(Tiếp theo) - 6h sáng, bắt đầu một ngày mới trên xứ ngàn hoa. Trời vẫn rét căm khi bọn mình thả bộ xuống khu chợ nhỏ đường Ánh Sáng. Ở đây có quán phở và những quầy hàng rong bán bún, miến. Khói trong nồi nước lèo nóng ấm người, mùi thơm thoang thoảng... và dĩ nhiên là giá rất bình dân.
Chợ là chợ, còn uống cà phê thì sẽ rảo bước vào các hẻm ở Nguyễn Chí Thanh. Cà phê bình dân thôi, quán nhỏ nhưng đông khách chen chân đến không còn chỗ ngồi nên mình chọn bàn ghế phía ngoài. Bạn biết tại sao người ta chen chút ở phía trong không? Chỉ do lạnh, lạnh lắm. Ngồi phía ngoài hàng hiên có gió lộng khiến cái lạnh tăng thêm, vậy nên ghế trống. Ghế ngồi của các quán bình dân tại Đà Lạt thường bọc nệm. Chả phải sang trọng gì đâu mà chỉ giúp khách phần nào chống lại cái lạnh ở... bàn tọa, đơn giản vậy mà!
< Khách sạn bọn mình trú đây. Phòng đẹp, ấm cúng, tiện nghi: khéo ngã giá nên chỉ phải trả 150k.
Cà phê quán nhóc (có lẽ cao hơn 'quán cóc' một bậc, hi hi) đặc sánh, thơm lừng... với ly và phin được đặt trong cái ly cao lớn hơn chứa nước sôi. Không có thứ nước nóng bọc ngoài này, khi cà phê xuống hết chắc thành ly cà phê đá luôn rồi.
< Hơn 7h trên phố Nguyễn Chí Thanh. Thay vì uống cà phê cóc phía dưới này, mình rảo bước lên khu hẻm quán phía trên - khu trung tâm.
< Nắng sáng làm giảm đi cái lạnh. Vậy nhưng trong bóng râm: cái gió rét vẫn căm căm. Ly cà phê khiến tỉnh cả người.
Đà Lạt được mệnh danh là 'thành phố hoa' hay thành phố của mùa xuân'. Do là vùng cao nguyên nên ở đây rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24ºC và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15ºC, thậm chí có thể xuống thấp hơn. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 với lượng mưa trung bình năm 1.755mm và có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương, ngàn sắc suốt quanh năm.
< Bùng binh chợ Đà Lạt chan hòa nắng sáng, người người bắt đầu nhộn nhịp.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300km là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần, cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Prenn thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ và dĩ nhiên đủ loài hoa vươn sắc thắm.
< Thả bộ xuôi theo đường xuống hồ Xuân Hương, dưới kia là con lộ Lê Đại Hành và bùng binh trung tâm thành phố.
< Khu công viên nằm giữa Lê Đại Hành và Nguyễn Thị Minh Khai.
Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vượt qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt: con đường dẫn lên cao nguyên.
< Là thành phố đồi núi nên Đà Lạt không thiếu những cây cầu bộ hành tuyệt đẹp: cầu ni tại đây.
Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng bắc – nam, trong đó đoạn từ khoảng hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát.
< Hồ Xuân Hương ngay trung tâm thành phố. Hồi bị vét và cải tạo, hồ trở đáy suốt cả năm... nhưng giờ đây tuyệt đẹp.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: "Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt".
< Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo có chu vi chừng 5km, chung quanh hồ có rừng thông và các bãi cỏ, vườn hoa. Hồ có hình trăng lưỡi liềm kéo dài gần 7 km đi qua nhiều địa danh du lịch của thành phố Đà Lạt như: Vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù... Hồ Xuân Hương cũng là thượng nguồn của Thác Cam ly.
< 2 cô Tây xinh xắn ngồi hóng nắng bên bờ hồ.
Chạy loanh quanh một hồi, ấm người rồi thì trở lên khách sạn. Việc nhà lu bu, chạy lên xứ hoa cũng chỉ cốt yếu xem việc 'dựng quán' của con mình như thế nào chứ không có kế hoạch gì cả nên hành lý mang theo cũng tẻo teo. Vậy nên thấy hắn làm tốt rồi nên thôi, 'mình về em à'.
< Trả phòng rồi ra quán lần nữa. Nửa kia đứng trước quán, ông Tây ngồi thong dong là khách đầu ngày, đang chờ cà phê (Quán nay không còn đâu nhé).
Vào thời kỳ đầu, các bản đồ cũng như sách báo thường chỉ nhắc đến địa danh Dankia hay Lang Biang. Nhưng sau khi Đà Lạt được chọn làm nơi nghỉ dưỡng thay vì Dankia, và đặc biệt từ khi nơi đây trở thành một thành phố, địa danh Đà Lạt mới xuất hiện thường xuyên.
< Em Win đang chuẩn bị căng mình chạy tiếp hơn 300 cây số nữa để 'về dinh'.
< Tạm biệt, chúc phát tài rồi thì đi. Lúc này đã gần 10h sáng.
Những người có công kiến thiết thành phố còn sáng tạo một câu cách ngôn khéo léo bằng tiếng La Tinh: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa 'Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe'.
< Hôm qua, lên xứ hoa bằng đèo Prenn thì nay, bọn mình rời Đà Lạt bằng con đèo Mimosa.
Tác giả André Morval đã viết câu cách ngôn chiết tự này ở đầu một bài báo nhan đề 'Dalat: Cité de la Jeunesse' với nội dung: "Những người khai sinh ra nơi nghỉ mát trên miền núi danh tiếng của chúng ta đã xác định một cách rất hợp lý những nét hấp dẫn và những đặc tính tốt bằng một câu cách ngôn ghép chữ đầu rất khéo léo để liền theo huy hiệu thành phố".
< Đèo Mimosa mang tên loài hoa của Đà Lạt có chiều dài 10 km (Đèo Prenn dài 11km) kéo dài từ chùa Tàu đến điểm bắt đầu lên đèo Phrenn, uốn lượn qua bao đồi núi quanh co. So với những khúc cua tay áo thót tim của đèo Prenn, đèo Mimosa dịu dàng hơn với nhiều điểm dừng chân ngoạn cảnh.
< Tuy nhiên, do khởi hành về khá trễ nên mình trực chỉ luôn mà không ghé điểm nào.
Năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ 'Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem' trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc.
< Vào khu vực chia nhánh ở thác Prenn, đoạn cuối cao tốc Prenn - Liên Khương.
Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những di sản kiến trúc Pháp phong phú, Đà Lạt còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris".
< Chạy theo đường dẫn riêng cho xe 'ít bánh' để vào QL20. Hôm nay trời nắng tốt, trong xanh.
< Con đập của hồ thủy điện Đại Ninh cao ngất ngưỡng (vị trí ở đây).
Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sỹ Alexandre Yersin, người đã từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893.
< Nuối tiếc đôi chút do về sớm, lại nhủ thầm thôi thì chuyện 'công vụ', chuyến này tựa 'Cỡi ngựa xem hoa' - Mai kia ta lại làm một chuyến Dran vùng Đơn Dương vậy.
< Nhấn pause tạm dừng tại chùa Lạc Quốc Ni Viện (Tam Bố - Di Linh) nghỉ chân.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu: những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó.
< Tháo bớt một lớp áo gió ngoài do nhiệt tăng dần, nước bốc hơi. Mất nước thì 'độp' nước vô.
Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố với 211 ngàn dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
< Chính điện không lớn nhưng khuôn viên xung quanh rất rộng với nhiều tượng, dãy ni viện phía sau. Nhiều bạn trẻ đã từng qua khóa tu học tại đây.
< Hàng thông xanh ven khuôn viên chùa.
Mươi phút nghỉ chân rồi lại đi, lúc này đã 11h20, nhanh hỉ!
< Bọn trẻ tan học đang cuốc bộ trên quốc lộ về nhà. QL có cái 'ổ gà'...
Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa.
< Mà ổ gà chả thiếu, có cái đã vá phẳng rồi như cái này...
< Cái khác được xe cạp xong để tạm, chờ vá. Chạy nhanh, gặp ổ gà bất ngờ thì có đường chờ cấp cứu luôn!
< Nhưng nói gì thì nói, đường rứa đã tốt lắm rồi. Lắm dân phượt ta còn hăng hái đi những con đường nhưng chẳng thể gọi là đường do 'cày sình' lung tung, bụng còn hể hả kia mà, hi hi...
< Quá trưa, vượt Di Linh. Nhẫm tính sẽ ghé Bảo Lộc qua bữa.
< Nhưng trước đó ghé 'thẩm định' cà phê và trà Tâm Châu cái đã, free, tức khỏi tốn tiền. Chả ngon lành gì nhưng được cái sạch sẽ, chỗ ngồi thoáng mát rộng rãi.
< Thỏa rồi lại lấy xe đi. Trong này cũng có cơm trưa nhưng về Bảo Lộc sẽ... rẻ hơn nhiều. Xem bộ hơi 'trùm sò' nhỉ?
Thôi đành làm trùm, dành vốn cho con mình làm ăn.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét