Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Nỗi niềm du lịch

(SGGP) - Đi “phượt” hóa ra không phải là trò chơi mới được phát hiện của đám trẻ bây giờ. Ở Việt Nam, cuối thế kỷ 19 có bác Tản Đà hỏng thi hai bận cũng bỏ nhà ngao du sơn thủy. Bác ấy kết bạn với nhà tư sản Bạch Thái Bưởi rủ nhau vào mạn Hương Tích nằm khoèo uống rượu, đàm đạo văn chương.

Rồi ngược Bắc, du Nam gần hết tuổi trẻ và trở thành một nhà thơ xuất chúng. Tuy nhiên, lúc gần già cũng có hơi ngậm ngùi than vãn:
Trời sinh ra bác Tản Đà,
Quê hương thời có, cửa nhà thời không.
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly…

Thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước miền Bắc chỉ có 4 khu du lịch tạm gọi là đúng nghĩa. Đại khái có nơi ăn chỗ ở mậu dịch được đặt trước theo kế hoạch của cơ quan. Đó là Sầm Sơn, Đồ Sơn dưới biển và Sa Pa, Tam Đảo trên rừng.

Du lịch ở miền Bắc cũng chỉ có một mùa. Đúng ra là chỉ vài ba tháng mùa hè. Những tháng còn lại trong năm, các khu du lịch hầu như đóng cửa. Người Hà Nội gọi du lịch là đi nghỉ mát. Điều đó có nghĩa ba mùa còn lại thu, đông, xuân đã mát rồi, không ai đi nữa. Lúc ấy, mọi thứ sinh hoạt nhờ tem phiếu cũng không thể bỏ nhà đi du lịch ở những nơi khác với mấy trung tâm nghỉ mát này. Và du lịch cũng chỉ có một chiều là người thành phố đi về các vùng nông thôn. Người quê không có chữ du lịch trong từ vựng.

Đi du lịch lên Sa Pa phải dùng đến 2 ngày cho quãng đường không lấy gì làm dài lắm. Từ Hà Nội đi tàu hỏa lên Lào Cai mất trọn vẹn 1 ngày. Ngủ đêm lại thị xã, sáng mai xe ngựa rong ruổi quá trưa mới vào đến Sa Pa. Đường đi đèo dốc chập chùng mây khói như lạc vào cõi tiên. Giữa đường mở cơm nắm mang theo từ hôm trước ra ăn ở những đỉnh đèo ngựa nghỉ chân. Đến Sa Pa vào nhà nghỉ quốc doanh đâu như khách sạn Victoria bây giờ. Lúc ấy hình dung về chủ nghĩa xã hội thì nơi này là đỉnh cao hưởng thụ dù vẫn ăn cơm ở nhà ăn tập thể có gõ kẻng và dĩ nhiên định suất theo chức vụ cán bộ.

Du lịch Sầm Sơn quãng đường có ngắn hơn chút ít nhưng cũng không thể đến trong ngày. Vẫn phải ngủ đêm lại thị xã Thanh Hóa, chờ sáng hôm sau mới có xe ngựa nhong nhong vào Sầm Sơn. Tuy nhiên người thường có thể đi riêng lẻ không cần phải là cán bộ nhà nước. Dĩ nhiên ở trọ nhà dân. Nước giếng và quạt nan. Tự nấu ăn hoặc ăn cùng với dân chài. Lúc ấy, trẻ con Hà Nội nhiều đứa bị bệnh ghẻ lở, chốc đầu. Nhà khó khăn mấy cũng cố cho con cái vào Sầm Sơn ngâm nước biển vài tuần để chữa ghẻ. Đứa nào cũng khỏi. Nhưng chán. Nhiều đứa bị gia đình cho vào Sầm Sơn khi không hề ghẻ rất ấm ức. Bạn bè sẽ nghi ngờ là bị hắc lào chỗ kín.

Từ ngày thống nhất đất nước, du lịch được mở mang cả về địa lý lẫn thời gian. Có thể đi khắp đất nước và ra nước ngoài cả bốn mùa trong năm. Có hẳn một Tổng cục Du lịch Việt Nam ra đời vào năm 1978 thay cho công ty du lịch có từ năm 1960. Đã bắt đầu có những hành trình du lịch theo chiều ngược lại cho đồng bào nông thôn đến các thành phố lớn. Ngày trước, người nông thôn nhiều nhất cũng chỉ ra Hà Nội ăn một que kem xem Nhà hát Lớn rồi về.

Ở bất cứ đâu trên đất nước người ta cũng nhìn thấy tiềm năng du lịch. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới nhiều cảnh quan đẹp đẽ như nước mình. Và cũng hiếm có dân tộc nào giàu trí tưởng tượng như dân mình. Đôi khi địa phương chỉ có một thác nước rộng bằng cái dải yếm cũng có thể làm điểm du lịch được rồi. Lại có lúc người ta nhìn vào mấy ngọn đồi trọc hay mảnh đất hoang hóa mà hình dung ra cả một quần thể du lịch với chùa chiền, miếu mạo sẽ được xây mới hoàn toàn. Đã có vài khu du lịch như thế.

Với đám trẻ bây giờ thì không gian du lịch còn rộng hơn thế nữa. Đại khái du lịch với họ có nghĩa là bất cứ đâu không phải quê mình. Và độ can đảm liều lĩnh hẳn là vượt xa các bậc cha anh. Cứ “xách ba lô lên và đi” coi như cả thế giới đã nằm trong smartphone của mình vậy!

Thế nhưng, dù nhiều điểm du lịch như vậy mà thật ra lại rất ít nơi đáng đến. Không chỉ cảnh quan nhân tạo được bài trí giống nhau mà còn có nhiều thứ dịch vụ giống nhau như hệt ở đặc điểm quây bám “chặt chém” du khách. Rất hiếm khu du lịch tránh được nhược điểm này.

Thế cho nên đám thanh niên nghĩ ra trò đi “phượt” dù không mới nhưng là một phương thức an toàn và tiết kiệm hơn cả. Người già muốn an toàn và tiết kiệm chỉ có một cách thôi. Năm nào cũng đến một nơi cố định. Ở căn phòng năm ngoái. Ăn món ăn năm ngoái. Dạo chơi trên những nẻo đường năm ngoái để ngắm nhìn cảnh vật năm ngoái. Với đám bạn đồng hành ngày một ít đi…

Theo Đỗ Phấn (Báo Sàigòn Giải Phóng)
Du lịch, GO!

Tản mạn chuyện ngày xưa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét