(PNO) - Kon Tum là một thành phố nhỏ, nối liền với Quảng Ngãi, là nơi “quá cảnh” cho khách nghỉ lại, khám phá thắng cảnh, di tích, đặc biệt những nhà thờ rất đẹp.
< Nhà thờ Tân Hương.
Buổi sáng chúng tôi đi bộ lòng vòng trên những con đường thưa thớt xe cộ, ngắm nhìn dải mây trắng là đà lưng chừng núi, bên dưới là dòng sông Đăk Bla trôi thong thả, cảm giác Kon Tum như cô gái thật dịu dàng, dễ thương.
Trên đường Nguyễn Huệ (phố chính, từ thuở mới hình thành đô thị Kon Tum) có hai nhà thờ lớn, rất đẹp: nhà thờ Tân Hương và Nhà thờ gỗ.
< Hang đá Đức Mẹ tại nhà thờ Tân Hương.
Nhà thờ Tân Hương có đầu tiên ở Kon Tum, lấy tên làng Tân Hương là làng người Kinh đầu tiên được thành lập ở đây (vào năm 1826), nằm dọc theo bờ sông Đăk Bla. Kon Tum là thành phố duy nhất ở Tây Nguyên có dòng sông chảy ngang qua. Kon Tum, theo tiếng dân tộc Bahnar, Kon là làng, Tum là hồ, làng ở ven hồ. Từ lúc “khai sơn phá thạch”, người dân địa phương nơi đây luôn gắn từ “làng” vào các địa danh (trong thành phố) như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Trung Lương, Lương Khế, Võ Lâm...
< Nhà thờ Gỗ Kon Tum.
Nhà thờ Tân Hương xây dựng năm 1851, tọa lạc ngay trung tâm thành phố (phường Thống Nhất), trong một khuôn viên khá rộng lớn, bên cạnh có Nhà sinh hoạt giáo xứ, đối diện bên kia đường có hang đá Đức Mẹ. Kiến trúc nhà thờ đơn giản nhưng đẹp với mặt tiền có hai hình Thánh Phao-lô và Tồng lãnh thiên thần Mô-ca-e chiến thắng quỷ Sa-tăng.
Nếu nhà thờ Tân Hương dành cho người Kinh, thì Nhà thờ gỗ dành riêng cho người dân tộc, tiếng Bahnar được sử dụng trong thánh lễ. Trong tuần, duy nhất sáng thứ Tư, lễ lúc 5 giờ sáng bằng tiếng Việt.
Nhà thờ gỗ được xây dựng vào năm 1913, theo lối kiến trúc Rô-man kết hợp với kiến trúc nhà sàn người Bahnar, sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên, tạo nên vẻ độc đáo mà gần như bất cứ ai đến Kon Tum đều không thể bỏ qua.
< Học sinh cô nhi viện Vinh Sơn 1 đi học về.
Trong khuôn viên phía sau Nhà thờ gỗ có cô nhi viện Vinh Sơn I. Đây cũng là nét đặc biệt của nếp sinh hoạt trong khuôn viên Nhà thờ gỗ, vào buổi sáng sớm hay chiều, các em học sinh nhỏ từng tốp vào ra trông rất dễ thương, kéo bước chân quan tâm của khách phương xa. Băng qua đường, đối diện Nhà thờ gỗ là Tu viện Hội Dòng Ảnh Phép lạ. Đi bộ khoảng 400m là đến Tòa Giám Mục Kon Tum nằm trên đường phố chính Trần Hưng Đạo.
< Tòa Giám mục Kontum.
Được xây dựng từ năm 1935, Toà Giám mục có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Hai hàng sứ dẫn lối đi vào TGM làm nên một sự khác biệt trong năm. Từ tết Nguyên đán đến trước mùa mưa, hàng sứ… “cùi” (rụng hết lá, trơ cùi hoa) mới chính là mùa đẹp nhất. Sau mùa mưa, hàng sứ xanh lá lại có vẻ đẹp khác.
Trong Toà Giám mục có phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo và văn hoá bản địa Kon Tum.
Có thể coi đây là một bảo tàng thu nhỏ về các vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.
< Nhà thờ Phương Nghĩa.
Cạnh Toà Giám mục có nhà thờ Phương Nghĩa, kiến trúc đơn giản hơn, nhưng ấm áp. Buổi chiều, các em học sinh đi học về, ghé lại, múc gàu nước giếng rửa mặt hay ngồi ghế đá đọc sách. Một khung cảnh thật thanh bình.
< Cầu treo Kon Klor.
< Nhà thờ Kon Klor.
Cách trung tâm thành phố khoảng 8km, qua cầu treo Kon Klor, có một nhà thờ gỗ đơn sơ mà đặc biệt. Bên trong chỉ có ban thờ và hoàn toàn không có bàn ghế. Giáo dân đi lễ ngồi bệt dưới đất. Buổi chiều, sau một hồi trống, bà con lục tục kéo đến nhà thờ.
< Bên trong nhà thờ Kon Klor.
Một đặc trưng khác của Kon Tum là nhà rông. Một người bạn "thổ công" của chúng tôi cho biết, trong vùng người Bahnar và Xê-đăng, nếu khách lỡ đi lạc trong rừng, chịu khó dõi mắt ngóng tìm, khi nào nhìn thấy nổi bật trên tán rừng già mờ mịt một nóc nhà rông, thì biết nơi đó có làng và chắc chắn sẽ gặp được những con người thân thiện.
< Nhà rông trong làng Kon Klor.
Chúng tôi đã đến thăm làng Kon Rơ-wang trong lòng nội thị Kon Tum. Trong các làng giờ đây còn rất ít nhà sàn, mà thay vào là nhà xây cấp bốn, mái tôn hay ngói. Bạn bảo, xây dựng một nhà sàn tốn nhiều tiền hơn nhà cấp bốn, mà bà con dân tộc ở đây đều nghèo, nên đành phải vậy.
Chiều còn nắng, trong khuôn viên sinh hoạt cộng đồng làng (kiểu sân đình làng người Kinh), trên bãi cỏ xanh mơn một nhóm phụ nữ và trẻ em đang ngồi tán chuyện, gần đó vài con bò thong thả gặm cỏ non, một mái nhà rông cao vút, một cây kơ-nia um tùm, một cây pơ-lang thon thả, một cây vông đồng xù xì, một cây đa rậm rạp hoang sơ… cảm giác thật bình yên!
Theo Kim Duy (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét