Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Chợ Thùi vào thơ

Hàng trăm năm nay chợ Thùi (xã An Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) vẫn bình dị, mộc mạc nép mình bên dòng Kiến Giang như thuở ban đầu.

Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”.

Họa thơ về chợ

Năm 1995, chuyên mục Góc vạn thọ trên Tạp chí Văn hóa Văn nghệ (nay là Tạp chí Nhật Lệ) có đăng bài thơ Một cảnh vui của tác giả Nguyễn Thái Sinh (xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy) kèm theo thư ngỏ mời họa thơ của ông Chủ tịch UBND xã An Thủy đương thời. Bài thơ như sau:

Lữ khách lang thang viếng chợ Thùi,
Mặt trời le lói nắng ui ui.
Người bày hàng bán chen ngang dọc,
Kẻ đến tìm mua đảo tới lui.
Gặp bạn ông già cười tít mắt,
Tranh quà trẻ nhỏ khóc vênh mui.
Ngày mùa hối hả dồn chân bước,
Đậm nét làng quê một cảnh vui.

Bài thơ gieo toàn “ui” nên đã làm khó không ít người. Tuy vậy, tòa soạn cũng nhận được hơn 70 bài họa của người yêu thơ trên khắp cả nước gửi về thi tài. Giải nhất đã thuộc về người con của chợ Thùi - nhà giáo già Nguyễn Khoa Học với bài thơ Chợ Thùi.

Thơ họa rằng:

Đò nôốc (thuyền) chen nhau đến chợ Thùi,
Sông dài,gió lặng, nắng ui ui.
Bến bờ san sát muôn thuyền đến,
Lều quán rộn ràng lắm kẻ lui.
Gặp lại bạn bè đang nách rỗ,
Trở về đò nôốc chợt dương mui.
Chợ quê trong tựa bức tranh động,
Tô vẽ xóm làng đẹp nét vui.

Tìm hiểu mới biết ý tưởng mở cuộc thi họa thơ của ông Chủ tịch xã An Thủy khá lạ. Chuyện nghe được rằng, lúc đó, có một dự án đầu tư xây dựng chợ xã nhưng chưa quyết định là địa phương nào. Nhân đọc được bài thơ Một cảnh vui viết về chợ Thùi quá hay, ông chủ tịch có tâm hồn thơ văn bèn nghĩ ra chuyện tổ chức cuộc thi trên.


< Thịt chuột bày bán ở chợ Thùi.

Mục đích chính là tạo sân chơi văn thơ qua đó góp phần quảng bá hình ảnh chợ đặc sắc của quê hương mình. Và biết đâu, chợ Thùi vang tiếng, thành ra được chọn để đầu tư. Sau đó, chợ Thùi được đầu tư xây dựng khang trang hơn; không hẳn vì bài thơ hay cuộc thi mà kết quả như thế. Nhưng qua đó mới thấy, tâm hồn, tính cách của con người ở đó trào phúng, nghệ sĩ và chân chất như làng quê sinh ra họ vậy.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Xuân Hoàng đã trải tấm lòng mình với cái chợ nhỏ làng quê qua bài “Mừng biết quê mình”:

Chưa được về thăm cảnh chợ Thùi
Đọc lời mời họa sướng cha ui
Xóm làng đổi mới đang vươn tới
Truyền thống ngày xưa há dễ lui
Cảnh chợ quây quần nhà đỏ mái
Dưới sông xúm xít nôốc đầy mui
Còn thêm cái chuyện thơ mời họa
Mừng biết quê mình đã thật vui.

Nơi quy tụ sản vật đồng quê

Chợ Thùi gần như nằm ở trung tâm của một vùng đồng quê trù phú với chim trời cá bể. Ở đó có phá Hạc Hải sóng biếc mênh mông, cây lau rậm rạp, chim nước nổi chìm, thuyền chài tụ tán có thể làm nơi du ngoạn của một phương. Người xưa kể lại rằng, một thời thương thuyền tận Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Ba Đồn…theo cửa biển Nhật Lệ vào đây giao thương buôn bán tấp nập ngày đêm.

Nên chợ Thùi là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá. Nhiều nhất khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, khi những trận mưa đổ xuống dâng đầy sông Kiến Giang rồi tỏa ra tràn ngập ruộng đồng kéo theo từng đàn cá di cư. Đi chợ Thùi vào mùa nước nổi ấy thì tha hồ mua với đủ loại cá tươi sống, nhìn từng thau cá còn giãy đành đạch, có lẽ chẳng ai muốn rời mắt. Nào là cá tràu, cá buôi, cá rỉ, cá bống mủ, rạm, trích, bồng, le le, vịt nước…Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi những người bán đưa ra mức giá rẻ kèm nụ cười hồn nhiên, phúc hậu.

Nhắc chợ Thùi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món chuột đồng. Không hiểu vì sao, người địa phương quan niệm tránh nhắc đến tên “tục” của nó, kiểu như người đi rừng thì không được nhắc đến hổ vậy. Phải chăng càng nhắc thì nó càng sinh sôi nhiều lên, phá hoại mùa màng? Chuột đồng có lông màu trắng xám, thân hình cân đối, cơ bắp săn chắc. Thịt chuột ngon béo nhất là từ tháng 7 đến tháng 8. Đầu hôm người ta đi đặt bẫy, mỗi lần đặt cả trăm cái; đến tờ mờ sáng đi thu bẫy gom chuột rồi mang ra chợ Thùi bán. Chuột được sắp thành hàng ngay ngắn như mời gọi người mua. Ở khu vực ấy người qua kẻ lại mua bán tấp nập, nhiều lúc tưởng như họ đã quên mất mấy hàng thịt lợn ở gần đó.

Chuột có thể làm nhiều món như: chiên, nướng, xào với sả hoặc măng…Khoái khẩu nhất vẫn là nướng. Sau khi làm sạch, lột da, chặt bỏ đầu, đuôi, chân và nội tạng, thịt chuột được tẩm ướp gia vị, tỏi, sả…trong khoảng 15 phút rồi đem nướng. Khi mùi thơm ngạt ngào, thử xé một miếng thịt thấy trắng phớ như thịt gà non là được. Dân nhậu thường vừa nướng vừa lai rai rượu đế, nhậu đến đâu nướng đến đó, mùi thơm của thịt trên giàn bếp cũng đủ làm kẻ sành điệu ngất ngây.

< Hội đua ghe tại Hạ tiêu Chợ Thùi (xã An Thủy).

Thế vẫn chưa đủ nếu quên món dút truyền thống. Dút được làm từ tép đồng. Có 2 loại: dút chua và dút éo. Dút chua làm ra chỉ dùng trong vài ngày, nhưng dút éo có thể dự trữ để ăn dần trong vài tháng trời. Tép đặc biệt nhiều vào mùa mưa lũ. Sau khi làm sạch, để ráo nước, trộn với muối, ớt và cơm vừa đủ, bỏ vào cối quết (giã) nhuyễn. Tiếp đến cho vào hũ nhỏ, đậy kín tránh không khí vào, đem giang (phơi) ra nắng, sau 3 ngày có thể sử dụng được. Trước khi ăn, đem hấp trong nồi cơm, thêm chút tỏi, ớt tươi và đường. Làm dút éo cũng tương tự dút chua nhưng kỳ công hơn. Tép sau khi làm sạch, phơi tiu tiu rồi mới đem quết với muối. Ít ngày sau trộn thêm thính vào (thính làm bằng cơm nếp hoặc ngô rang nghiền thành bột) khuấy đều sền sệt, tiếp tục ủ kỹ, phơi nắng 15 ngày nữa. Khác với dút chua trước khi ăn phải hấp cơm, dút éo có thể múc ra ăn ngay. Dút hảo hạng phải dẻo quẹo, khi quấy không nghe nặng tay, mới đụng vào đầu lưỡi đã thấy mê man đến tận chân răng. Mùa đông giá rét, trời se lạnh mà ăn dút với cơm nóng, nấu ươn ướt thì ngon chẳng gì sánh bằng.

Người Lệ Thủy có câu: Đi chợ Tréo/Léo chợ Hôm/Nôm chợ Thùi/Lùi chợ Chè/Đè chợ Đôộng/Tôộng chợ Mai. Nôm ở đây là chồng lấn lên nhau, ý nói sự trù phú của hàng hóa chợ Thùi, đến nỗi người đi chợ phải chen chúc nhau.

Về chợ Thùi mùa trăng lên thấy nhộn nhịp một vùng quê sông nước Kiến Giang hiền hòa. Sáng sớm bà con tranh thủ đi chợ mua bán, về nhà hối hả ra đồng, chiều đến chợ lại đông vui nhộn nhịp hàng cá, hàng thịt, hàng rau, hàng tôm, tép người người chen chúc mua bán. Tiếng cười nói rộn ràng sau một ngày lao động vất vả đồng cạn đồng sâu.

Theo Báo Thanh Niên, Báo Quảng Bình
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét