang học ở một trường tiểu học gần nhà. Vợ ông, bà Đinh Thị Preh, cũng từng là du kích, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3. Gia tài nhà ông là 6 sào ruộng, 5 con bò và 2 trâu, một ao cá nho nhỏ. Ngày ngày, hai vợ chồng quần quật với công việc của nhà nông. Hằng tháng, ông được nhận 1,258 triệu trợ cấp bệnh binh, 476 ngàn đồng tiền chế độ cho Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tuy vậy, cuộc sống của gia đình vẫn còn gặp không ít khó khăn… Ông A Troi bảo, ông đang làm hồ sơ để được hỗ trợ chế độ thương binh, hy vọng là cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn.
Mời khách vào nhà, ông trải chiếu ra giữa nhà, tỉ mẩn mở một chiếc hộp kín, lấy ra gói trà, nhón một ít bỏ vào cái bình cũ. Ông bảo, đó là quà của một thủ trưởng cũ tặng, chỉ khi có khách quý, ông mới đem ra mời. Người anh hùng linh hoạt, nhanh nhẹn trong chiến đấu ngày xưa, giờ lóng ngóng, lật đật, thấy thương vô cùng…
< Đeo những tấm huy chương, để nhớ về một thời oanh liệt…
Ông kể say sưa về thời oanh liệt của mình, mỗi trận chiến, mỗi trận địa đều in đậm trong ký ức của ông. Ký ức tưởng chừng đã ngủ yên trong lòng người lính già, bỗng trở dậy, vẹn nguyên, thao thức… Ông đọc tên những đồng đội đã hy sinh, những người đã nằm lại nơi chiến trường, với mảnh đất quê hương. Và đêm đêm, con sông Côn vẫn êm đềm ru giấc ngủ cho họ.
Ông hối vợ làm thịt con chồn hôi vừa mới bẫy được làm mồi nhắm. Ông bảo ông không uống được rượu cần, nhưng vẫn muốn đãi chúng tôi ché rượu của người Bana. Đĩa thịt chồn nướng vội, ché rượu cần mới ủ, chúng tôi ngồi lại và nghe quá khứ hào hùng vọng về…
Dẫn chúng tôi lên nhà trên, ông gỡ tấm ảnh cũ xuống. Những tấm ảnh phai màu, bụi bám đầy. Có tấm ảnh chụp đã lâu, không ép nhựa nên đã loang lổ. Ông chỉ cho chúng tôi ảnh chụp ở Hà Nội, lần ông dự Hội nghị Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc năm 1998, ảnh chụp với đồng đội cũ… Tôi ngỏ ý mượn mấy tấm ảnh, ông nhắc: “Nhớ trả nghe, mấy tấm ảnh này mình quý lắm đấy. Nó là kỷ vật gắn với cả cuộc đời mình”…
Chúng tôi chia tay A Troi khi nắng chiều vừa tắt, mây vần vũ, mấy hạt mưa rừng lất phất bay. Và trong mưa dòng sông Côn như sáng lên…mở một đường quyền phóng túng về xuôi… Cứ thế, chảy đi, sông ơi…
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12
Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét