Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Khô rắn, đặc sản vùng biên

(TTO) - Xuất hiện nhiều nhất vào mùa nước nổi và kéo dài đến tết, rắn được dân đồng bằng chế biến thành khô, một đặc sản nổi tiếng có một không hai ở vùng biên, ít nơi nào sánh được.

< Khô rắn thành phẩm.

Thịt rắn bây giờ rất quý hiếm, có tiền cũng chưa chắc mua được nhất là các loại rắn ngon, thịt bổ dưỡng. Tuy nhiên, tại các chợ nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia như Vĩnh Hội Đông, Khánh An thuộc huyện An Phú, An Giang lúc nào cũng có nhiều sạp rắn, đa phần là rắn hiền như bông súng, ri voi, ri cá, rắn nước, rắn trun, rắn râu… không nằm trong sách động vật quý hiếm.

< Công đoạn lột da rắn.

Hàng năm, rắn xuất hiện nhiều nhất vào mùa nước nổi và kéo dài cho đến tết. Phần lớn người săn bắt rắn là người Khmer. Họ mang từ biên giới qua Việt Nam bán cho các chủ vựa, sau đó mới lần lượt đi vào nhà hàng, quán ăn và khách du lịch.

Thường khách du lịch chỉ chọn mua những loại rắn lớn, thịt ngon như ri voi, hổ hành. Còn các loại nhỏ người ta thường chế biến thành khô, một đặc sản nổi tiếng, có một không hai ở vùng biên, ít nơi nào sánh được. Dulichgo

< Thịt rắn làm sạch trước khi tẩm ướp gia vị.

Hiện nay tại xã Vĩnh Hội Đông có tới 10 cơ sở làm khô rắn. Ông Lê Văn Tiểu, một người sản xuất khô rắn nổi tiếng, cho biết khô này làm toàn bằng thịt của các loại rắn hiền như bông súng, ri voi, ri cá, rắn râu, rắn nước, rắn trun... Trong đó có loại được dân gian sử dụng làm món ăn vị thuốc như rắn trun.

Vào thời điểm thu mua được nhiều rắn tươi sống, mỗi ngày ông Tiểu xuất trên 20kg khô với giá 250.000-300.000 đồng/kg. Thông thường, muốn có 1kg khô người ta phải cần đến 12kg rắn tươi.

< Thịt rắn ép mỏng thành bánh, đem phơi khô.

Để có được một sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh, trước hết rắn phải lột da, làm sạch, cạo lấy thịt, bỏ xương. Sau đó dùng thịt tẩm ướp với gia vị gồm muối, đường, tiêu, ớt, bột ngọt, xong ép mỏng và phơi khô từ 2-3 nắng. Xong cho vào bao bì, bảo quản thật tốt. Dulichgo

Ngoài đặc sản khô rắn, Vĩnh Hội Đông còn có món khô trăn, cách chế biến cũng như khô rắn nhưng chất lượng không bằng.

< Khô rắn đưa ra thị trường.

Khô rắn khi nướng trên bếp than hồng sẽ có mùi vị thơm phức, lan tỏa khiến ai nghe cũng háo hức đợi chờ. Khi nhập tiệc, chúng ta có thể xé từng thớ thịt vàng ươm, nhai chầm chậm và từ từ nuốt hết chất ngọt, thoảng nghe một mùi thơm ngon khoái khẩu.

Khô rắn hơi dai nhưng không cứng so với khô cá lóc và cá chạch. Đây là món ăn bình dị được chế biến từ nguyên liệu thuần Việt nhưng vô cùng hấp dẫn nhờ hương vị và bí quyết riêng. Muốn cầu kỳ hơn, thực khách có thể nhấm nháp kèm với dưa leo, xoài sống, cóc non và chấm với tương ớt cay cay. Cứ thế mà lai rai hết miếng này tới miếng khác, không chê vào đâu được. Dulichgo

< Khô rắn nướng chín.

Ở nước bạn Campuchia cũng có mặt hàng khô rắn xuất qua Việt Nam, bao bì có nhãn hiệu rất lịch sự, nhưng đối với người sành điệu chỉ khô chế biến tại An Phú mới thơm ngon đậm đà, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh. Bà Quách Thị Lan, chủ một cơ sở chế biến cho biết khô rắn hiện nay ngày càng hiếm vì rắn nguyên liệu mỗi năm một giảm nên giá cả cũng tăng cao.

Khô rắn là món ăn chơi, món nhậu. Do đó, nếu có thêm chai rượu thuốc bạn bè chuyền tay nhau không khí càng trở nên ấm cúng, không gì sánh bằng.

Theo Hoài Vũ (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét