Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Du lịch chùa Bái Đính

Tọa lạc trên sườn núi, giữa thung lũng mênh mông hồ và núi đá là một ngôi chùa với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống, được báo giới ca ngợi là quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Đó chính là quần thể chùa Bái Đính.

Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Từ nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành một địa điểm nổi tiếng, thu hút nhiều Phật tử và khách đến tham quan.

Khu chùa cổ được phát hiện bởi đức thánh Nguyễn Minh Không. Chính ông là người đã biến các hang động thành chùa. Tương truyền rằng nơi đây có nhiều cây thuốc quý mà Thánh Nguyễn Minh Không thường xuống hái lượm mang về chế “thuốc tiên”.

Sau này nhiều lương y ở khắp nơi cũng tìm đến kiếm cây thuốc quý về chữa bệnh cho nhân dân. Trong kháng chiến, Bái Đính còn là một di tích cách mạng thuộc chiến khu Quỳnh Lưu, nơi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền cách mạng tới nhân dân.

Chùa Bái Đính cổ tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía đông nam. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.

Khi lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán, được dịch như sau:

Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.

Theo sử liệu, Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không là người đã sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không 4 km. Tương truyền, khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân…

Năm 1997, Bái Đính cổ tự được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia. Có một điều hết sức thú vị là mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.

Chùa được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến ở Ninh Bình, không có những mái chùa cong vút mái đao hay mũi hài, cũng chẳng có những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Toàn bộ các ban thờ Phật, thờ Mẫu của chùa được đặt giữa lòng những sơn động u minh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nới cửa thiền. Trần hang động đã trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã hàng bao thế kỷ nay. Và Bái Đính không chỉ là nới để người đời tỏ lòng mộ đạo mà còn là một thắng cảnh đẹp. Để khi kinh lý qua đây, vua Lê Thánh Tông đã tự tay đề tặng bốn chữ “Minh Đỉnh danh lam” ca ngợi vẻ đẹp chốn này.

Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) là một công trình lớn, có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía Tây cố đô Hoa Lư. Một số hạng mục chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp...

Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam và sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương :đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết, ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm...

Vòm mái vòm mái màu nâu sẫm, cong hình đuôi chim phượng chính là điểm khác biệt nhất của kiến trúc chùa Bái Đính mới. Các chi tiết trang trí kiến trúc cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam với sự đóng góp công sức của 500 nghệ nhân và rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm... Các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.

Có thể khái quát một số công trình tiêu biểu của chùa Bái Đính như sau: Tam Quan Nội, xây dựng toàn bằng gỗ quý cao tới đỉnh 16,5m, có chiều dài 32m, rộng 13,5m. Trong tam quan đặt 10 tượng Hộ Pháp bằng đồng, có hai tượng lớn, mỗi tượng cao 5,5m, nặng 12 tấn. Tháp chuông, được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, kiến trúc theo kiểu tháp chuông cổ, hình bát giác, cao 22m. Tháp chuông treo một quả chuông nặng 36 tấn đúc tại Huế là đại hồng chung lớn nhất Việt Nam.

Điện Quan Thế Âm Bồ Tát được xây dựng toàn bằng gỗ, cao 14,8m, dài 41,8m, rộng 17,4m, gồm 7 gian. Gian giữa của điện đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 9,57m. Đây cũng là một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.

Điện Tam Thế Phật, tọa lạc ở trên đồi cao, là một tòa rất cao, rộng, đồ sộ, hoành tráng nhất ở khu chùa Bái Đính. Trong điện Tam Thế có bộ tượng Tam Thế được cấp bằng "Xác nhận kỷ lục": "Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam".

Điện Pháp chủ, nơi có pho tượng Phật Thích Ca cao 10m, nặng 100 tấn bằng đồng được công nhận là tượng Phật cao và nặng nhất Việt Nam. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam, mới chỉ có ở chùa Bái Đính.

Hành lang La Hán gồm 234 gian, ở hai phía Đông Tây, có chiều dài hơn 1.000m. Trong các gian hành lang đặt 500 tượng La Hán bằng đá nguyên khối to, mỗi tượng cao 2,4m, nặng khoảng 4 tấn.

Giếng Ngọc của chùa Bái Đính đã lập kỷ lục: "Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam". Giếng có hình mặt nguyệt, rất rộng, đường kính 30m, độ sâu của nước là 6m, không bao giờ cạn nước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000m², 4 góc là 4 lầu bát giác…

Ngày nay, chùa Bái Đính đang được xem là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất Việt Nam với những kỷ lục đã được ghi nhận như: khu chùa rộng nhất Việt Nam (tổng 539 ha, riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha), khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á (hành lang La Hán dài gần 3 km), khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m), khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ), tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á (tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ), tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời), chuông đồng lớn nhất Việt Nam (đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông).

Hãy một lần về thăm Bái Đính, bước trên những bậc đá xếp theo độ dốc vừa phải, cao dần để cảm nhận được không khí trong lành, thoáng mát. Giữa chốn linh thiêng, mênh mông đất trời, văng vẳng tiếng chuông ngân, du khách sẽ thấy lòng mình thanh thản, trút bỏ mọi lo toan của cuộc sống thường ngày.

Một số kinh nghiệm khi du lịch đến chùa Bái Đính

Du ngoạn chùa Bái Đính sẽ không đáng lo dù bạn là du khách phương xa. Trước hết là về cự ly: Từ Hà Nội, bạn có thể đi về trong ngày vì chỉ mất khoảng 2 giờ nếu đi bằng xe máy và khoảng 1 giờ rưỡi nếu đi bằng ô tô. Chi phí thuê xe cũng không cao và bạn có thể chọn các các dịch vụ du lịch ở Hà Nội, vì có niêm yết giá và sẽ có hợp đồng bằng văn bản rõ ràng.

Tại chùa Bái Đính, bạn có thể thỉnh các loại kinh sách, tài liệu về Phật giáo với giá gốc hay có nhiều quà lưu niệm như bùa bình an, hạt đậu may mắn, các vị thuốc núi quý hiếm.

Trong khuôn viên chùa cũng có rất nhiều hàng quán ẩm thực và quà lưu niệm. Bạn cũng có thể mua quà, đặc sản Bái Đính như cơm cháy, các loại bánh... ở các gian hàng dưới núi với giá phải chăng hơn. Nếu muốn nghỉ lại qua đêm thì bạn phải liên hệ trước với nhà chùa. Ngoài ra bạn có thể thuê phòng trọ, khách sạn ở dưới núi.

Theo Đinh Đức Anh, một hướng dẫn du lịch nghiệp dư cho biết, Ninh Bình có rất nhiều nhà nghỉ từ bình dân tới khách sạn sang trọng. Tùy vào điều kiện mà du khách có thể tìm phòng phù hợp. Giá phòng từ 300.000 đến 2.500.000 đồng/ngày đêm. Khách sạn Hoàng Sơn Peace yên tĩnh, tiện nghi, khách sạn Thùy Anh gần khu mua sắm, khách sạn Thanh Bình gần khu ăn uống, khách sạn Tràng An nằm ở trung tâm thành phố, khách sạn Non Nước gần khu vui chơi, Queen Hotel gần ga tàu...
Ngoài ra, còn có các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Emeralda Hotel - Resort & Spa ở Vân Long có giá khoảng hơn 2 triệu đồng/đêm…

Tổng hợp theo Di Sản Xanh, Báo Cần Thơ... và nhiều nguồn ảnh khác.
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét