Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Kỳ lạ tổ mối khổng lồ được làng bảo vệ

Theo các cao niên làng Khiêng (xã Hạ Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) kể lại, tổ mối có từ rất lâu rồi, khi nhỏ các cụ đã được nghe ông bà kể lại và khuyên răn phải bảo vệ, thành kính và không được mạo phạm tới tổ mối, nếu có thái độ bất kính tới tổ mối thì sẽ bị thần linh trách phạt.

< Ông Trương Văn Tý - trưởng thôn làng Khiêng - dẫn phóng viên tới tổ mối hơn trăm tuổi.

Ngày trước, tổ mối cao tận 4m chạm vách đá, đường kính nhiều người ôm mới xuể, nhưng từ khi có đoàn khảo cổ về khai quật, chim muông bay đi hết, tổ mối cũng sụt dần, giờ chỉ còn khoảng 2m…

Lời kể của già làng về tổ mối hơn trăm tuổi

Trong chuyến công tác tại huyện miền núi Bá Thước, một huyện phía Tây của xứ Thanh, đi qua địa phận di tích Mái Đá Điều (di tích văn hoá cấp tỉnh) thuộc xã Hạ Trung, huyện Bá Thước, chúng tôi không khỏi tò mò, ngạc nhiên trước sự hiện hữu của một tổ mối khổng lồ có hình thù như phần đầu của một con voi. Chiều cao của tổ mối hơn 2m, đường kính khoảng 3 người ôm, có nhiều lỗ hốc kỳ lạ, phía trên tổ mối là phiến đá vôi hình dạng của một con cá, phía sau là một ban thờ, cùng nhiều hòn đá kỳ dị được bày biện… Một người dân nơi đây cho biết, “các anh nên đến nhà cụ Háp cao niên của làng Khiêng để hỏi, chúng tôi sinh ra thì tổ mối đã có rồi. Cũng chớ có mạo phạm vì tổ mối được cả làng bảo vệ và rất linh thiêng!”.

< Cụ Háp (trái) kể về sự linh thiêng của tổ mối.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới nhà cụ Trương Văn Háp (83 tuổi), trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn được dựng trên một khu đất cao, cây cối um tùm, yên ắng. Từ khung cửa sổ nhà sàn, cụ Háp ngó đầu ra rồi nhanh nhẹn mời khách lên nhà uống nước. Căn nhà rộng rãi được bày biện giản dị, góc trái để chăn màn và đôi chiếu là nơi cụ Háp và mấy đứa cháu nghỉ ngơi, bên phải là chiếc chiếu và đôi chăn gối của vợ chồng anh con cả. Chính giữa nhà là một chiếc tủ dài (thay cho vị trí bếp lửa thường thấy ở các nhà sàn người Thái), hóa ra khu bếp núc đã được gia đình cụ tách riêng để vệ sinh và giữ gìn căn nhà không bị tro bụi bám bẩn…

Thấy chúng tôi tò mò quan sát, cụ bảo cách bố trí đồ vật, vật dụng trong nhà sàn giờ khác trước nhiều rồi. Người Thái, người Mường, người Kinh sống xen lẫn nên văn hoá cũng bị ảnh hưởng, pha trộn của nhau. Cười vồn vã, cụ mời chúng tôi uống cốc nước chè (thứ lá do chính tay cụ hái và hãm, rất tốt cho sức khoẻ). Rồi không để khách chờ lâu, cụ Háp lý giải cho chúng tôi nghe về tổ mối linh thiêng được cả làng bảo vệ.

“Muốn nắm rõ về tổ mối thì phải hiểu rõ văn hoá làng Khiêng”, cụ nói. Hớp ngụm trà nóng cụ kể, ngày trước nghe ông bà kể lại, làng Khiêng hễ có công việc gì như ma chay, cưới hỏi, cúng bái thần linh là người dân trong làng không được sử dụng những hình thức như mang vác, bưng bê lễ vật mà chỉ được phép “khiêng”, điều đó nói lên sự đoàn kết của người dân trong làng. Theo cha ông kể lại, ở phía dưới tổ mối có chôn cất một con voi đá, người dân làng Khiêng đã khiêng tới đó chôn rồi thờ cúng. Về sau, tổ mối hình thành và cứ ùn ùn mọc lên, mang hình thù đầu một con voi. Cũng từ tục lệ “khiêng” đó mà ngôi làng có tên gọi như bây giờ.

Theo cụ Háp, cụ cũng không biết tổ mối hiện đang tồn tại có từ bao giờ vì kể từ khi còn nhỏ cụ đã được nghe cha mẹ, ông bà kể lại và dạy rằng, mỗi khi đi chăn trâu gần Mái Đá Điều, tuyệt đối không được mạo phạm đến tổ mối, bất kính hay nghịch phá, hễ ai đi qua, bất kể người trong làng hay từ nơi khác đến, cũng phải nghiêng nón cúi chào. “Từ thời phong kiến, tại hang Điều này, bọn thống lý, bọn lang đạo… thường hay tụ tập bài bạc, đàn đúm nhưng không một kẻ nào dám mạo phạm tới tổ mối”, cụ Háp cho biết thêm.

Hàng năm, vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, nhân dân xã Hạ Trung tổ chức lễ hội tái hiện lại những trò chơi dân gian, diễn xướng… nhằm tỏ lòng thành kính với các bậc thần linh và cũng là cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi.

Là nơi phát hiện nhiều ngôi mộ cổ

Cụ Háp cho biết, khu di tích Mái Đá Điều với tổ mối hơn trăm tuổi cũng là nơi các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều ngôi mộ cổ với những bộ xương người, xương động vật và công cụ thời đồ đá. Khó hiểu trước những hiện tượng kỳ lạ tại tổ mối, ông Trương Văn Hiên - Bí thư chi bộ làng Khiêng - cho biết: Kể từ sau khi các đoàn khảo cổ học về khai quật, từ một vùng cây cối um tùm với nhiều muông thú, sau khi phát quang, khai quật, chim chóc, động vật nơi đây biến mất không còn xuất hiện. Riêng tổ mối cũng thay đổi, từ một tổ mối khổng lồ cao hơn 4m chạm Mái Đá Điều bỗng bị sụt dần xuống, nay chỉ còn hơn 2m. “Nhiều lần, các nhà khảo cổ học về cũng có ý định khai quật phía dưới tổ mối để xem thực hư truyền thuyết chôn tượng voi tại đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tới tâm linh cũng như không được sự đồng tình của người dân làng Khiêng khi mạo phạm đến di tích nên vẫn giữ nguyên trạng cho tới ngày nay”, ông Hiên cho biết thêm.

< Di tích khảo cổ học Mái Đá Điều.

Trao đổi với ông Lê Hùng Chúc -Trưởng phòng Văn hoá huyện Bá Thước - về khu di tích Mái Đá Điều, ông Chúc cho biết, di tích được phát hiện vào một ngày tháng 5.1984. Ông Trương Ngọc Cơ (làng Chiềng Ai, xã Hạ Trung) một lần vào tránh nắng đã nhặt được đồ vật giống như chiếc hài của người con gái và một vật giống như nửa quả tim con người. Lấy làm lạ, ông Cơ đã viết thư cho Viện khảo cổ học Việt Nam.

Đến năm 1986, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Bungari đã tiến hành thăm dò khai quật 2 hố có diện tích rộng 24m, tầng văn hoá dày 3.5m. Dấu tích tìm thấy bao gồm: 2.082 di vật bằng đá; 664 mảnh xương động vật có xương sống; 285 càng cua, 6.165 vỏ trai ốc, 16 mộ táng (hài cốt người). “Từ năm 1984 đến nay, các đoàn khảo cổ học thuộc Viện Nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam và thế giới đã tiến hành khai quật 3 lần, lần mới nhất vào tháng 6.2014. Hiện nay, 2 hộp sọ này đang được trưng bày tại Viện Khảo cổ học và được đánh giá là một trong những di chỉ quan trọng để nghiên cứu về cổ nhân học”, ông Chúc cho biết thêm.

Hiện tổ mối nằm trong khu vực di tích Mái Đá Điều tọa lạc giữa một bên là núi đá và một bên là cánh đồng nơi có hang Trâu, hang Lắn. Đặc biệt, nơi đây đồng bào dân tộc Mường vẫn giữ được mái nhà truyền thống và nghề dệt thổ cẩm, cảnh vật xung quanh hùng vĩ, nên thơ, nếu khai thác tốt sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, hiện nay di tích cũng như tổ mối linh thiêng vẫn chưa được chú trọng bảo vệ, cỏ dại mọc um tùm, xung quanh di tích và khu tổ mối chỉ được bảo vệ bằng hàng rào tre, luồng sơ sài.

Theo Đình Giang (Báo Lao Động)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét