Long Khánh là một ngôi chùa lớn nằm ở trung tâm Thành phố Quy Nhơn. Ghi chép về ngôi chùa này, sách Đại Nam nhật chí viết như sau: “Chùa Long Khánh nằm ở phía tây cửa biển Thị Nại, trong động cát ở thôn Cẩm Thượng huyện Tuy Phước, mặt trông ra đầm Ngư Ky, do Hòa thượng Nguyễn Trinh Tường dựng từ năm Gia Long thứ 6”.
< Chùa Long Khánh - Quy Nhơn.
Làng cẩm Thượng trước đây nay là đất của phường Lê Hồng Phong , Lê lợi, Trần Phú và một phần của phường Trần Hưng Đạo ngày nay. Khuôn viên chùa hiện nay thuộc phường Lê lợi, Thành phố Quy Nhơn.
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, chùa Long Khánh là một trong những trung tâm phật giáo lớn của Bình Định, là nơi sinh hoạt lễ bái của giới tăng ni phật tử và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách gần xa khi có dịp đến với Thành phố biển Quy Nhơn.
Chùa được kiến trúc theo hình chữ “Khẩu” phía trước có chánh điện gồm Thượng điện và Hậu điện. Phần Thượng điện thờ Phật Adiđà và Quan âm Chuẩn đề, Hậu điện thờ Phật tổ Thích Ca.
Hai bên có Đông phòng và Tây phòng. Hai dãy này là chỗ dành riêng cho tăng ni. Phía sau là Tổ đình, thờ các vị khai sơn phá thạch.
Kiến trúc nguyên thủy của chùa không còn nữa. Ngôi chùa hiện nay về cơ bản được xây dựng lại vào năm 1956 và hoàn thiện vào năm 1972. Phong cách kiến trúc này mang dáng dấp kiểu chùa của cư dân miền Nam Trung Hoa. Về giá trị kiến trúc, chùa Long Khánh không có gì độc đáo, nhưng với lịch sử hình thành và phát triển của Quy nhơn, chùa Long Khánh có một vị trí khá đặc biệt.
Minh văn khắc trên chuông và ghi chép trong cuốn Lịch sử chùa Long Khánh hiện được lưu giữ tại chùa cho biết chùa Long Khánh thuộc thôn Vĩnh Khánh, phủ Quy Nhơn, do thiền sư Tích Thọ đời thứ 38 của thiền phái Lâm Tế tên là Nguyễn Trinh Tường khởi dựng. Quả chuông được đúc vào năm Gia Long thứ 4, tức năm 1805. Điều này tương đối phù hợp với ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống chí.
Vậy nhưng theo các nguồn tài liệu Phật giáo khác thì người có công khởi dựng chùa Long Khánh là thiền sư Đức Sơn. Thần vị của hòa thượng này hiện được thờ tại Tổ đình. Ông là Tổ thứ 35 của dòng Lâm Tế Chánh tông, sinh năm Kỷ Mùi, viên tịch ngày 2 tháng Chạp năm Tân Dậu.
Cũng theo các tài liệu Phật giáo, thiền sư Đức Sơn đến lập ra ngôi Tổ đình Long khánh của dòng Lâm Tế, vùng đất này còn mang địa danh Quy Ninh. Đối chiếu với lịch sử, địa danh này tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 1651 đến năm 1742. Trong chùa, ngoài quả chuông, còn có một hiện vật cổ được các sư tăng cho là bảo vật của chùa.
Như trên đã nói, Hòa thượng Đức Sơn đến Quy Ninh trong thời gian từ 1651 đến 1742. Trong khoảng thời gian này chỉ có một năm Ất Mùi là năm 1715. Như vậy, chùa Long Khánh được xây dựng muộn nhất là năm 1715, thời điểnHòa thượng Đức Sơn cho đúc chiếc khánh, chứ không phải năm 1807 như Đại Nam Nhất Thống chí và các tài liệu gần đây xác định.
Hòa thượng Nguyễn Trinh Tường không phải là người kiến lập chùa mà chỉ là người có công tôn tạo chùa và đúc quả chuông vào năm 1805. Về hệ phái Hòa thượng Nguyễn Trinh Tường thuộc đời 38 của dòng Lâm Tế và nếu Hòa thượng Đức Sơn là Tổ thứ nhất thì ông là đời thứ 4 của Tổ đình Long Khánh.
Từ đây, có thể kết luận rằng, chùa Long Khánh được xây dựng trên đất làng Vĩnh Khánh, phủ Quy Ninh vào khoảng năm 1715. Giữa thế kỷ XVIII phủ Quy Ninh đổi thành Quy Nhơn, đến cuối thế kỷ 19 làng Vĩnh Khánh đổi thành làng Cẩm Thượng, thuộc huyện Tuy Phước, phủ Quy Nhơn đổi thành tỉnh Bình Định. Các tác giả Đại Nam Nhất Thống chí đã ghép chùa Long Khánh vào địa danh cuối cùng này.
Mặc dù đã qua bao lần trùng tu, tái tạo, chùa Long Khánh vẫn là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Đó là một trong hai ngôi chùa có niên đại cổ kính nhất ở Bình Định. Ngày nay, du khách gần xa khi đến chùa không thể không có những phút giây cảm giác tĩnh mịch, sâu lắng và tôn kính như đi vào cửa thế giới hư vô cực lạc.
Theo Bình Định Di tích danh thắng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét