Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Những đặc sản đảo Lý Sơn

(VND) - Đến đảo Lý Sơn bạn không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên thoang sơ tuyệt đẹp với ới những bãi biển cát trắng mịn, làn nước xanh màu ngọc bích, mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon do người dân nơi đây chế biến như gỏi rong biển, gỏi tỏi, ốc tượng, cua huỳnh đế…

Gỏi rong biển

Một trong những đặc sản của biển đảo Lý Sơn, nếu ai từng thưởng thức qua, hẳn khó mà quên hương vị đậm đà của món gỏi rong biển nơi đây. Những cọng rong biển thân tròn, rẻ nhánh như những cành san hô, xanh trong trộn lẫn giữa những cọng rau húng quế,bên trên, rắc khéo những hạt đậu phộng và ít hành phi dậy mùi kích thích khứu giác.

Gỏi rong biển, chỉ có mỗi những cọng rong tươi roi rói làm nguyên liệu chính, có thể trộn thêm tôm, thịt, bò khô… Rong biển tươi vừa vớt ngoài biển vào rửa sạch, thái cọng vừa ăn trộn với rau húng quế, gia vị vừa ăn, rưới chút nước cốt chanh, nước mắm ớt tỏi, dầu phi.

Gỏi tỏi

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc tỏi, cây tỏi ngoài lấy củ còn được chế biến thành món gỏi hấp dẫn. Gỏi tỏi Lý Sơn được làm từ thân tỏi đực, tỏi nhổ lên chỉ lấy phần thân, bỏ lớp vỏ ngoài cùng, rửa sạch hấp cách thủy cho chín rồi trộn với các loại gia vị, rắc thêm ít đậu phộng là có món gỏi có hương cay nồng của tỏi ngon tuyệt .

Ăn gỏi tỏi với bánh tráng nướng mới đúng kiểu. Bánh tráng phải là bánh tráng dày, bẻ từng miếng bánh tráng xúc gỏi tỏi chấm nước mắm cay. Vị béo của bánh tráng quyện cùng vị thơm nồng nồng của tỏi không gì ngon bằng.

Gỏi tỏi được chấm với nước sốt, xúc cùng miếng bánh tráng dày chưa đưa lên miệng đã nghe hương vị thơm nồng . Được nhai cái giòn giòn của bánh tráng, sần sật của gỏi tỏi thật tuyệt, quyện theo hương vị ngòn ngọt, béo béo của nước xốt, bùi bùi thơm thơm của đậu phộng nhấm nháp nghe cay cay, nuốt xuống bụng nghe ấm ấm của vị tỏi . Những người đi biển đánh cá về thường nhậu rượu đế với gỏi tỏi để giải mỏi. Dang nắng dầm mưa về, người dân Lý Sơn cũng ăn gỏi tỏi cho khỏe người. Gỏi tỏi là món dân dã ngon bổ rẻ, nhưng cũng là đặc sản của vùng tỏi này. Vì thế nếu đi ra đảo không trúng mùa tỏi, chỉ khách quý mới được thưởng thức món đặc sản gỏi tỏi.

Ốc tượng

Ốc tượng là món hải sản nổi tiếng nhất ở đây, được nhiều người ưa chuộng. Ốc tượng thuộc loài ốc to trong các loài nhà ốc. Ốc tượng không phải dễ tìm, nói là ốc biển nhưng không phải biển nào cũng có. Đảo Lý Sơn có lẽ là quê hương của loài ốc tượng. Loại ốc tượng to và ngon nhất phải chọn loại lớn cỡ bàn tay xòe, nặng khoảng nửa ký.Thịt ốc trắng và trong như thịt mực hấp, vừa thơm tho lại giòn giòn như gân sụn.

Người dân đảo Lý Sơn chế biến thành các món ăn đơn giản mà cực ngon. Ăn ốc thường chế biến theo hai cách: nấu cháo ốc và làm món trộn, hay còn gọi là gỏi ốc. Nấu cháo ốc tượng đơn giản như nấu cháo hành. Khi gạo đã nhuyễn, cho thịt ốc vào, thịt ốc có thể xắt nhỏ, hoặc để nguyên con tùy người ăn.

Cỡ chừng 15-20 phút là nồi cháo được, nhắc xuống dùng ngay và khách sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt của món cháo này. Ăn món ốc trộn thì làm hơi công phu hơn món cháo. Ốc được chà, rửa sạch bằng nước muối, để ráo nước, cho nguyên cả con vào nồi luộc. Sau đó thái thịt ốc mỏng và nhỏ khi còn nóng rồi trộn ngay với một ít đậu phụng rang bóc vỏ, được giã giập. Chuẩn bị sẵn một chén nước mắm cá cơm cùng các thứ gia vị: ớt, tỏi, tiêu, chanh và một vài đĩa rau sống sạch sẽ, phong phú các loại rau, vài chục bánh tráng mỏng, thế là đã có một món ăn ngon.

Ốc cừ

Ra đảo Lý Sơn bạn hãy thử thưởng thức món ốc cừ hấp gừng nhé. Gọi là ốc cừ vì ốc có miếng vảy che trước miệng tròn tròn giống chiếc cúc áo cứng như xà cừ, thịt ốc giòn và rất ngọt.

Ốc cừ ở vùng biển Lý Sơn ngon hơn ốc ở các vùng biển khác. Ốc cừ được bắt từ biển, nơi nào có sóng lớn thì ốc càng ngon. Ra khỏi đầu ngọn sóng là đã có ốc cừ. Khi thủy triều rút xuống thấp, dạo mé bãi biển đã có thể bắt được ốc cừ, nhưng chỉ là ốc nhỏ. Muốn có ốc to phải ra biển thật sâu.

Ốc cừ thường được người dân đảo chế biến bằng những hình thức dân dã như: nướng, luộc hay xào sả ớt nhưng vẫn rất ngon và độc đáo, giữ được hương vị của loại đặc sản vùng biển đảo Lý Sơn. Ốc cừ ăn kèm với rau húng quế và củ tỏi tươi Lý Sơn mới ngon. Dùng tăm tre nhọn trụi ốc, cắm vào miệng ốc, gỡ bỏ vảy chấm ruột ốc với muối tiêu chanh.

Ốc Vú Nàng Lý Sơn

Mỗi khi có dịp từ đất liền ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gặp ngày trăng tròn, thế nào bạn cũng được chiêu đãi các món ăn chế biến từ ốc vú nàng. Loài ốc có tên gọi độc đáo khiến nhiều người muốn tò mò tìm hiểu. Thật ra vú nàng là loài ốc hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ trông tựa như bầu vú của cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ.

Ốc vú nàng có thể làm được nhiều món, từ hấp, luộc đến nướng, làm gỏi đều cho vị ngọt ngon đê mê. Luộc hay hấp có lẽ thông dụng hơn cả bởi không chỉ đơn giản mà không giữ nguyên được hương vị đặc trưng của ốc vú nàng. Khi hấp ốc chớ quên củ sả, chút mắm để ốc thêm thơm ngon.

Ốc dai ngọt, giòn sừn sựt, vừa béo ngậy, vừa đậm đà, ăn kèm rau răm, muối tiêu chanh hay nước mắm pha chua ngọt. Trong các món ngon nhất vẫn phải là món nướng. Ốc làm sạch xếp lên vỉ than hồng, chờ ngọn lửa liếm láp thân vỏ, chỉ một thoáng là nước ốc nhỏ ra cháy xèo xèo, thịt ốc bắt đầy săn lại, mùi thơm ngào ngạt. Ốc vú nàng nướng phải vừa chín tới ăn mới ngon, để quá lửa thì thịt bám chắc hay săn quắt lại rất khó gỡ ra. . Ốc nướng xong, mang đập vỏ ốc vào tảng đá để thịt ốc long ra, người ăn nhẹ nhàng gỡ lấy, đem chấm cùng muối tiêu chanh, miếng thịt ốc giòn ngọt, thơm lừng, ngon tuyệt.

Cua Huỳnh Đế

Đến Lý Sơn, bạn không thể bỏ qua những món hải sản tươi ngon một trong những đặc sản của Lý Sơn chính là cua huỳnh đế. Cua huỳnh đế được tôn xưng là vua của các loài cua. Bởi cua huỳnh đế có bộ áo giáp dày và cứng, màu đỏ hồng như chiến bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, càng to, cạnh sắc lém như dao.

Cua huỳnh đế vốn là đặc sản tiến vua bởi thịt cua mềm, càng ăn càng ngon, thơm và bổ dưỡng. Thịt cua huỳnh đế thơm ngon, bổ dưỡng, thớ thịt cua săn chắc, trắng muốt nhô và độ đạm cao.Với một chú cua huỳnh đế, bạn có thể hấp ăn với muối tiêu ớt xanh để tận hưởng hết cái chất ngọt ngào của thịt huỳnh đế, hoặc luộc cua lấy thịt rồi đem phi hành, nêm gia vị để nấu cháo. Cả hai cách làm đó đều rất đơn giản mà luôn có sức hút kì lạ với người thưởng thức. So với các loại hải sản thường gặp, cua huỳnh đế thuộc vế một đẳng cấp khác, được ví ngang với cá tuyết đen, cá hồi đỏ… là món ăn sang trọng đắt tiền.

Cua dẹt

Cua dẹt cũng được coi là một đặc sản của Lý Sơn. Trước đây, du khách nào đến đảo Bé muốn ăn con cua dẹt không phải là chuyện dễ bởi không phải ngày nào cũng bắt được chúng. Chúng chỉ bò lên từ những hốc đá sâu sau những cơn mưa dông, nay có nhiều hộ dân đã nuôi được chúng, bạn đã có thể thoải mái thưởng thức chúng bất cứ lúc nào.

Những con cua trông khô cằn, hoang dã thế nhưng khi nướng lên mùi thơm ngào ngạt. Bóc lớp vỏ đen cháy, những múi thịt trắng ngần săn chắc lộ ra, chấm muối ớt ăn nghe dậy lên vị thơm ngọt đậm đà.

Cháo Nhum biển

Con nhum – còn gọi là cầu gai hay nhím biển – hình dáng xù xì, xấu xí y hệt chùm gai, thường sống bám từ những bụi lá huệ quanh đảo. Sau khi đánh bắt , người dân bổ đôi con nhum, gỡ thịt chấm muối chanh với bồ tạt, ăn sống ngay khi mới vớt lên khỏi mặt nước hoặc trộn thịt nhum với trứng chưng mặn để ăn cơm. Có người nướng hoặc um thịt nhum với bắp chuối chát và cây chuối non…

Nhưng, ngon nhất vẫn là món cháo nhum, ăn nóng , hương vị của món ăn này rất đặt biệt, có chút ngọt, chút mặn, hòa lẫn vị béo .

Cháo nhum, hương vị không thể lẫn với bất cứ món hải sản nào, bởi nó có vị ngọt thanh của nhân sò điệp, vị ngọt dịu như thịt tôm, cua mà phảng phất hương biển tanh nồng trong sự quyến rũ đậm đà của gia vị. Những người đi biển tin rằng ăn cháo nhum rất nhanh hồi phục sức khỏe và giúp tiêu hóa tốt hơn, riêng cánh đàn ông, món nhum có tác dụng bổ dương và tăng cường sinh lực. Một bát cháo Nhum thơm phức được ăn cùng với hành lá, rau mầm mang theo đầy đủ vị tanh, ngọt, béo ngậy đặc trưng mà chỉ mình con Nhum mới có thể mang lại. Du khách, sẽ lại được thưởng thức một hương vị độc đáo, dân dã mà ngọt ngào. Từng miếng thịt Nhum tan trên đầu lưỡi cũng với vị ngon và thơm của gạo nấu nhuyễn một điều chắc chắn rằng khi du khách đã dùng cháo nhum thì sẽ không bao giờ quên được hương vị đặc biệt của loại đặc sản Lý Sơn này.

Cá tà ma

Cá tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ.

Thịt cá tà ma dai, chắc ngọt, mùi vị thơm lạ lùng, phần lườn là chỗ ngon nhất, nên ăn cá này ai cũng phải gắp ít lườn để thưởng thức vị béo rất riêng. Mùa đông người dân đảo thường nướng cá, mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, lẩu, cháo.

Chả cá Lý Sơn

Chả cá Lý Sơn được làm từ thịt cá đỏ củ  tươi sạch, không hóa chất, không chất bảo quản. Khi cá vừa đưa vào bờ đã được cơ sở mua về để chế biến chả.

Quy trình chế biến hoàn toàn bằng thủ công: Cá được rửa sạch, dùng muỗng nạo tách thịt cá ra khỏi xương. Sau đó, bỏ thịt cá vào thau, nêm nếm gia vị tỏi tiêu, muối, bột ngọt rồi dùng tay nhào bóp cho đến khi chúng quyện chặt săn lại là được. Chả cá dùng chế biến nhiều món ăn như: Gói ram, chiên trần, nấu lẩu khổ qua, nem nướng…

Điều cốt yếu tạo nên miếng chả cá rất Lý Sơn này là cá tươi rói chưa qua ướp đá. Vì thế, chả cá Lý Sơn không phải có quanh năm mà chỉ những khi trời yên biển lặng, thuyền chở cá về thì chả mới ra lò. Nếu cá không tươi thì chả cá làm ra sẽ không có màu trắng hồng đẹp mắt, không thơm, không dai. Điểm thứ hai quyết định đặc trưng của chả cá Lý Sơn là có thêm gia vị của tỏi Lý Sơn. Người làm chả cá ở Lý Sơn có một nguyên tắc: Chỉ dùng tỏi Lý Sơn làm gia vị để ướp chả. Được biết, cá tươi mà trộn với tỏi Lý Sơn mới chỉ vừa trộn xong chưa cần chiên, hấp đã dậy mùi thơm nức. Nếu dùng tỏi khác hương vị sẽ kém hẳn.

Hàu son xào

Huyện đảo Lý Sơn chẳng những có nhiều hải sản quý, mà còn nhiều món ăn dân dã như món hàu son xào đu đủ với hương vị độc đáo, đã đem đến cho người thưởng thức hương vị khó quên.

Hàu son hay còn gọi là Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, có ở khắp gành, sống trong lớp cát san hô có rong biển. Vẹm hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái một chút. Bắt vẹm đem về dùng dao nhỏ, mũi nhọn tách vẹm làm 2 nửa, nạy lấy ruột. Ruột vẹm lớn gần bằng đầu ngón tay út, có màu đỏ gạch rất tươi. Cái ngon của vẹm là phải lấy ruột vẹm sống. Còn nếu phải luộc cho 2 nửa vỏ tách ra để lấy ruột như thế, sẽ mất đi vị ngọt và chẳng còn ngon nữa.

Đem chao nhẹ ruột vẹm một lần vào nước sạch và để ráo. Đu đủ chín hường nạo thành sợi. Phi hành tỏi vào chảo dầu và xào đu đủ vừa chín. Bỏ vẹm vào đảo cho đều; nêm gia vị: Mắm, muối, đường, bột ngọt… rồi bày ra đĩa. Rắc ít tiêu bột và đậu phộng rang giã nhỏ vừa, cho thêm ít hành xắt mỏng và cuối cùng là rau thơm như ngò, húng, quế…  Màu đỏ son tươi tắn của vẹm chen lẫn màu vàng mơ của đu đủ; thêm vào màu trắng hồng của hành hoà cùng sắc xanh của các loại rau thơm khiến người ta chưa ăn nước miếng đã tứa ở chân răng.  Khi thưởng thức vị ngọt, mặn, béo, bùi, cay cay, dòn dòn vừa ngon, vừa thơm hòa lẫn với nhau xúc với bánh tráng dày nướng ngon tuyệt hảo .

Gỏi sứa

Món ăn không cầu kỳ,  phức tạp là công thức của món gỏi sứa ngọt mát này giống như người dân xứ đảo luôn mộc mạc.  Sứa vừa vớt về đem ngâm trong nước chuối chát xắt mỏng để sứa đỡ ra nước. Sau đó lo hái rau thơm, xắt thêm ít xoài, khế… pha chế chén nước chấm bằng mắm ngon. Phi hành với dầu ăn dậy mùi thơm, vàng rộm trộn đều nhau, rồi rưới nước mắm và nêm nếm cho thật vừa khẩu vị, rắc thêm đậu phộng.

Đem bày lên đĩa, thập bắt mắt, màu trắng trong của sứa nằm bệ vệ như làm duyên với màu xanh của rau, đỏ của ớt, vàng lợt đậu phụng rang. Bánh tráng dày có mè đem xúc khỏi cần thìa, chén. Thưởng thức vị chát chát của chuối chát, beo béo của đậu phộng rang chín vàng,  cay cay của ớt, vị thơm từ rau thơm,rau quế… vị ngọt mềm, sần sật của thịt sứa hòa lẫn vào nhau, món ăn ngon và mát, mộc mạc tình quê, đã được ăn một lần hẵn không quên món ngon đến lạ.

Bánh ít lá gai

Bánh gai là một thứ quà quê quen thuộc với nhiều người, nhưng bánh lá gai của Lý Sơn ở Quảng Ngãi thì phải nói là khá đặc biệt.  Để làm bánh ít lá gai trước tiên ngâm nếp cho mềm, xay thành bột rồi cho vào túi vải lọc, thật ráo nước. Dùng lá gai luộc chín, vớt lấy lá xắt nhỏ bỏ vào cối đá giã nát nhừ, cho bột nếp đã lọc vào cùng với đường quết thật nhuyễn, ngắt thành từng viên bột đều nhau, to cỡ chừng bằng ngón chân cái, dát mỏng, bỏ nhân vào giữa rồi túm lại tròn vo.

Làm nhân bánh ít, người đất đảo hay ngào dừa hoặc đậu xanh với đường, cho bánh thêm hương vị. Muốn bánh ít có hình đẹp, xinh xắn như hình chóp nón thì cách gói bánh cần phải công phu và điêu luyện hơn. Dùng lá chuối tươi phơi nắng hoặc hơ lửa cho khỏi gãy, rồi xếp thành hai lớp lá để gói bánh. Để lúc bánh chín, bóc lá không dính tay, người ta bôi chút dầu phụng vào khi gói bánh. Cách nấu bánh ở đây cũng đặc biệt, lạ mắt, người ta sắp bánh lên rế đan bằng tre, rồi cho vào nồi chưng cất thủy.

Bánh ít lá gai có mùi thơm đậm đà của bột nếp, của lá gai, vị ngọt, vị béo của đường, nhân dừa, đậu xanh, hương của lá chuối, dầu phụng hòa quyện với nhau thành một thứ hương vị độc đáo và hấp dẫn khó quên. Bánh ít để lâu tối đa được một tuần lễ. Hai, ba ngày sau khi nấu chín là thời điểm ăn bánh ngon nhất, có đầy đủ mùi vị nhất.

Khi ăn, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu. Ăn không ngấy. Bánh gai có thể để nhiều ngày mà không sợ mốc. Nếu để lâu, bánh khô, người ta có thể đem nướng trên than hồng, bánh nở phồng, ăn vẫn ngon. Hoặc có thể đem rán lại cho bánh mềm, ăn có vị ngon riêng.

Dưa hấu Hắc mỹ nhân

Sau khi thu hoạch vụ tỏi chính khoảng tháng 2 âm lịch, nông dân đảo Lý Sơn, tận dụng chất dinh dưỡng còn trong đất để trồng dưa hấu, hoặc có thể trồng cùng lúc với vụ hành. Dưa được trồng phủ khắp mặt ruộng theo cách tự nhiên. Khi cây dưa ra quả, dưa chín đến đâu hái bán đến đó. Mỗi ngày người dân chỉ bán vài ba tạ cho thương lái. Dưa hấu Lý Sơn không quá to, quả lớn nhất cũng chỉ 3 – 4 kg. Tuy nhiên, hương vị của nó thì rất đặc biệt, ngọt, thanh và có mùi thơm rất riêng. Chính vì thế mà dưa hấu Lý Sơn trở thành một sản phẩm độc đáo, vừa ngon lại vừa mát .

Rượu tỏi Lý Sơn

Rượu tỏi Lý Sơn có thể chữa được các bệnh: thấp khớp, tim mạch, phế quản, tiêu hóa và chứng mất ngủ.

Chính vì thế, rượu tỏi không chỉ mang ý nghĩa thức uống thông thường mà còn như vị thuốc trong tủ thuốc của gia đình bạn.

Rượu vú Lý Sơn

Rượu Vú Lý Sơn bao gồm Rượu và con Vú tên khoa học là Hải Sâm. Lý do khiến Hải Sâm được người dân gọi là con Vú vì trên cơ thể nó có rất nhiều núm hệt như vú động vật, một điều đặc biệt nữa là những núm này có thể tiết ra một chất màu trắng đục, giống như sữa.

Con Vú sống ở đáy biển và sâu khoảng hơn 50m, và là một loài rất quý và có giá trị. Chỉ có những người thợ lặn mới bắt được con này, sau khi bắt về có thể mổ ra hoặc để nguyên ngâm vào rượu và trở thành Rượu Vú. Điều đặc biệt là nước đầu tiên không uống được vì nó rất mặn. Hương vị của loại Rượu này mà Tôi đã được thưởng thức là: hơi tanh, một chút mặn và rất ngon. Theo những người dân Lý Sơn thì Rượu này rất tốt và bổ cho cơ thể nhất là giúp giải mỏi, ngủ ngon cho người già. Ngoài ra nó còn có một công dụng cực hay nữa đó là giải rượu, khi bị say rượu uống thứ này vào cơ thể sẽ từ từ trở về trạng thái bình thường.

Theo Vinadiscover
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét