Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Trong tòa Bưu điện đặc biệt nhất Sài Gòn

Bưu điện trung tâm Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 2, Công trường Công xã Paris, Quận 1. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng  mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux.

Ngay sau khi đánh thành Gia Định, chiếm được vùng đất Sài Gòn, Pháp đã thiết lập tại đây hệ thống thông tin liên lạc. Ngày 11/11/1860, "sở Dây thép" Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập. Ngày 13/1/1863, sở Dây thép Sài Gòn được chính thức khánh thành và phát hành “con cò” (người Sài Gòn xưa hay gọi con tem là con cò) đầu tiên. Năm 1864, dân chúng Sài Gòn bắt đầu gửi thư từ thông qua nhà "Dây thép".

< Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á.

Năm 1886, Bưu điện Sài Gòn được xây cất lại với qui mô hiện đại, thay thế cho trụ sở và khu nhà ở cũ. Tòa nhà bưu điện thành phố được xây dựng theo đề án của kiến trúc sư người Pháp Vilơdic. Đến năm 1891, trụ sở mới của Bưu điện Sài Gòn được chính thức khánh thành.

< Đặc điểm ấn tượng nhất khi tham quan bên trong tòa nhà là những mái vòm cong tròn lớn ở cửa vào, dọc trần. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía.

< Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc những hoa văn đẹp.

Ngày nay hệ thống bưu chính viễn thông trở nên quen thuộc với mọi người dân nhưng nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, hệ thống bưu điện vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân Sài Gòn. Vậy nên ngay từ khi mới thành lập, tòa nhà này đã thu hút và gây ấn tượng mạnh đối với dân chúng Sài Gòn thời bấy giờ.

< Trên vòm mái trong tiền sảnh của toà nhà có hai bản đồ lịch sử. Tấm bên phải là bản đồ Sài Gòn và xung quanh năm 1892, bên trái là bản đồ đường dây điện của Việt Nam và Campuchia năm 1936.

Toà nhà Bưu điện Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố. Khác với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp ở trên, Bưu điện Trung tâm Sài có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á.

< Bên ngoài, phía trước ngôi nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình người đội vòng nguyệt quế, cùng chiếc đồng hồ lớn. Phía dưới đồng hồ vẫn còn lưu giữ năm khởi công xây dựng và khánh thành của tòa nhà.

Mặt tiền của bưu điện được trang trí những bảng tên một số danh nhân Pháp như Laplace, Voltaire, Arage, cùng một số ô vuông trang trí được tạo hình quen thuộc...

< Du khách đến đây một phần để ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện này. Với nhiều người thì đây là điểm nghỉ chân lý tưởng sau một vòng tham quan thành phố Sài Gòn.

Trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn. Bước chân vào phía trên trong, khách thấy hai bên tường cao là hai bản đồ lịch sử của Sài Gòn, các kiến trúc gothic và hơn 35 quầy phục vụ khách hàng.

< Nơi đây vẫn lưu giữ 14 bốt điện thoại chia làm hai bên sảnh chính để phục vụ người dân và du khách có nhu cầu liên lạc cũng như hoài niềm về một thời đã qua.

Hiện nay, nơi đây còn có các quầy bán đồ lưu niệm với các sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc Việt Nam Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, vẻ đẹp độc đáo của toà nhà bưu điện thành phố càng được tôn lên. Trước mặt nó là nhà thờ Đức Bà với tháp chuông cao vút. Nhìn sang hai bên là những tòa nhà cao tầng hiện đại. Sự kết hợp hài hòa này biến nơi đây thành một địa điểm vừa mang nét đẹp cổ kính, lại vừa tràn ngập hơi thở của cuộc sống hiện đại.

< Ông Dương Văn Ngộ, cựu nhân viên bưu điện từ năm 1952 được cho là người viết thư thuêcuối cùng ở Sài Gòn.

Ở đây còn có một người viết thư thuê bằng tay cuối cùng của TP.HCM. Dù đã ở tuổi 81, nhưng ông vẫn ngày ngày miệt mài với những lá thư viết thuê để bay đi khắp các địa chỉ: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản. Có rất nhiều người đến đây để nhờ ông viết những lá thư gửi đi nước ngoài. Nhưng cũng có nhiều người đến gặp ông chỉ để chụp ảnh, nói chuyện và thăm ông.

< Bưu điện trung tâm vẫn hoạt động bình thường phục vụ người dân với các dịch vụ liên lạc hiện đại bên cạnh nhiều dịch vụ truyền thống như bưu phẩm ghi số hẹn giờ, phát chuyển nhanh, văn hóa phẩm lưu niệm, điện hoa, điện quà...

Hơn 40 năm gắn bó với bưu điện này và công việc viết thư thuê, ông trở thành người Sài Gòn duy nhất làm nghề viết thư thuê bằng tay. Ông được nhận danh hiệu "Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam" do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận. Và là "Người viết thư thuê chuyên nghiệp nhất trong lịch sử ngành Bưu điện Việt Nam" do Đài truyền hình Việt Nam tôn vinh.

< Dọc hai bên hành lang tòa nhà được bày bán hàng nghìn sản phẩm đồ lưu niệm, bưu ảnh về đất nước con người Việt Nam cũng như về Sài Gòn nói riêng để phục vụ khách du lịch.

Ngày nay, với sự phát triển của internet, điện thoại di động và các dịch vụ vận chuyển khác, bưu điện trung tâm Sài Gòn không còn tấp nập khách đến giao dịch như trước đây.

Tồn tại ở mảnh đất này 150 năm, bưu điện trung tâm Sài Gòn đã chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu sự đổi thay diễn ra ở thành phố phương Nam của đất nước này. Ngày nay, bưu điện Sài Gòn trở thành một trong những công trình biểu tượng về kiến trúc của thành phố Hồ Chí Minh và là điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khắp nơi mỗi lần đến thăm thành phố.

< Hai bên vườn hoa trước cửa là hai tượng đài Bưu điện thời kỳ phát triển hiện đại, được xây dựng dịp chào mừng kỷ niệm 300 năm Sài Gòn.

Người ta đến đây, một phần để ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện này, được đắm mình vào một thế giới của sự cổ xưa, từ chiếc hòm bỏ thư, cho đến các quầy gọi điện thoại. Người ta cũng có thể nghỉ chân trên những chiếc ghế dài bằng gỗ đánh bóng véc-ni, mà tuổi đời dễ cũng cả trăm năm. Bước vào trong bưu điện, ngỡ như thời gian đang trôi rất chậm, bởi ở bất kỳ góc nào, cũng có thể bắt gặp một thoáng Sài Gòn xưa.

Tổng hợp từ Zing News
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét