Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Hoài Nhơn đẹp bất ngờ

Không nằm trên bản đồ du lịch nhưng biển, núi, rừng Hoài Nhơn (Bình Định) sẽ khiến bất cứ ai một lần đi qua cũng phải trầm trồ.

< Trời nước yên bình ở cửa Tam Quan.

Huyện Hoài Nhơn nằm phía Bắc tỉnh Bình Định, giáp địa phận tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quy Nhơn hơn 100 km. Với diện tích 412,95 km2, Hoài Nhơn có 17 xã thị trấn, 2 thị trấn là Bồng Sơn và Tam Quan, các xã gồm Hoài Sơn, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Hải, Hoài Xuân, Hoài Mỹ và Hoài Đức.

< Hoài Nhơn có nhiều gành đá hoang sơ vắng dấu chân người.

Hoài Nhơn có nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu trồng lúa và hoa màu, gần đây Hoài Nhơn phát triển thêm ngành nghề truyền thống như dệt thảm dừa, dệt chiếu và các sản phẩm thủ công từ dừa.

Hoài Nhơn không phải là một điểm đến du lịch hấp dẫn so với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, với địa hình bao gồm cả rừng, núi, ruộng, vườn, sông, suối, hồ, biển, Hoài Nhơn sở hữu trong mình một nét đẹp vừa mộc mạc, hiền hòa đặc trưng thôn quê lẫn hùng vĩ của tự nhiên hoang dã.

< Hang Yến ở Hoài Nhơn.

Hoài Nhơn có cửa biển Tam Quan ấn tượng với những ngọn đồi chạy dài ra biển, khi bình lặng cùng bãi cát trắng dài tít tấp,  khi nhộn nhịp với cảng cá Thiện Chánh tấp nập tàu thuyền. Đến cửa Tam Quan, bạn hãy dành thời gian khám phá hang Yến qua chuyến leo núi tại mũi không tên chia cắt ranh Bình Định và Quãng Ngãi.

Với biển Hoài Nhơn, những ai yêu thiên nhiên hoang sơ nhất định sẽ mê mẩn những gành đá còn vắng dấu chân người như Gành Lộ Diêu, bãi cát Bang Bang ở xã Hoài Mỹ, Mũi Gành ở xã Hoài Hải. Dulichgo

Ngược lên phía núi, băng qua những cánh đồng xanh ngát, Hoài Nhơn hiện ra với nét kỳ  kỳ vĩ của những lòng hồ, con suối. Phải kể đến hồ Mỹ Bình tại xã Hoài Phú, là địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh, câu cá, chèo thuyền.

Ngoài ra, bạn có thể thử sức leo núi vượt rừng khám phá những thác nước với những cái tên ngồ ngộ như Thác Ồ Ồ (xã Hoài Phú), Thác Đổ (xã Hoài Sơn)… hòa mình vào cảnh rừng tự nhiên và thưởng thức những sản vật từ rừng.

Hoài Nhơn có đền thờ Đào Duy Từ nằm ở thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. cách quốc lộ 1A khoảng 1 km về phía bắc. Chùa cổ Thắng Quang tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi cây Xay, xưa là ấp Hi Tường, xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn nay là thôn Hi Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo tài liệu "Những ngôi chùa nổi tiếng ở Hoài Nhơn" của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, thì tiền thân của chùa là một thảo am được "triệu kiến" vào năm Nhâm Thân (1692) nhưng mãi đến năm Đinh Dậu (1717), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, thì ngài Minh Giác Kì Phương, đời Pháp thứ 34 Lâm tế chánh tông, mới khai sơn là Thắng Quang Tự. Dulichgo

Dù là chủ đích hay tình cờ ghé qua, con người và cảnh đẹp Hoài Nhơn, với những địa điểm dù vô danh trên bản đồ du lịch, chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc, khoảng khắc và trải nghiệm thú vị.

Đến Hoài Nhơn, đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản rất đặc trưng như mè xững, bánh đúc Hoài Thanh; nem chả Bồng Sơn; bánh xèo Hoài Đức. Đặc biệt đến thị trấn Tam Quan, địa phương nổi tiếng với những vườn dừa bát ngát (ca dao có câu: “Công đâu công uổng công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”), bạn không thể bỏ qua đặc sản bánh tráng nước dừa Tam Quan cùng nhiều sản vật đặc trưng làm từ dừa.

Du lịch, GO! tổng hợp theo Phụ Nữ NLĐ, Wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét