(VOV4) - Bạn có thể đi xe máy vượt qua những đoạn rừng hoang vu, gió núi mát lành... Bạn có thể trèo lên đồi A Bia – Đồi Thịt Băm (Hamburger Hill - theo cách gọi của lính Mỹ), đi tìm chứng tích làm nên tên gọi khủng khiếp của ngọn đồi này...
6h chiều. Thung lũng dịu, gió reo lật phật những tán cây. Nắng vẫn lộng lẫy trên sườn núi. Nắng cuối ngày đã dịu hơn mà vẫn đủ chói làm người ta phải nheo mắt. Và đêm sẽ buông chậm rãi. Thung lũng hẹp giữa hai dãy núi có tên gọi A Lưới vào đêm như một cô gái nhà lành mảnh dẻ của mùa thu, với sương se se, sao chiu chít trên đầu mà không lấp lánh, bầu khí đêm dày nên nhìn mảnh trăng treo phía núi đen thẫm xa xa cứ mờ mờ ảo ảo.
Người A Lưới chậm rãi sống.
Dọc phố sẽ rất nhiều hàng ăn, và đều đông khách. Biển hàng sẽ treo món sáng, món chiều. Sáng là bún bò, là phở, thì chiều là cháo, là bánh canh, là bún thịt nướng, bánh ướt, nem lụi...
Thong thả ngồi ngay vỉa hè của con đường Hồ Chí Minh chạy xuyên thị trấn uống ly nước mía thơm thơm mùi quất, thấy một A Lưới vừa vội vã vừa chậm rãi. Chậm rãi với mấy cô gái thong thả ăn hàng. Vội vàng với những chiếc xe khách lao qua để lại vệt khói xăng cay xè mũi, và những chiếc xe gắn máy của những người nôn nóng về nhà trước khi mảnh nắng cuối cùng trên chóp núi kia tàn hẳn.
Bà mẹ bán mấy quả trứng lộn đêm sẽ hỏi bạn rằng: “mụ Lịch à”, nếu bạn hỏi đường đến nhà anh hùng Kan Lịch, bởi trong trí nhớ bà, không có người nữ anh hùng, chỉ có bà già hồn hậu hay qua đây vào chợ những ngày còn khỏe (“mụ” là từ kính trọng dành gọi phụ nữ lớn tuổi ở một số tỉnh miền Trung).
Và một cậu chàng xe ôm trẻ măng, đen cháy rất thạo đường đến nhà anh hùng Vai - ông già nhỏ nhỏ, một chân bị thương, trái tim đã mệt nhoài sau 70 năm sống và chiến đấu, vẫn ngồi bán hàng thay vợ nơi ngôi quán nhỏ trước trường học.
Nếu tìm ở cả hai nhà mà không thấy ông, cậu sẽ bảo bạn chắc ông bà lại đi xem văn nghệ hay thể thao gì rồi, ham lắm, say sưa lắm. Và bởi thị trấn nhỏ xíu, dân tình háo hức với từng sự kiện hội hè nên cậu sẽ đưa bạn đến ngay nơi đôi vợ chồng già đang hào hứng xem các chàng trai, cô gái hát dân ca Tà Ôi, Pa Kô...
Nếu bạn muốn uống “rượu cây”, chỉ cần đi khỏi thị trấn vài cây số. Đừng hỏi “rượu cây” là gì? Tự bạn đi tìm sẽ thú vị hơn nhiều. Rừng núi luôn hào phóng và lạ lẫm, mỗi ngày lại cho ta thêm một hiểu biết mới mà nếu ngồi nhà, bạn sẽ không bao giờ biết được.
Bạn cũng có thể nhìn thấy dưới gầm nhà sàn những chiếc xe đạp thể thao 6 tháng rồi đứng đó, bánh chưa một lần được lấm bụi đường. Dân làng đang tập làm du lịch, và đang đợi bạn đến.
Và có ngủ ngay ở khách sạn sang nhất A Lưới, bạn cũng đừng giật mình khi nửa đêm nghe dế phồng cánh gáy run run trong phòng – tội nghiệp chú dế đi lạc, nhớ vạt cỏ ướt ngay dưới chân tường mà không tìm thấy lối về.
Đó là A Lưới!
Và ngạc nhiên không, sau khi tôi viết xong những dòng này, tính tiền một ly nước dừa to đại, cô chủ quán nhẹ nhàng kêu giá... 5 ngàn!
A Lưới, huyện miền núi – giáp giới Lào, đa phần cư dân là người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều...
Địa danh nổi tiếng nhất ở đây là Đồi A Bia – Đồi Thịt Băm (Hamburger Hill - theo cách gọi của lính Mỹ). Một số điểm du lịch sinh thái như thác A Nôr, suối nước nóng Tôm Trung, rừng nguyên sinh A Roàng...
Thông tin thêm:
Có hai đường để đến A Lưới (Thừa Thiên – Huế): theo đường Hồ Chí Minh từ Quảng Trị vào, hoặc đi từ Huế lên. A Lưới cách Huế khoảng 70km.
Giờ xe khách Huế - A Lưới: Xuất phát hàng ngày vào lúc 6h00, 7h30, 11h00, 14h00 tại bến xe phía Nam - 97 An Dương Vương. Kêu một ly nước mía ngọt lịm giá 6 ngàn, tha hồ ngồi vài tiếng chờ xe mà cô chủ vẫn cười tươi rói.
Bạn về lại Huế từ bến xe A Lưới ở đầu huyện, giờ xuất bến thường chênh với giờ từ Huế lên 1 tiếng. Giá vé: 40.000 đ (xe thường), 45.000 đ (xe chất lượng cao).
Bạn có thể đi xe máy, giá thuê xe máy ở các KS Huế từ 80-150 ngàn/ngày/xe. Nhưng chúng tôi không khuyên bạn chọn phương tiện này nếu không quen đi đường núi vì đường Huế - A Lưới đèo dốc, hẹp, rất khó đi. Trái lại: với dân phượt thì đây sẽ là những cung đường tuyệt vời!
Theo Lê Bích Phượng/VOV4
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét