Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

15 ghi nhớ cho bạn mới chụp ảnh

(NLĐ) - 15 điều chụp ảnh cơ bản dưới đây có thể hỗ trợ cho những bạn mới tìm hiểu nhiếp ảnh phần nào nắm những thông tin cơ bản và cần thiết nhất khi cầm máy ảnh.

Có quá nhiều điều để tìm hiểu, để nhớ, để nói mỗi khi nhắc đến nhiếp ảnh. Những ai đang tập tểnh bước vào thế giới này, đôi khi như lạc vào khu rừng rối rắm của mớ lý thuyết khô cằn chán ngấy hoặc ngụp lặn trong mớ quan điểm được gọi là dân nhà nghề chia sẻ 5 đường 7 nẻo.
Với tinh thần "xem ảnh nói chuyện" để đơn giản hoá, dưới đây là 15 điều được đúc kết thành những tấm stick có thể bỏ túi miễn phí, hầu có thể hỗ trợ cho những bạn mới tìm hiểu nhiếp ảnh phần nào nắm những thông tin cơ bản và cần thiết nhất khi cầm máy ảnh.

1. Thang nhiệt độ màu

Nắm vững về nhiệt độ màu là điều quan trọng với bất cứ ai cầm máy ảnh. Vậy, nhiệt độ màu là gì? - Mỗi nguồn sáng có màu sắc riêng, thay đổi từ màu đỏ sang màu xanh, người ta gọi là nhiệt độ màu. Nến, hoàng hôn, bóng đèn dây tóc... phát ra ánh sáng gần với màu đỏ (cho ra tấm ảnh có màu ấm), trong khi bầu trời trong xanh, rừng cây sương sớm... cho ra tấm ảnh có ánh sáng màu xanh “mát mẻ”.


Nhiệt độ màu được tính theo đơn vị Kevin (K). Nhiệt độ trung bình giữa đỏ (ấm) và xanh (lạnh) là khoảng 5.000 K. Khi bạn thiết lập cân bằng trắng (WB - white balance) trên máy ảnh, tức là bạn chọn nhiệt độ màu tương ứng với nhiệt độ màu của nguồn sáng tại điểm chụp để bức ảnh chụp được đúng màu.

2. Độ sâu trường ảnh

Dof (Depth of field - tạm dịch “Độ sâu trường ảnh”) đại khái là khoảng cách nét theo trục ống kính, nắm vững dof và làm chủ dof là kỹ thuật nền tảng để sáng tác đa dạng ảnh hấp dẫn nhất.


Bài này tóm lại rằng có 3 điểm tác động làm thay đổi độ sâu trường ảnh: độ mở ống kính (aperture khẩu độ), khoảng cách từ ống kính đến điểm lấy nét (focus distance) và tiêu cự ống kính (focal length). Trong ảnh là 3 tình huống thay đổi của 3 điểm vừa nêu, có ảnh hưởng đến ý đồ người chụp muốn cho ra bức ảnh như thế nào.

3. Phơi sáng

Có ba yếu tố chính tác động đến thời gian phơi sáng của máy ảnh. Aperture - khẩu độ là độ mở của ống kính, shutter speed - tốc độ màn trập của máy ảnh, iso/grain - độ nhạy sáng của film trong máy chụp film hoặc cảm quang máy ảnh số. Bạn quan sát kỹ cái vòng tròn tương ứng 3 yếu tố này tác động đến lượng sáng đi đến cảm quang / film cần thời lượng như thế nào (thời gian phơi sáng).


4. Tiêu cự ống kính

Chọn tiêu cự ống kính phù hợp với mục đích và đối tượng chụp là quan trọng. Đôi khi có thể dùng không theo nguyên tắc vì một mục đích sáng tác nào đó, tuy nhiên, chọn tiêu cự thích hợp nhất cho thể loại ảnh bạn sẽ chụp là cần thiết.


5. Khẩu độ

Mình khuyên là nên học thuộc lòng. Chẳng hạn đang chụp ở khẩu f/5.6, muốn mở thêm 1 khẩu phải biết rõ nó là f/4, thấy dư sáng cần đóng 1 khẩu thì biết nó là f/8. Tương tự như vậy, thang tốc độ cũng nên thuộc lòng. Kinh nghiệm mình là nên như vậy. Nhưng tuỳ ý mỗi người và nhiều người khác.


6. Biểu đồ histogram

Biểu đồ histogram trong máy ảnh số giúp theo dõi để hiệu chỉnh các thông số máy ảnh tốt hơn. Bên trái của biểu đồ là biểu thị của vùng tối, bên phải là biểu thị vùng sáng. Đọc được biểu đồ này sẽ giúp các bạn mới trong việc cân chỉnh vùng sáng tối cho khung ảnh của mình.


7. Ánh sáng chân dung

Trong việc sử dụng nguồn sáng hoặc các nguồn sáng cho thể loại ảnh chân dung, chúng ta có các “setup” ánh sáng cơ bản. Thường thì không cần quá phức tạp, nhưng các mẫu mang lại hiệu ứng ánh sáng kinh điển và ấn tượng nhất vẫn được hầu hết mọi người sử dụng. Chẳng hạn chỉ chụp headshots, mẫu cười nhưng với chuyển động đôi mắt thôi, cũng đã có 10 pose khác nhau với ánh sáng khác nhau thì rất thú vị cho các bạn thích chụp chân dung.





8. Trường sáng

Bảng sau biểu thị sự khác nhau khi hiệu chỉnh ánh sáng khác nhau.


9. Quay tay (manuel)

Khẩu độ (exposure) là độ mở của ống kính. Chỉ số f càng nhỏ thì độ mở ống kính càng lớn và ngược lại. Tốc độ màn trập nên chọn ở tốc độ gấp đôi tiêu cự ống kính đang chụp nếu cầm máy ảnh bằng tay (chẳng hạn đang chup tiêu cự 85mm thì nên chọn tốc độ 1/160s để tránh rung lắc máy, trừ phi bạn đã quen và khống chế tốt độ rung với đôi tay ở tốc độ chậm).


Nên sử dụng chân máy khi phơi sáng với tốc độ màn trập chậm. ISO là độ nhạy sáng của máy ảnh, số càng thấp thì độ nhạy thấp sẽ cho hình ảnh mượt mềm hơn số iso cao, hình sẽ nhiễu hạt.

10. Cơ chế đo sáng của máy Nikon

Đo sáng là việc quan trọng của chụp ảnh và máy ảnh, trước khi nghĩ đến tốc độ màn trập, khẩu độ ống kính, độ nhạy sáng cảm quang... thì cần đo sáng đã. Bảng sau chỉ là tổng hợp lại hệ thống đo sáng để tiện sử dụng với nhiều hoàn cảnh, nhiều loại đối tượng chụp và nhiều dòng máy.

11. Các cơ bản nhất nên có trong túi áo

Các mode chụp ảnh, các cân bằng trắng mặc định có sẵn của máy ảnh, các hiệu chỉnh cơ bản về khẩu độ, tốc độ, iso. Cái này hồi trước người ta in luôn trên hộp đựng film, hồi bé, mình vẫn giữ một miếng khi chụp. Hộp film, từ khi có máy số, ngày nay không thấy in cái thẻ thông số như vậy nữa.


12. Năm mươi mẫu cơ bản chụp chân dung bạn gái

Anh em mới cầm máy ảnh, hoặc anh em thích chụp ảnh bạn gái, đôi khi ra đến hiện trường, mất tự tin bấm máy bởi vì mẫu không biết diễn như thế nào. Đây là cái bảng súc tích 50 tư thế cơ bản và đẹp bỏ túi cho bạn.





13. Các biểu tượng “shooting mode” của Canon và Nikon

Một so sánh nhỏ hai nút chọn “cơ chế” chụp của Nikon D3100 và Canon 550D. Lựa chọn thương hiệu và sở thích hoặc thói quen... đôi khi cũng nên làm một so sánh vui vẻ nhưng nhiều điều lòi ra.


15. Góc chụp

Mỗi tiêu cự ống kính là một góc ảnh đẹp nếu bạn biết khai thác. Độ dài tiêu cự là gì? Khi nào thì sử dụng ống kính góc rộng? Khi nào thì sử dụng ống kính tele? Hoặc bạn thử ngắm 1 khung cảnh, nhưng sẽ thử chụp với 10 góc với nhiều tiêu cự, bạn sẽ thấy nhiều điều rất thú vị. Kinh nghiệm là không bao giờ đứng một chỗ chụp rất nhiều tấm ảnh, nên di chuyển và chọn góc chụp cũng như chọn tiêu cự đẹp nhất cho khung ảnh.

Nhấn ảnh để xem rõ hơn, bạn nhé.

Du lịch, GO!

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, Cần Thơ sở hữu một đời sống văn hóa sông nước riêng vô cùng đặc trưng. Nơi đây, ghe thuyền là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân. Chính vì đặc trưng này mà chợ nổi đã dần hình thành, và trở thành một biểu tượng của vùng.

Thành phố sông nước hữu tình

Chợ nổi Cái Răng của Cần Thơ là chợ nổi lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nằm ở gần cầu Cái Răng, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 6km. Từ bến Ninh Kiều, bạn có thể thuê một chiếc ghe nhỏ và mất khoảng hơn 30 phút là ra đến chợ. Chợ họp từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 – 10 giờ thì tan.

Đến thăm chợ vào khoảng 7 – 8 giờ sáng là khoảng thời gian đẹp nhất, đó là lúc bạn có thể chứng kiến hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ mua bán nhộn nhịp khắp một khúc sông dài.

Một chi tiết rất đặc biệt của chợ nổi đó là cây bẹo, một cây tre dài cắm ở trước mũi của mỗi thuyền buôn, trên đó treo những cây trái điển hình, thông báo loại cây trái đang được bán trên thuyền. Từ xa nhìn thấy cây bẹo, người mua có thể biết nơi nào bán thứ nông sản mình cần để tìm đến mua. Chính những cây bẹo với rất nhiều loại cây trái khác nhau này đã tạo nên một nét riêng vô cùng thú vị cho chợ nổi.

Chợ Cái Răng là nguồn tiêu thụ và phân phối chính các đặc sản cây trái nông sản của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Len lỏi thuyền đi trong chợ, bạn sẽ vô cùng thích thú khi nhìn thấy những vựa nhãn, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt.. tràn ngập trong ngoài. Bên cạnh đó, cũng có những thuyền nhỏ bán thức ăn, bán đồ gia dụng, bán nước giải khát.. Nói chung, chợ trên đất liền có gì, chợ nổi trên sông có cái đó, không thiếu gì cả từ vật dụng lớn và nặng nề cho đến cây kim sợi chỉ. Khi tham quan chợ, bạn đừng quên ghé lại một sạp trái cây để mua ít trái cây tươi ngon thưởng thức, trò chuyện với những con người sông nước, để hiểu thêm cuộc sống của người dân xứ này.

Tiếp tục chuyến hành trình, bạn có thể len lỏi vào những kênh rạch nhỏ để tham quan những vườn cây ăn quả ở đây. Được phù sa sông Hậu quanh năm bồi đắp, những vườn cây ăn quả ở vùng sông nước Cần Thơ cho trái quanh năm. Thật thích thú khi tận mắt chứng kiến những trái sầu riêng trĩu trịt trên cành, những cây măng cụt, vú sữa trĩu quả, những cây mận trái chín đỏ cây. Nhiều nhà vườn mở cửa thoải mái, bạn có thể vào tự tay hái trái rồi ra cân tính tiền.

Người Cần Thơ rất chân chất và niềm nở. Bạn có thể ngồi lại vườn, uống tách trà nóng pha mật ong, trò chuyện với chủ vườn, tìm hiểu thêm về đời sống của các loại cây ăn quả, về con nước lớn nước ròng, để thêm yêu miền đất nơi đây. Nằm trên chiếc võng đong đưa dưới tán cây mát rượi trong một khu vườn xanh mướt, nghe điệu đờn ca tài tử ngọt ngào của các nghệ nhân miệt vườn, nhâm nhi đĩa trái cây tươi ngọt, không còn gì có thể hạnh phúc hơn.

Nhiều công trình kiến trúc cổ giá trị

Không chỉ có sông nước hữu tình, Cần Thơ còn là một trong những vùng đất lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều ngôi đình cổ, chùa cổ, nhà cổ trên trăm năm tuổi tuyệt đẹp vẫn được bảo tồn cẩn thận cho đến ngày nay, đặc biệt là ngôi đình cổ và nhà cổ Bình Thủy.

Đình cổ Bình Thủy, còn gọi là Long Tuyền cổ miếu, được xây dựng từ năm 1844 là một công trình có giá trị về truyền thống, văn hóa, kiến trúc của người Việt từ thời khẩn khoang vùng đất Nam Bộ. Sau lần xây dựng đầu tiên, đình còn được xây dựng lại hai lần. Một lần vào năm 1852, sau khi đình được vua Tự Đức phong danh “Bổn cảnh Thành Hoàng”, người dân góp tiền lại xây mới.

Lần thứ hai vào năm 1909, khi ngôi đình đã qua cũ và yếu, những người giàu có trong vùng đã đóng góp tiền xây dựng ngôi đình mới hoàn toàn cho đến ngày nay. Tuy lần xây dựng sau cùng vào khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng kiến trúc của đình mang nhiều yếu tố độc đáo của kiến trúc cổ truyền nước ta từ xa xưa như chạm khắc trên gỗ, lối xây dựng đăng đối hài hòa, các họa tiết vô cùng sinh động kể về đời sống con người, mô tả cây cỏ thiên nhiên và vạn vật ở miền Nam.

Không chỉ là nơi thờ các vị bổn cảnh thần làng, những người anh hùng, những vị chức sắc có công với xứ sở, quê hương, đình còn là nơi hội họp dân làng trong những dịp quan trọng, là nơi giao lưu văn hóa, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương cũng như du khách thập phương.

Trong làng Bình Thủy còn có một công trình cổ giá trị mà bất cứ ai đến với Cần Thơ cũng nghe danh tiếng và muốn một lần được ghé thăm. Đó là nhà cổ Bình Thủy. Có thể nói đây là ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ sở Tây Đô cũng như của cả miền Tây. Được xây dựng từ năm 1807, ngôi nhà với lối kiến trúc kiểu Pháp vô cùng tao nhã, sang trọng và tinh tế. Mặt ngoài  được trang trí bằng nhiều chi tiết tinh xảo với những ô cửa lớn đón nắng, tạo thêm vẻ quý phái cho căn nhà.

Bên trong là lối kiến trúc đậm chất Nam Bộ với mái nhà cao, khán thờ trang trọng đặt giữa gian nhà chính cùng các bao lơn bằng gỗ giá trị. Nơi đây còn là một bảo tàng mở với muôn vàn những cổ vật quý giá như bàn ghế, tủ, máy đĩa nghe nhạc, chén bát kiểu.. của dòng họ Dương, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà.

Năm 2009, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà cổ Bình Thủy cũng đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Người đẹp Tây Đô”, là một bộ phim hấp dẫn nói về đời sống của con người Nam Bộ thời trước.

Cần Thơ không chỉ đẹp và bình yên, mà còn là một vùng đất của lịch sử, văn hóa và truyền thống lâu đời, khiến cho ai cũng muốn được một lần ghé đến.

Theo Huỳnh Thu Dung (Hiệp hội Du lịch Bình Thuận), ảnh internet
Du lịch, GO!

Bất ngờ ở Gò Công

(TTCT) - “Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng...”. Nhưng đây không phải là những sắc màu của nhạc sĩ Trần Tiến, mà là những sắc màu của lúa trên con đường chúng tôi đi. Điểm đến là một nơi hiếm thấy trên bản đồ du lịch thông thường, dù không xa Sài Gòn là bao nhiêu.

Gò của những con công

Gò Công là “gò của những con công”, theo một lý giải của người địa phương, do xưa kia nơi đây là vùng đất gò có nhiều công sinh sống. Quốc lộ 50 những ngày giữa tháng 9-2014 là một con đường đẹp, ít xe cộ, xuyên qua những cánh đồng lúa chín, xen kẽ những thửa ruộng đã gặt và mảng màu xanh ngắt của mạ mới lên.

Có lẽ do ảnh hưởng của cơn bão nên bầu trời cứ xám xịt cho tới khi chúng tôi tới phà Mỹ Lợi thì mặt trời mới bắt đầu ló dạng. Một trong những con phà cổ nhất vùng sông nước phía Nam từng một thời tấp nập, giờ hiện ra trong đìu hiu, xa vắng. Vài ba sạp hàng bày bánh kẹo, sản vật.

Tấm bảng “cấm bán hàng” treo khiêm tốn trên tường lấp ló sau những chồng hàng, phải chú ý mới thấy. Thứ duy nhất còn thấy quen thuộc là vài lò làm lạp xưởng tươi, thứ lạp xưởng nức tiếng một thời mà không ai qua đây lại không mua về làm quà cho người thân.

Cũng như bao con phà khác ở miền Tây, rồi con phà này cũng sẽ thành cổ tích khi mà nơi xa xa kia cây cầu Mỹ Lợi sắp được hoàn thành. Mừng quá cho sự đổi thay của quê hương, nhưng cũng chạnh lòng khi chợt nhớ tới những chuyến đi qua biết bao con phà trên những dòng sông. Rất nhiều điều thú vị trên những chuyến phà ngang ấy: những thân phận, những cuộc đời, dòng sông mải miết trôi và con phà trăm năm tuổi. Tới một lúc nào đó không còn con phà nữa, người đã đi xa, dòng sông bỗng trở thành ký ức và bạn mang một nỗi nhớ khôn nguôi.


< Dạo trên đường làng là một trải nghiệm khám phá thú vị.

Qua phà, con đường như hẹp lại nhưng cũng tươi xanh hơn nhiều nhờ hàng so đũa, có những gốc vài năm tuổi, có gốc chục năm tuổi. Những vườn chuối trĩu buồng đang nở những bông hoa đỏ khổng lồ và đặc biệt là rất nhiều hoa hàng rào ở những ngôi nhà ven lộ như bông trang, vàng anh, bông dừa... đua nhau khoe sắc.

Gò Công là một thị xã nhỏ vô cùng duyên dáng với một hồ nước ngay trung tâm. Hình như ngoài Mỹ Tho ra, ít có thị xã hay thị trấn nào ở miền Tây có hồ nước xinh xắn như vậy.

Trải nghiệm làng quê

Chặng đường tiếp theo bằng xe đạp là điểm nhấn chính của chương trình. Con đường làng nhỏ xíu trải đá dăm chạy dọc theo bờ kênh xanh mướt và những cánh đồng ngát hương lúa. Với người thành phố, đây có lẽ là một trong những trải nghiệm lý thú nhất của chuyến đi. Những ruộng rau, ruộng khoai, bông cải trắng, cải thìa, những luống hành, giàn đậu, dưa leo, mướp, bí đang mùa trổ bông vàng rực rỡ làm nên một khung cảnh yên bình hiếm đâu có được.

Điều đặc biệt làm con đường đạp xe ở Gò Công Đông trở nên thú vị chính là sự pha trộn giữa phong cảnh của vùng ngập mặn sát biển với những loài cây đặc trưng như đước, bần, mắm, trà... và phong cảnh sông nước miền Tây với những vườn cây trĩu quả, đồng lúa, hoa màu, đặc biệt là những vườn so đũa, hoa dùng nấu canh chua, lá làm thức ăn cho dê. Một hành trình thật khác với những tour đi xe đạp thường thấy dưới bóng dừa miền Tây.

Chúng tôi ghé thăm một cơ sở xay xát lúa thủ công sát bên chợ Tân Điền. Dù ngày nay đã có nhiều máy móc nông nghiệp hiện đại, nhưng những cơ sở truyền thống như vậy cũng không quá hiếm trong vùng này. Hệ thống máy cao tới 4-5m, hoàn toàn bằng gỗ với ống dẫn và phễu bằng thiếc, đã hơn hai, ba chục năm tuổi vẫn hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả, tạo nên một ấn tượng thật khác biệt. Rời nhà máy xát lúa, con đường đưa chúng tôi tới một trong những cửa biển của Gò Công.

Nếu bạn thích ngắm cảnh biển, có thể tới cửa biển Tân Thành, một bãi biển cát đen rất hoang sơ, tràn ngập hoa muống biển tím ngát và những rẫy dưa hấu xanh mướt trồng trên cát bãi bồi nên cho vị ngọt thanh hiếm thấy.

Nằm khuất sau cánh rừng ngập mặn tại một cửa sông thuộc ấp Tân Đông là một làng chài nhỏ vốn không phải là điểm du lịch. Ngay khi chúng tôi tới, thuyền chài vừa cập bến. Thủy hải sản tươi rói, ốc hương, ốc gai, ốc móng tay, ốc công chúa, nghêu, mực, cá, cua và tôm mũ ni... hứa hẹn một bữa trưa thịnh soạn đầy ắp hương vị biển.


< Một cơ sở làm chổi truyền thống ở địa phương.

Tới làng làm chổi thuộc thị trấn Vĩnh Bình, một lần nữa khung cảnh lại biến đổi đến không ngờ. Những mái nhà ngói cổ thấp thoáng sau những vườn chuối vườn dừa. Không khí mát dịu của cơn mưa làm mọi vật như tươi mới hơn, lung linh hơn. Hai bên lộ người ta phơi đầy vỏ dừa khiến con đường và cả con kênh như được khoác một màu áo mới. Ở đây nhà nhà đều làm chổi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi chỉ thấy nơi đây những nụ cười và sự cởi mở rất đỗi hồn hậu với khách ghé thăm.

Có lẽ Gò Công chưa đủ hấp dẫn với nhiều người, nhưng chắc chắn rằng một chuyến du lịch trải nghiệm bằng xe đạp về với “gò của những con công” ấy sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới mẻ và đầy bất ngờ về một vùng đất không chỉ giàu tính lịch sử, truyền thống mà còn rất bình yên và hữu tình.

Một điểm dừng thú vị

< Thuốc nam được phơi trong sân chùa.

Chúng tôi dừng chân tại một ngôi chùa nhỏ thuộc phái Tịnh độ cư sĩ Phật hội trên đường 862, thị xã Tân Hòa. Với phương châm  “Tu - học - hiện - hành - cứu nhân độ thế” bằng y dược cổ truyền, cơ sở tu hành này trở thành điểm chăm sóc sức khỏe cộng đồng khá hữu hiệu đối với những bệnh thông thường cho cộng đồng. Bước qua khỏi cổng tam quan là vườn thuốc và sân phơi. Vườn thuốc không lớn nhưng có rất nhiều loại cây thuốc như: rau bợ, dây gấm, huyết rồng, trung quân, chân vịt, râu mèo, đặc biệt nhiều loại rau gia vị thông dụng như  tía tô, kinh giới, húng quế, khổ qua…

Theo các vị tu hành nơi đây, khoảng 3.000 loại thuốc nam được trồng tại nhiều địa điểm được mang về chùa chế biến. Phần lớn diện tích chùa được sử dụng làm kho chứa các vị thuốc sau khi được sao hoặc phơi khô. Những người bạn nước ngoài vô cùng thích thú khi được bắt mạch và chẩn đoán về sức khỏe. Thuốc được bốc ngay sau đó, hoàn toàn miễn phí. Chợt liên tưởng đến những cơ sở tương tự khi đi du lịch Trung Quốc.

Rõ là chúng ta không thể rập khuôn theo kiểu cách đã bị thương mại hóa quá đà ở Trung Quốc, tuy nhiên nếu ngành du lịch nước nhà biết khéo léo hợp tác, những địa điểm như thế này sẽ trở nên một trải nghiệm lý thú cho du khách.

Theo Trần Thùy Linh (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Du lịch, GO!

Cuối tuần du ngoạn Ninh Bình

(TBKTSG) - Khởi hành từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng, chúng tôi cùng ba chiếc xe máy nối đuôi nhau theo quốc lộ 1A đi Ninh Bình.

Sau hơn hai giờ chạy xe vượt 95 cây số, chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình chừng 15km. Đích đến đầu tiên là chùa Bái Đính, sau đó sẽ là Tam Cốc - Bích Động, vốn được ví như một Hạ Long trên đất liền.
Chúng tôi bước vào khuôn viên chùa Bái Đính, nhìn các pho tượng uy nghiêm ẩn hiện trong làn khói hương trầm lãng đãng mờ ảo, có cảm giác như đang lạc vào cõi tiên với những điều kỳ bí, huyền diệu.

< Điện Tam Thế của chùa Bái Đính mới đồ sộ và hào nhoáng như cung điện của vua chúa ngày xưa.

Cắm hương nhang, niệm điều tâm phúc xong, chúng tôi đi lần theo ngách đá bên trái cuối động dẫn tới một hang nhỏ hơn; đó là hang thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.

Tiếp tục sải chân sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Đây là nơi có nhiều cây thuốc quý mà thiền sư Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư, 1065-1141), người đã lập chùa cổ Bái Đính từ năm 1136, thường xuống hái lượm mang về chế thuốc. Ông là một thiền sư, pháp sư giỏi, được vua phong làm Quốc sư và nhân dân tôn sùng là đức thánh Nguyễn. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, đã phát hiện ra các hang động đẹp nên dựng chùa thờ Phật và lập một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân.

< Hành lang dẫn lên chùa gợi đến hình ảnh Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc.

Trở lại ngã ba đầu dốc, chúng tôi rẽ trái khoảng 50 mét là tới động Tiên. Động Tiên được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ rủ xuống muôn hình vạn trạng lung linh huyền ảo. Mỗi nhũ đá, mỗi hòn đá trong động Tiên là một kiệt tác, kết tụ tinh hoa của thời gian trên đá và chỉ có tạo hóa mới tạo nên những điều kì diệu đó qua hàng vạn năm.

Đi bộ lên núi với chặng đường khá dài nhưng có cảnh đẹp, có bạn đường và những điều tuyệt vời phía trước chờ đón nên ai trong chúng tôi cũng đều cảm thấy thích thú với chuyến du ngoạn có ý nghĩa tâm linh này.

Chiều xuống, những tia nắng đã bắt đầu vàng hơn và mặt trời dần khuất sau những dãy núi đá. Chúng tôi rời khỏi chùa Bái Đính trở về, chuẩn bị cho ngày hôm sau tiếp tục tham quan Tam Cốc - Bích Động (Ninh Hải - Hoa Lư), nơi được ví von là ‘Hạ Long trên cạn’ của Ninh Bình.

< Tam Quan Nội với 4 cột cái bằng gỗ nặng 10 tấn và ba tầng mái uốn cong ở bốn phía, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Tiếc là tấm biển đề chữ Hán, phần lớn người dân Việt không đọc được!

Phương tiện duy nhất để vào thăm khu di tích Tam Cốc - Bích Động là dùng thuyền. Con thuyền nhỏ đưa chúng tôi đi dọc dòng sông Ngô Giang, đi qua hàng trăm ngọn núi đá nhấp nhô, nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ thiên tạo với nét đẹp của đồng quê còn nguyên sơ mộc mạc và dân dã. Với nhiều hang động mây nước hòa quyện đưa con người chìm đắm vào thiên nhiên cùng với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang Tam Cốc, động Tiên, chùa Linh Cốc...

Để có thêm những trải nghiệm thú vị, chúng tôi lần lượt thay nhau trực tiếp cầm mái chèo để đưa con thuyền tiến sau hơn vào khu Tam Cốc mà như người chèo thuyền vừa mách ở đó sẽ có nhiều điều thú vị. Càng vào sâu trong khu Tam Cốc, qua những câu chuyện với người lái đò chúng tôi đã hiểu hơn về vùng đất cố đô ‘địa linh nhân kiệt’ này.

< Tam Cốc - Bích Động hữu tình với núi non sông nước.

Chỉ khoảng 30 phút đi thuyền là chúng tôi có thể đến được với hang đầu tiên hay còn gọi là hang Cả, đây là nơi sông chảy luồn qua giữa lòng núi. Bên trong hang rất là tối và phía trên có rất nhiều nhũ đá với nhiều hình thù rất là lạ.

Rời khỏi hang Cả một bức tranh mở ra trước mắt chúng tôi với hai chất liệu chủ đạo là nước và đá. Ngay bên ngoài cửa hang là núi Chồng Sách, với những phiến đá được xếp gọn gàng như những chồng sách dày. Những dãy núi đá san sát nhau ở hai bên bờ sông là nơi người dân trong vùng nuôi dê, một đặc sản không thể bỏ qua khi khách du lịch đặt chân tới Ninh Bình.

Hang cốc thứ hai dài 60 mét với rất nhiều nhũ đá thật đẹp. Điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về ‘bầu sữa tiên’; tương truyền rằng nam nữ thanh niên chưa có gia đình đến đây sờ tay vào ‘bầu sữa’ này sẽ có được cuộc sống ấm no hạnh phúc (?!).

< Giếng Ngọc trong động Tối được tạo thành do nước lạnh từ nóc động rơi xuống.

Rời khỏi cốc thứ hai khoảng 10 phút đi thuyền, chúng tôi đến hang thứ ba. Hang thứ ba gần hang thứ hai, dài 50 mét, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang trước. Đây cũng là điểm dừng chân của du khách khi tham quan Tam Cốc.

Buổi chiều nắng nhẹ, cả nhóm quyết định đi xe đạp, phương tiện rất thuận lợi, phù hợp địa hình khi đến với chùa Bích Động. Trên đường đi thỉnh thoảng bắt gặp những núi đá nhô ra mặt đường, chúng tôi cảm tưởng như đang lạc vào một thung lũng đá.

Ngay khi vào khu di tích ngôi chùa Hạ tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc Sơn, năm ngọn núi như năm cánh hoa sen chụm vào nhau hướng vào ngôi chùa Hạ trông thật đẹp mắt.

Chùa Bích Động là kiến trúc độc đáo, sở dĩ có tên Bích Động bởi kiến trúc của ngôi chùa được xây nguyên bằng đá xanh nguyên khối. Điều thú vị khi chúng tôi đến chùa Bích Động là được khám phá cây ổi cười. Bình thường cây ổi không rung, nhưng khi có người ‘gãi’ vào thân cây ổi sẽ rung mà người ta gọi là cây ổi cười.

< Khu hành lang dài dẫn đến điện Pháp chủ có đặt 500 tượng La Hán bằng đá.

Kết thúc hành trình thú vị trong hai ngày nghỉ cuối tuần đọng lại trong chúng tôi một tâm lý kỳ vọng, muốn vươn đến cái đẹp, cái thiện của tạo hóa. Và sự kỳ vọng đó đem lại trong mỗi chúng tôi niềm sảng khoái và tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn.

Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới (xây dựng từ năm 2003). Chùa mới nằm trên sườn núi, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ, phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, thích hơn người và nhờ đó chùa Bái Đính nhanh chóng nổi tiếng với nhiều kỷ lục:

- Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á (100 tấn).
- Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (100 tấn).
- Chuông đồng lớn nhất Việt Nam (36 tấn).
- Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 hecta (chùa cổ 27 hecta, chùa mới 80 hecta).
- Chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á (gần 3km).
- Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 tượng đá cao khoảng 2m).
- Chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
- Chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ).

< Bộ tượng Tam Thế được đúc bằng đồng nguyên khối dát vàng, mỗi pho nặng 50 tấn.

Sự khác biệt cơ bản của chùa Bái Đính mới với các ngôi chùa Phật giáo khác ở Việt Nam là không xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân tại địa phương mà quần thể chùa Bái Đính mới (rộng 80 hecta) này "nằm trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm du lịch văn hóa Tràng An" rộng gần 2.000 hecta do công ty TNHH Xuân Trường làm chủ đầu tư. Thời hạn đầu tư và chủ dự án chùa Bái Đính cùa công ty Xuân Trường là 70 năm.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư các hạng mục về giải phóng mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. (Giấy chứng nhận đầu tư số 091110000011, ngày 10/4/2008 do UBND tỉnh Ninh Bình cấp cho DNXD Xuân Trường).

Theo Phạm Thị Thảo (The Saigon Times)
Du lịch, GO!

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Ngắm thác Thiên Thai, thông 1.000 tuổi

(TTO) - Đã nghe giới thiệu nhiều về Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà, nhưng mãi đến mùa thu này chúng tôi mới quyết định gác mọi công việc để thực hiện một chuyến khám phá vùng đất đầy mê hoặc đó.

< Thác Thiên Thai tại Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà.

Từ Đà Lạt theo đường 723 (Đà Lạt - Nha Trang), qua vùng rau hoa công nghệ cao, đồi núi trập trùng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Hai bên đèo 723 đất đỏ bazan uốn lượn như dải lụa hồng, nhà cửa, biệt thự nhấp nhô, ẩn hiện trong rừng thông thẳng tắp, quyến rũ, đẹp đến nao lòng.

Vào rừng thăm thác Thiên Thai

Trước khi vào rừng, Cil Criêu Ha Trái - hướng dẫn viên du lịch dân tộc K’ho - thông báo cho chúng tôi về lộ trình, nội quy, thời gian và địa điểm. Trên đường đi, chúng tôi được Ha Trái giới thiệu về những cây rừng dùng để làm thuốc cứu người. Nào là cây thanh mai (chữa đau răng), cây chỉ thiên (chữa đau bụng), cây dẻ (chữa ho), rồi sa nhân, đẳng sâm, ngũ gia bì, sâm đỏ... Chỉ vào một cây ven đường, Ha Trái bảo: “Đây là cây đỡ đẻ tên criêu, tên đệm của bộ tộc mình đấy”.

Rồi Ha Trái kể rằng theo truyền thuyết, ngày xưa bộ tộc này có người phụ nữ mang bầu vào rừng hái quả. Chẳng may đau đẻ bất ngờ, bà hái vội lá cây rừng lót thành nệm và đẻ con trong đó, rồi ôm con trong bọc lá cây về nhà. Cả buôn làng mừng rỡ ra đón và mở tiệc ăn mừng. Trước lúc ăn tiệc, già làng nói đây là lá criêu, từ nay đứa trẻ này và mọi đứa trẻ khác sinh ra đều lấy tên Criêu làm tên đệm.

Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi rì rào “bản nhạc rừng” không dứt, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thỉnh thoảng, băng qua những con suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhón chân bước trên hòn đá chênh vênh, cảm giác như vừa thi xong bài “băng rừng vượt suối” nhưng không hề thấy mệt.

Khi tiến sâu vào rừng, nghe tiếng thác đổ, vượn kêu chim hót như một bản hòa tấu của thiên nhiên. Gặp một cây khá to, cao khoảng 25m bên lối mòn, Ha Trái cho biết đây là cây thông đỏ, “cùng thời với khủng long, nằm trong Sách đỏ thế giới”, cả nhóm thích thú tranh nhau chụp ảnh. Tiếp tục đi dọc suối một đoạn, trước mắt chúng tôi là thác Thiên Thai đang tung bọt trắng xóa, tuôn chảy mãnh liệt, kỳ vĩ và thơ mộng. Hai bên thác, nhiều cành lá cây rừng lung linh trong nắng, rũ xuống như mái tóc mỹ nữ. Mọi người say mê ngắm cảnh đẹp như tranh vẽ của thác Thiên Thai.

Những người trong đoàn đều lấy máy ảnh hoặc điện thoại thi nhau chụp hình để ghi lại những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng thác nước Thiên Thai huyền ảo, một địa chỉ không thể bỏ qua của hầu hết các đoàn khách khi đến VQG Bidoup - núi Bà.

Say nhịp cồng chiêng Bidoup - núi Bà

Buổi tối, tiếng cồng chiêng thúc giục, mùi thịt nướng than béo ngậy thơm lừng, hương rượu cần nồng cay khiến mọi người quên hết sự mệt nhọc của chuyến đi vào rừng trước đó. Và các chàng trai, cô gái K’ho hừng hực quyến rũ trong váy áo thổ cẩm rực rỡ nhảy múa theo tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng vang cả núi rừng của nhóm cồng chiêng VQG Bidoup - núi Bà.

Suốt đêm khuya trong rừng vắng, hòa cùng tiếng chiêng, say múa hát, say rượu cần, say men tình khiến chúng tôi quên cả đường về... khách sạn. Đêm giữa rừng thông, nghe “bản hòa tấu” côn trùng rên rỉ êm tai, ngủ ngon không mộng mị. Tôi dậy sớm để chụp cảnh bình minh nhưng mặt trời đã bị mây và sương mù che phủ.

Sau bữa sáng, chúng tôi được anh Lê Văn Hương, giám đốc VQG Bidoup - núi Bà, đưa đi thăm đỉnh Hòn Giao, nơi tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa, giải thích cho chúng tôi nghe rất nhiều điều thú vị về núi Bidoup và cánh rừng nguyên sinh lớn nhất VN. Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, cả du khách nước ngoài đi ngang qua cũng dừng lại chụp, vui như hội.

Trên đường về Trạm kiểm lâm Giang Ly dùng cơm trưa, giám đốc Hương mời cả đoàn thăm cây thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi. Chúng tôi rất háo hức và vô cùng kinh ngạc. Xung quanh “cụ” có hàng trăm cây khác, nhỏ hơn và mọc xa hơn.

Lên xe sau cùng (vì ham chụp ảnh) nhưng tôi vẫn nghe trọn vẹn câu chuyện được anh Hương kể: “Thông hai lá dẹt - tên khoa học Pinus krempfii, trên thế giới chỉ có duy nhất ở VQG Bidoup - núi Bà của VN. Có nhà thực vật học thế giới ao ước trước khi chết được thấy cây thông hai lá dẹt 1.000 tuổi ở Bidoup - núi Bà là mãn nguyện nhất đời!”.

Riêng tôi, chuyến đi này chỉ có một tiếc nuối là không thăm được cây pơ mu 1.300 tuổi (cao 40m, chu vi 13,5m) trong VQG Bidoup - núi Bà. Lần sau, tôi quyết tâm leo núi để thấy và chụp ảnh “cụ pơ mu” dù phải ngủ lều, ăn cơm vắt trong rừng sâu núi thẳm.

Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là một trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng VN. Khu vực Bidoup - núi Bà thuộc địa giới hành chính huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chiếm gần trọn cao nguyên Lang Biang (còn gọi là cao nguyên Lâm Viên). Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của VN.


Với 91% diện tích 64.800ha của Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà là rừng và đất rừng, trong đó chủ yếu là rừng nguyên sinh với rất nhiều loài động - thực vật khác nhau. Có 1.468 loài thực vật có mặt ở Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà, trong đó 62 loài quý hiếm phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, nằm trong cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách đỏ VN năm 2000. Có 52 loài động vật, chiếm 25% tổng số loài trong khu vực, được ghi vào danh mục các loại động vật quý hiếm.

Theo Hà Hữu Nét (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!