Nằm tận cuối đất Hà Giang, từ huyện Xín Mần, phải đi qua đất Lào Cai hơn chục mét rồi ngược lên đỉnh núi mới đến được miệng hang Thiên Thủy, người địa phương gọi là hang Hoa Đá. Hang thuộc xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Từ đầu lối đi nhỏ dẫn lên hang Thiên Thủy có một khối đá nhô lên từ lòng đất trông như đầu rùa. Người dân địa phương từ lâu đã buộc vào đó sợi vải đỏ, đánh dấu như là linh vật, là vật thiêng để tổ chức cúng thần vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hằng năm.
Người già kể với tôi, hôm đấy người Mông trong vùng mang lợn to khoảng 50-60 kg lên đến trước đầu rùa để làm lễ. Thầy cúng sẽ xin các vị thần trên núi cho mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, con người khỏe mạnh. Lễ xong bà con mang khèn ra thổi, vật lợn nấu thắng cố. Xóm có bao nhiêu nhà, nhà có bao nhiêu người cứ đúng hôm 20 tháng giêng là đưa nhau ra mỏm đá, ăn uống, cười nói với nhau như ngày hội.
Cũng bởi có kiêng, có sự tôn trọng thần linh nên hang Hoa Đá đến nay vẫn được người địa phương gìn giữ cẩn thận như bảo vệ ngôi nhà của các vị thần. Nhờ đó, hệ thống thạch nhũ đặc trưng của núi đá vôi chưa hề bị xâm hại bởi con người.
Trở lại hành trình lên hang Thiên Thủy, từ mỏm đá đầu rùa phải đi men theo lối mòn chạy giữa nương ngô, có những lúc phải lom khom đi qua bờ ruộng bậc thang, trèo qua vài khối đá tai mèo sắc nhọn mới lên được đỉnh núi có miệng hang.
Lối vào hang Thiên Thủy không to, rộng như lối vào động Phong Nha (Quảng Bình). Nó chỉ là một hốc đá đủ cho con người chui lọt. Tuy nhiên, phía lòng hang và lối ra ở bên kia quả núi sẽ rộng hơn. Dulichgo
Khảo tả của các đoàn khảo sát cho thấy hang có chiều dài chưa đến 350 km, nơi rộng nhất 33m, nơi hẹp nhất là 4m, chiều cao từ nền hang đến trần chỗ cao nhất là 23m. Hệ thống giao thông trong hang như chiếc xương cá. Có một lối đi chính, đủ nhỏ đi vắt qua khi thì trên nền hang, khi thì lội qua nước, khi bám trên thành hang.
Trong hang có nhiều khối thạch nhũ đồ sộ, với nhiều kích thước, hình dáng khác nhau dễ làm người khám phá liên tưởng đến những con vật khổng lồ, hoặc những hình tượng ông tiên, ông phật trong cổ tích. Lòng hang có một hồ nước cạn, chỉ sâu đến đầu gối chân đủ để mọi người ngâm chân, hưởng thụ sự mát lạnh của nước khe đá.
Với vẻ đẹp hoang sơ, có giá trị về mặt thẩm mỹ, hang Thiên Thủy mới đây đã được Chính phủ đưa vào danh mục danh thắng quốc gia cùng với di sản văn hóa phi vật thể Tết khu cù tê của dân tộc La Chí, xã Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Tết khu cù tê là một di sản văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng dân tộc La Chí. Tết này là dịp để những người trong dòng họ gặp nhau, đến ngày Tết, dù ở xa đến đâu người dân cũng quay về sum họp với gia đình, dòng tộc của mình, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, nhớ ơn tổ tiên, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy mà Tết này được cộng dồng dân tộc La Chí lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Theo An Ninh Hải Phòng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét