(CAND) - Ước mơ khám phá đã xui tôi ngược sông Mã, đoạn dài nhất chảy qua tỉnh Thanh Hóa, khoảng hơn 330km, quanh co uốn lượn theo địa hình núi hiểm trở.
Vượt qua hàng trăm con đèo, con suối, với biết bao thử thách, khó khăn cuối cùng tôi cũng đến được nơi “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi…”.
Nước “phi” như ngựa
Bắt đầu từ hạ nguồn, đoạn thị xã Sầm Sơn và cuối cùng là đoạn chảy qua cửa khẩu Tén Tằn (huyện Mường Lát). Ở hạ nguồn, sông Mã uốn lượn, chảy quanh, qua những cánh đồng lúa bát ngát của các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc.
Bắt đầu lên đến Cẩm Thủy là có những rừng luồng lớn. Luồng làm cho dòng sông trở nên kỳ vĩ, thơ mộng hơn. Tuy nhiên, những vùng như Thiệu Hóa, Cẩm Thủy lại có nhiều “kỳ nhân” buôn bè luồng (cây luồng, họ nhà tre) trên sông.
Sông Mã, theo người địa phương là do nước chảy như ngựa phi nên đặt là “Mã” để nói về sự nguy hiểm của dòng sông. Đây cũng là dòng sông nổi tiếng lắm thác, nhiều ghềnh, nhưng cũng vì thế mà sinh ra những người buôn bè luồng cự phách. Họ thậm chí còn đi xa hơn, đến tận các huyện miền tây của tỉnh là Bá Thước, Quan Hóa để buôn luồng.
Từ xã Vĩnh Yên (huyện Vĩnh Lộc), đường đi đa số song song với dòng sông. Con đường ven sông Mã từ Cành Nàng đến Co Lương, đoạn tiếp giáp với huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đã quanh co, nhưng đoạn từ Co Lương đến Mường Lát mới thật sự khiến người khác nản lòng. Chỉ có một đoạn đường dễ đi, khi có nhà máy thủy điện Trung Sơn đang được đầu tư xây dựng. Còn lại những đoạn đi qua xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung chỉ có đường mòn và dốc dựng đứng, đá lởm chởm. Trước khi vượt đoạn đường mòn, dưới tán rừng luồng xanh ngút ngát, ông Ngân Văn Thùy (thôn Rạo, xã Trung Sơn) bảo tôi: “Nên vào hiệu sửa xe của bản nhờ siết lại phanh, kiểm tra ốc để đi dốc cho an toàn”.
Quả không sai. Có những đoạn chúng tôi chỉ mỗi cách xuống xe, nổ máy và hai người cùng đẩy vì đường vừa lầy, vừa trơn mà dốc lại cao. Và nếu không chỉnh lại xe, chắc chắn hai chúng tôi sẽ bị “đo đường” rất nhiều lần. Nhìn xuống dòng sông Mã, nước vẫn ầm ào chảy. Thi thoảng lại có những đoạn tập kết bè luồng của người dân. Từ trên cao nhìn xuống, họ chỉ nhỏ giống như chú chim đậu trên chiếc bè. Chúng tôi ngồi kiểm đếm lại những chặng đường trước đây từng đi, để so sánh mức độ nặng nhẹ với chuyến đi này. Có thể, con đường chinh phục cung đường men theo sông Mã chưa dài, nhưng đủ để nhớ đời về những cú ngã và những cú liều leo dốc của hai kẻ thích khám phá.
Xuất phát từ Trung Sơn từ sáng sớm, phải đến ba giờ chiều chúng tôi mới có mặt ở thị trấn Mường Lát. Kịp nhận ra ở đây, thiếu nữ cực xinh, váy áo xúng xính. Thứ hai hằng tuần, học sinh các trường, nhất là nữ sinh phổ thông mặc đồng phục của dân tộc mình, đã tạo nên một vẻ đẹp diễm tình hiếm có.
Quyết định nghỉ đêm ở thị trấn, sáng sau chúng tôi chinh phục tiếp 30km để đến cửa khẩu Tén Tằn. Cũng là khúc sông cuối cùng của sông Mã chảy qua địa phận Thanh Hóa. Theo tìm hiểu, sông Mã một nhánh bắt nguồn từ huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), chảy qua huyện sông Mã (tỉnh Sơn La), chảy qua Thượng Lào rồi chảy qua Tén Tằn vào Việt Nam. Tới đây thì “sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Cái sự “gầm” đó, có lẽ chỉ những người từng đọc thơ Quang Dũng, nay đứng nhìn cảnh vật thật, với một nhánh sông nhỏ từ phía nước bạn Lào, hợp lưu vào đổ vào Tén Tằn, làm cho dòng nước xiết hơn, cuộn bọt trắng xóa mới cảm nhận được.
Và những khúc bi tráng
Quyết định quay lại bằng đường cũ. Nhưng sẽ đi tìm những “kình ngư” trên sông và những người lái bè luồng cự phách. Thật không dễ để tìm được họ, bởi họ sống nay đây mai đó. Nhưng khi tìm được, tâm sự thì được họ cho biết rất nhiều người có tài lái bè luồng. Bởi họ vượt thác, băng ghềnh như cơm bữa. Dẫu thi thoảng theo từng năm, có những người bị thần sông cướp đi. Song không vì thế mà cuộc sống thôi tiếp diễn và người dân từ bỏ nghề. Họ vẫn đi, vẫn chinh phục và từng ngày, từng giờ đúc rút kinh nghiệm.
Ngay tại khu vực bản Tài Chánh, xã Mường Lý (huyện Mường Lát), chúng tôi gặp ông Hà Văn Nhưng, 68 tuổi, có thâm niên 50 đi bè luồng và săn cá lăng. Nay tuổi đã cao, nhưng sức vóc, dáng vẻ ông Nhưng còn cường tráng. Ông vẫn nhận “ủy thác” của một số bà con trong bản đưa bè xuống xuôi sông, đến khu vực xã Trung Sơn của huyện Quan Hóa thì có ô tô đón luồng.
“Ba con trai tôi đều giỏi sông nước. Để giỏi được thì từ bé đã phải ngã xuống nước, uống no nước sông rồi. Người chết trên sông, tôi có nghe nói... nhưng ở bản tôi thì không. Dường như ai cũng biết cách để chinh phục dòng nước”, ông Nhưng tâm sự. Tôi hỏi: “Nhìn những bè luồng vượt thác, cháu thấy rất nguy hiểm. Tại sao người dân không lựa lúc nước yên rồi vượt?”. Ông Nhưng giải thích: “Người dân coi hiểm nguy là bạn. Nó là cuộc sống, là máu và nước mắt, là cuộc mưu sinh. Vả lại, không làm nghề này thì chẳng biết làm nghề gì khác”.
Tôi thắc mắc về mức độ ăn nói lưu loát hiếm có của ông Nhưng. Bởi gặp những người dân tộc Thái ở đây, chỉ thấy giọng lơ lớ. Ông Nhưng cười bảo, do tiếp xúc với nhiều người. Trong đó không ít người Kinh, có người từ mãi mấy huyện dưới đồng bằng ngược lên buôn luồng.
Đứng cạnh ông Nhưng là anh Hà Văn Phải, dáng nhỏ nhắn nhưng chắc, đen giòn. Anh Phải là người được cha tôi luyện mãi trên môi trường sông nước. Song, do thời trẻ, chủ quan đã mấy lần bị tai nạn. Năm 1990, dù được bố cảnh báo về trận bão, nhưng anh Phải vẫn đi bè. Anh bị hất xuống sông. Bà con đi tìm ba ngày không thấy, nghĩ là con đã chết.
Một tuần sau, anh Phải được người dân bản Xước, cách đó gần hai chục cây số đưa về, với nhiều vết thương trên người. Anh Phải kể: “Tôi bị nước cuốn trôi, rồi bị mắc vào bụi cây, ngất đi. May mà được người dân đi chài lưới phát hiện cứu giúp. Không thì ra ma từ lâu rồi”.
Sau tai nạn đó, ông Nhưng quyết “đào tạo lại” cho các con để có thêm kỹ năng vượt thác, vượt ghềnh. Ba con trai, ba chàng trai trẻ ra sức học. Họ học kỹ năng đưa bè ngược sông, vượt thác. Mỗi người phải trả giá bằng cả chục lần bị văng xuống sông. Sau cùng, họ đã thành công. Giờ, với bè luồng, họ có thể đưa ngược dòng nước xiết hay đoạn thác của sông một cách ngoạn mục mà người bình thường không thể tin nổi.
Xuôi theo đường mòn, và có những đoạn cùng người dân đi bè xuôi xuống các xã Phú Xuân, Phú Sơn (huyện Quan Hóa), tôi cũng gặp nhiều người “ăn sóng nói gió” trên sông. Họ dường như học được cách đối mặt với nỗi vất vả, nỗi yêu đời để sống lạc quan. Có khách, họ tiếp đón thịnh soạn bằng rượu mua từ làng Mai Hạ ở mãi tận Mai Châu (Hòa Bình). Thức nhắm thì bằng tôm, cá đánh trên sông. Con nào cũng rắn, ngậy và thơm ngon.
Hỏi một số người dân tại sao nghề vất vả, mà họ vẫn cười sảng khoái đến thế. Anh Hà Công Thanh cho biết: “Sống lâu cũng quen. Với lại, ta không tự tìm niềm vui cho ta thì ai là người đem nụ cười đến. Ở trên sông, vào những ngày mưa cũng buồn buốt ruột. Đêm khuya thì thanh vắng. Nếu không biết hát hò để mà tự hát cho mình nghe, thì thấy đêm dài lắm, vì không phải cứ muốn là ngủ được. Dù khó khăn, nhưng những người như tôi tin tưởng thần sông sẽ che chở cho những chuyến đi dù xuôi hay ngược”.
Để thay đổi cảm giác, anh Hà Văn Bích “tiếp đón” tôi vượt một đoạn ghềnh. Khi mấy người đã đứng hẳn lên bè, anh nói như quát vào tai: “Vững tim nhé, sẽ rất cảm giác mạnh đấy!”.
Bè được thả trôi. Anh Bích, anh Lỉnh cầm cây sào cứng. Đang êm, thoải mái ngắm non nước mây trời thì đầu chiếc bè va vào đá. Người ngã chúi về phía trước. Anh Bích nói: “Chưa là gì, phải qua đoạn ghềnh Cởm kia”.
Nước xối xả réo, bọt tung trắng xóa. Chúng tôi ngồi xuống, tay níu chặt vào dây mây nêm chặt vào bè để khỏi văng. Dòng sông như bỗng trở nên rộng hơn, hung dữ như nuốt chửng chúng tôi. Nước tát vào mặt. Bè lảo đảo. Anh Bích, anh Lỉnh ra sức chỉnh dòng. Sang trái, lao sang phải. Kìa, lại một đợt nước xối xả tát vào mặt. Người ngợm chúng tôi ướt cả. Khuôn mặt ai nấy đều căng thẳng, tay níu chặt. Anh Bích tiếp tục hét to: “Cứ yên tâm. Đây là chuyến nhớ đời”.
Chiếc bè bỗng lao vun vút. Tôi thấy người choáng váng và sợ hãi. Anh Bích, anh Lỉnh cũng cúi thấp người. Nước đẩy chúng tôi đi mỗi lúc một nhanh, và khi tôi hoàn hồn cũng là lúc bè đi chậm hơn, chúng tôi đã vượt xa con ghềnh hàng trăm mét. Anh Lỉnh bảo: “Vượt thành công rồi”. Tất cả cùng hò reo, vang cả một khúc sông, một khoảnh rừng. Tôi thấy, mình vừa trải qua một thử thách, thử thách lớn, như một khúc bi tráng trong dòng chảy cuộc đời mà tôi sẽ nhớ mãi.
Tiếp tục xuôi bè về thị trấn Hồi Xuân, tôi được người dân kể về ông Hồ Văn Dân, một người nổi tiếng chinh phục bè luồng sông Mã, cứu tài sản Nhà nước và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, được Bác Hồ tặng huy hiệu vì những đóng góp to lớn của ông. Con người đứng trước sông Mã thật nhỏ bé, nhưng có những người đã chinh phục được sự hung dữ cũng như kỳ vĩ của dòng sông để trở thành người làm chủ cuộc sống mình, làm chủ con sông và mảnh đất mà bao đời cha ông gìn giữ.
Theo Nguyễn Văn Học (Báo Công An Nhân Dân), ảnh internet
Du lịch, GO!
Ngược dòng sông Mã
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét