(VTC) - Không hào nhoáng, bóng bẩy như Peugeot hay Super Cub 50 nhưng “xe chở lợn” Minsk nửa thế kỷ vẫn chạy tốt.
“Xe chở lợn” huyền thoại
Thời bao cấp, thị trường xe Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nhiều “huyền thoại” như Super Cub 50, Simson hay xe đạp Peugeot. Đa phần, các loại xe này đều bóng bẩy, sang trọng và có sức cuốn hút riêng từ ngoại hình. Minsk là trường hợp ngoại lệ. Minsk không bóng bẩy như Peugeot, không tiết kiệm xăng như Super Cub 50. Thế nhưng Minsk lại rất được lòng người dân Việt. Vì thế, Minsk sớm ghi tên mình vào danh sách các “huyền thoại xe cộ” thời bao cấp.
Minsk ra đời lần đầu tiên vào năm 1951 và xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 1960 khi xe theo chân các chuyên gia Liên Xô tới Việt Nam làm việc. Minsk là tên thủ đô của Belarus. Minsk sản xuất cả xe đạp và xe máy nhưng tại Việt Nam, xe máy Minsk được biết đến nhiều hơn.
Cũng như các “huyền thoại” Super Cub, Simson, Minsk tới Việt Nam chủ yếu qua đường “xách tay”. Những người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa gửi Minsk về cho người thân trong nước. Cuối thập niên 60 và đầu thập niên của thế kỷ trước, Minsk xuất hiện trên đường phố Việt Nam với số lượng khiêm tốn.
Phải đến những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phong trào học tập, làm việc của người Việt Nam tại các nước Đông Âu lên cao khiến số lượng xe Minsk về nước ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, xe còn được “nhập khẩu” vào Việt Nam theo con đường viện trợ quân sự của Liên Xô.
Minsk được nhớ nhiều với cái tên phiên âm “Min khờ”. Xe có rất nhiều yếu điểm như tiếng nổ to bạch bạch, phun khói khắp đường di. Dáng xe thô kệch, không sang trọng, thanh lịch nên không được người thành phố ưa chuộng.
Tuy nhiên, xe rất khỏe, vận chuyển được nhiều đồ vật với trọng lượng lớn. Một chiếc xe có thể chở được 6-7 người hoặc vài tạ lợn. Ngoài ra, xe có bánh to, gầm cao, phù hợp với nhiều địa hình, đặc biệt là các vùng đất gồ ghề, khúc khuỷa. Vì thế, Minsk được ưa chuộng tại miền núi, đặc biệt là các tỉnh vùng cao phía Bắc.
Nếu xe đạp Peugeot có “đặc quyền” chở những thiếu nữ Hà thành lịch thiệp, rạng ngời thì xe Minsk có nhiệm vụ quan trọng nhất là chở hàng hóa, trong đó có…. con lợn. Cộng với hình dáng thô kệch, Minsk được gắn cho cái tên không mấy mỹ miều, "xe chở lợn".
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, ưu điểm lớn nhất của Minsk chính là giá rẻ. Nếu Super Cub 50 được tính bằng đơn vị cây vàng thì chỉ cần vài chỉ vàng là người dân đã có thể mua về một chiếc để… chở lợn. Thế nên từ những năm 80 của thế kỷ trước, xe Minsk xuất hiện khá nhiều trên đường phố Việt Nam.
“Huyền thoại” của dân phượt
Ngày nay, rất nhiều dòng xe máy mới ra đời với nhiều hình dáng và chức năng vượt trội. Cũng giống như Super Cub 50 hay Simson, Minsk không còn được đại bộ phận người dân lựa chọn. Thay vào đó, những dòng xe phổ thông của Honda, Yamaha hay Piaggio tràn ngập đường phố. Dulichgo
Có thể, Minsk bị gạt ra khỏi cuộc sống thường nhật đầy vội vã của người dân nhưng nó không bị đẩy lùi vào quên lãng. Khi phong trào phượt lên cao, Minsk lại trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người ưa mạo hiểm, thích trèo đèo lội suối.
Không chỉ đồng hành cùng dân phượt trên các cung đường nguy hiểm, Minsk còn xuất hiện trong các cuộc giao dịch của những người yêu xe. Khác với Super Cub 50, Minsk được bán với mức giá khá bèo. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể trở thành chủ mới của “huyền thoại rắc rối này”.
Nói Minsk rắc rối là vì Minsk rất hay hỏng hóc. Không ít người nhiều lần phàn nàn khi phải dắt bộ vài cây số vì xe đột ngộ giở chứng. Xe hỏng trên phố đã khổ, xe hỏng ở đường rừng núi heo hút càng khổ hơn. Ấy thế mà những người yêu xe yêu xe vẫn chung thủy với Minsk dù bị “hành” thường xuyên.
Những người yêu xe Minsk tập hợp lại thành từng nhóm và lập nên các câu lạc bộ Minsk. Các câu lạc bộ Minsk hoạt động rất sôi nổi. Nhiều sự kiện được tổ chức để các thành viên thể hiện tình yêu với “huyền thoại rắc rối” này cũng như chia sẻ các “bài thuốc” trị bệnh cho Minsk.
Nhận thấy nửa thế kỷ trôi qua, Minsk vẫn chạy tốt, vẫn được “tín đồ xe hai bánh” yêu thích nên đầu năm nay, nhà sản xuất tung ra hai mẫu mới. Những mẫu xe này vẫn có thiết kế hầm hồ gắn liền với những cung đường hiểm trở vùng biên giới.
Dù các sản phẩm mới không thể giúp Minsk lấy lại được danh tiếng lẫy lừng thuở xưa nhưng rõ ràng, với những ai yêu “huyền thoại rắc rối”, sự tái sinh của một huyền thoại cũng mang lại niềm vui lớn.
Theo Bảo Linh (VTC News)
Du lịch, GO!
Những cô nàng... mê xe Minsk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét