Aur, làng của thần rừng
Phía tây Quảng Nam, lẩn khuất trong những cánh rừng già là những ngôi làng của đồng bào các dân tộc ít người. Cách trở về địa lý và những đặc thù phong tục nên những ngôi làng ấy có nhiều câu chuyện vừa huyễn hoặc, vừa là những mảnh ghép văn hóa độc đáo của vùng cao.
Chúng tôi đã có một hành trình dài đến những ngôi làng như thế. Từ nóc Măng Lùng của người Xê Đăng chông chênh trên đỉnh Ngọc Linh, đến làng Aur thăm thẳm giữa đại ngàn vùng Tây Giang hay ngôi làng vùng biên Côn Zốt đầy gian khó, in dấu “những đôi chân của gió” và những kỳ thú về luật tục nơi thượng nguồn…
< Đường lên làng Aur.
Bước ra từ rừng sau 12 tiếng đồng hồ băng bộ cả đi và về, chúng tôi nói với nhau rằng đi khắp 8 huyện miền núi còn lại, sẽ không thể tìm được một ngôi làng nào như thế, một ngôi làng của quá nhiều điều để kể: Aur, làng của thần rừng.
Những đôi chân của gió
Gửi xe máy ở thôn Aréc cách đường Hồ Chí Minh khoảng cây số, chúng tôi bỏ lại tư trang, chỉ đem theo máy ảnh và một ít đồ ăn đi đường, thẳng hướng làng Aur (xã A Vương, Tây Giang). Con đường mòn men theo những sườn núi, có đoạn chỉ vừa lọt một người đi, ngay phía dưới là vực sâu hàng chục mét. Dốc nối dốc, áo đẫm mồ hôi. Chúng tôi nói vui với nhau rằng phải đi bằng 100% sức lực và 100% nữa bằng bản năng sinh tồn.
Giữa rừng tuyệt nhiên không một bóng người. Phải mất gần 6 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến Aur, sau hơn 20 cây số đường rừng. Thấy khách lạ, người làng bắt đầu đến hỏi thăm. Chúng tôi đáp lời bằng một ít tiếng Cơ Tu bản địa.
“A, biết tiếng người mình, biết tiếng người mình”. Những ađhi (chị), amế (mẹ) reo lên với nhau khiến chúng tôi không khỏi bật cười. Hóa ra, vì nằm tách biệt giữa rừng, chuyện có khách lạ đến thăm làng đã ít, chuyện người Cơ Tu lạ mặt đi vào làng càng là chuyện hiếm!
Ráng chiều đỏ rực phía tây. Khói bếp vương vất trên từng mái nhà. Chúng tôi ghé vào gươl. Lũ làng đều đến. Trẻ con mải mê chơi ngoài sân, người lớn mang theo rượu r’lang (rượu cất bằng mật ong), những món ăn từ rừng và những câu chuyện.
Già làng Bh’ling Trên kể, gốc tích của làng Aur ở tận Pà Xuông (xã Ba, Đông Giang bây giờ). Cả làng rời đi, chỉ vì một câu chuyện thực mà như thần thoại. Hồi ở làng cũ, lũ trẻ con trong làng chơi trò “lễ hội đâm trâu”. Một em bé đóng giả làm con trâu, bị trói vào cột. “Bà có ăn thịt trâu không?”. Lũ trẻ chạy về hỏi bà mụ trong làng khi trò chơi đang tiếp diễn. Câu trả lời là có, và lũ trẻ “đâm trâu” thật, rồi chúng cắt phần thịt mang về cho bà mụ. Cả làng chìm trong tang thương. Già làng họp, quyết định được đưa ra: dời làng. Rời làng để những đau thương kia sẽ chìm vào lãng quên. Và hơn thế, để những tộc họ của làng sống yên bình với nhau như đã từng, như sự việc đau thương kia chưa tồn tại… Một nửa dân làng thẳng hướng núi Aur. Một nửa tách đường ngược dốc Gió (xã Sông Kôn, Đông Giang) sang huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) lập làng.
Về làng mới, những người làng Aur chưa thể yên sống giữa rừng già. Mấy năm sau họ lại dời đi vì cái “chết xấu”, sáp nhập vào nửa làng cũ ở Nam Đông. Chừng mười năm, họ tiếp tục quay về vùng bình nguyên gần làng cũ để dựng nhà. Đói! Cứ đói, nên phải 2 lần dời làng nữa, “những đôi chân của gió” mới chịu dừng lại, là làng Aur bây giờ.
Tình yêu với rừng
< Một góc làng Aur.
Sáng sớm hôm sau, tiếng bước chân đánh thức chúng tôi khi trời chỉ vừa hửng sáng. Những phụ nữ lũ lượt gùi cám heo đi về phía đầu làng. Họ đi nuôi heo, cách đó gần nửa giờ đi bộ. Một khu chăn nuôi tập trung, vừa vì heo đỡ phá, vừa vì họ không muốn không gian sống của mình bị bẩn, như lời lý giải.
Chúng tôi từng sống ở nhà một người Ve tại xã Đắc Pring (Nam Giang), heo và dê thậm chí đi vào tận chân giường ngủ, nhiều nơi khác cũng vậy. Aur thì không như thế. Dưới những ngôi nhà sàn, thứ duy nhất nhìn thấy chỉ có dấu chân người…
< Người làng Aur rang bắp đãi khách.
Loanh quanh dạo chơi trong làng, chúng tôi không hề biết rằng chị Arất Thị Nghế - chủ nhà nơi chúng tôi trú tạm đã lẳng lặng bắc cơm, nấu nồi canh thơm phức. Dân trong làng, người mang vài trái chuối, người mang ít cá khô… đến cho chủ nhà đãi khách. Đã đặt chân đến nhiều bản làng vùng cao, lòng hiếu khách của người Cơ Tu với chúng tôi không phải là chuyện lạ. Nhưng ở Aur, dân làng đón khách bằng tất cả sự hồn hậu, vô tư trong nghèo khó của mình. Đạm bạc nhưng ân cần, thân thiện như người trong gia đình dù là lần đầu tiên gặp gỡ. Bạn tôi nói rằng tục “nuôi chung” khách là một truyền thống, nhưng bây giờ thật khó tìm gặp điều đó khi những xô lệch văn hóa đang hiện hữu ngày càng nhiều ở vùng cao…
< Đạm bạc cơm canh mừng khách đến.
Aur là ngôi làng của thần rừng. Thật khó để diễn tả niềm tin và tình yêu của họ với rừng. Sống giữa rừng, họ cần mẫn như những con ong, hiền hậu như những dòng suối và kiên cường như cổ thụ.
Rừng nuôi họ bằng mật ong, bằng sắn, bằng những rẫy gừng… Rau rừng, cá suối chưa bao giờ để người Aur phải nhịn đói. Họ sống chan hòa với rừng, lấy vừa đủ để ăn, làm đủ để mùa đông không thiếu lương thực. “Huyện nhiều lần vận động dân làng Aur ra tái định cư ở gần đường hơn, nhưng ra khỏi đây thì sống bằng gì. Rẫy đây, đất đây, rừng chúng tôi đây. Chúng tôi sống ở đây, dưới sự che chở của thần rừng” - già Trên nói.
Đêm trong gươl, những nụ cười rạng rỡ theo lời kể, điệu hát của già làng. Người Cơ Tu bao đời nay sống với rừng, dựa vào rừng, ra khỏi rừng đồng nghĩa với việc họ mất đi sự chở che. Nhưng tôi cảm nhận được một điều lớn hơn thế.
Họ sống với nhau bằng tình đoàn kết, bằng nghĩa anh em ruột thịt. Năm 2010, dịch thổ tả xuất hiện. Giữa rừng, không đủ sức để lấy thuốc hay đến bệnh viện, chị Bhơriu Thị Non - người con dâu của làng đã tự đi hái lá, nấu thuốc chữa bệnh cho cả làng. Cũng khoảng năm đó, một phụ nữ tái giá sau khi chồng mất, bỏ lại 4 đứa con nhỏ ở làng.
Người Aur đem về nuôi chung, những đứa trẻ ở trong nhà anh Alăng Mê, lớn lên, được đi học đàng hoàng. Hay gần đây nhất, cả làng Aur đồng ý cho một người Kinh quê Tiên Phước sống trong làng. Họ dựng nhà, cho ông ít sắn, ít lúa rẫy, gọi ông bằng “azây Sanh” - tức chú Sanh - một cách gọi thân thương như người trong nhà. Ông Sanh trở thành người của Aur, cũng là người Kinh duy nhất trong ngôi làng chỉ vỏn vẹn 22 hộ với hơn 100 nhân khẩu này.
Aur, nếu không phải là những phận người đã đi cùng nhau qua bao cuộc di cư, liệu có đằm thắm như bây giờ? Dù sao, chúng tôi đã đặt chân đến đó, cảm thấy mình hạnh phúc khi được một đêm sống cùng, ăn cùng và nghe dân làng hát. Một làng Cơ Tu tuyệt vời!
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4
Theo Thành Công, Alăng Ngước (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét